Phải xây sân bóng đá mới, Mỹ Đình chật quá rồi!

Vui thật, các anh các chị ạ! Cứ đọc đi đọc lại các báo, rồi lại quay về chuyên mục thể thao, “hóng” các thông tin mới về trận chung kết lượt về AFF Cúp tại Mỹ Đình...
Trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 với Malaysia, Việt Nam có lợi thế khi ghi 2 bàn trên sân khách với tỉ số 2-2.
Trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 với Malaysia, Việt Nam có lợi thế khi ghi 2 bàn trên sân khách với tỉ số 2-2.

Cuối năm có bao nhiêu là việc. Giá như mọi khi, đơn thuần chỉ là SEA Games hay là Tiger Cup, AFF Cup thôi, chưa có “vị” gì lớn lao cả, thì đi một nhẽ. Cứ làm việc, rồi đợi đến giờ bóng lăn… là xem.

Nay ta vui đã khác xưa rồi vì bóng đá ta đã khác xưa rồi! Đã vang danh châu Á, đã mạnh mẽ ASIAD, rồi còn đi xa nữa… Nên chờ xem là còn để phân tích, để liên kết với cả hành trình đã đi qua và liên tưởng tới những bước chân sắp đến, vì vậy mà thú vị. Bóng đá cho chúng ta cái niềm vui vô giá này suốt từ đầu năm đến nay…

Bóng đá Việt Nam ta năm 2018 đã có những sự “liên quan” đến World Cup: Một HLV từng là trợ lý của một đội tuyển quốc gia châu Á đã vào tới bán kết Chung kết World Cup, một cầu thủ trẻ của Việt Nam được mời tới World Cup 2018 để trao giải thưởng… Và mới đây, chúng ta chiến thắng một cách “tâm phục khẩu phục” một đội tuyển quốc gia do một HLV đã lừng lẫy ở World Cup. Chính ông HLV lừng lẫy này, sau trận đấu, đã thật lòng cho rằng: “Đội tuyển Việt Nam là đội bóng của tương lai”. Ông ấy cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tình yêu và khát vọng bóng đá của dân ta.

Tính đếm, xét đoán mọi khía cạnh, thì Tuyển Việt Nam sẽ vô địch tại Mỹ Đình hôm nay sau 10 năm chờ đợi. Giả sử, không vô địch, thì chỉ tại… Trời thôi. Mà xem ra, thì Trời cũng đang ủng hộ đội của ta. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đều vượng cả. Thế mà vẫn phấp phỏng, lo âu. Bóng đá hấp dẫn là vì như vậy…

Trong khi chờ tối nay huy hoàng, lại xin đi “loanh quanh” bóng đá một chút vậy.

Bóng đá là một lĩnh vực đòi hỏi phải đầu tư dài hơi. Có được thành công hôm nay cũng là từ những đầu tư dài hơi từ lâu rồi. Nhưng nói thật, những đầu tư đã qua là “đầu tư tự phát” từ tâm huyết và tình cảm của những doanh nhân, chứ những người có trách nhiệm với nền thể thao nước nhà không có mấy “công lao” ở đây. Thậm chí họ còn có lỗi lớn.

Bằng chứng là, ngay khi bóng đá Việt lên đỉnh cao, người có công mang về vị HLV tài danh, chi trả lương cho HLV ấy, người có công trong công tác đào tạo nhiều cầu thủ trong đội tuyển hiện nay, lại “đứng ngoài” (hay bị đẩy ra đứng ngoài?) Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Trước đó thì có chuyện, một doanh nghiệp lớn xin “trả lại” đội bóng danh tiếng cho địa phương, xin không tham gia quản lý, tài trợ nữa vì “chả lợi lộc” gì.

Vì thế mà tôi xin được nêu ra 5 vấn đề sau đây để được cùng bàn luận, tham góp:

1) Từ những sự kiện nói trên, cùng những vấn đề nội tại quan hệ bóng đá nước ta, liệu sẽ tạo nên “hiệu ứng” như thế nào trong công tác xã hội hóa đầu tư cho bóng đá và thể thao Việt Nam trong thời kỳ tới đây? Liệu Bóng đá Việt Nam có tiếp tục được mạch đầu tư bài bản và căn cơ để gặt hái tiếp thành công hay lại rơi vào khủng hoảng? Đây là một vấn đề rất cần nghiêm ngắn xem xét ngay lập tức.

2) Bóng đá thành công, thu hút sự quan tâm của công chúng, đã khẳng định đây là một lĩnh vực đầu tư, nâng cao thương hiệu, lan tỏa truyền thông, tạo thêm sự gắn kết và cả khía cạnh lợi nhuận thương mại. Vậy những người quản lý thể thao nước nhà đã có ý tưởng như thế nào để không bỏ lỡ cơ hội mời gọi đầu tư vào bóng đá cũng như thể thao, để cùng mang lại lợi ích và niềm vui cho người dân sau hiệu ứng thành công của bóng đá Việt năm 2018 này.

3) Từ trường hợp HLV Park Hang Seo được Hàn Quốc vinh danh và số lượng người Hàn Quốc theo dõi bóng đá Việt Nam tăng lên rất nhanh và rất cao, cho ta thấy sự diệu kỳ trong gắn kết các quốc gia, dân tộc qua thể thao, chúng ta sẽ làm gì để khai thác điều này?

4) Từ thành công của Bóng đá Việt Nam năm 2018, chúng ta phải nghĩ đến việc sẽ được trao hoặc nhận lấy việc đăng cai các giải thể thao châu lục, không chỉ bóng đá, mà cả Á vận hội, chứ không lẽ lại từ chối ASIAD như năm vừa qua. Chiến lược nào cho các kế hoạch đăng cai và khai thác các cơ hội này?

5) Một vấn đề cụ thể. Sân Hàng Đẫy sẽ được xây lại. Điều ấy cần thiết. Nhưng không thể mở rộng quy mô. Thực tế những cơn sốt vé vừa rồi cho thấy, nhu cầu xem bóng đá của chúng ta đã vượt qua số lượng hơn 40.000 chỗ của Mỹ Đình nhiều rồi, có tài thánh cũng khó tránh được những hiện tượng như vừa qua.

Việt Nam phải có một sân thi đấu bóng đá mới, ít ra là 80.000 chỗ như ở Malaysia, thậm chí 100.000 chỗ mới thỏa. Sân mới ấy sẽ cùng với Hàng Đẫy, Mỹ Đình, sân Vinh, sân Đà Nẵng và sân Thống Nhất (TP.HCM) trở thành một hệ thống để ta nhận đăng cai tổ chức giải châu Á.

Tầm nhìn 20, 30 năm nữa, có thể nghĩ đến việc tổ chức World Cup chứ. Qatar chỉ 2,6 triệu dân, chỉ mấy trăm ngàn dân gốc, còn chủ yếu là người nước ngoài, còn đăng cai tổ chức World Cup 2022, tại sao Việt Nam không nhỉ? Việc xây một sân bóng đá mới thật lớn là rất cần thiết rồi. Vậy nguồn vốn ở đâu, làm thế nào để không lỗ vốn? Đấy là câu hỏi cần những nhà quản lý tài ba và doanh nhân có tầm cỡ trả lời!

Theo Nhà Đầu tư

Link gốc: https://nhadautu.vn/cafe-cuoi-tuan-phai-xay-san-bong-da-moi-my-dinh-chat-qua-roi-d16560.html