Nutifood "ra mặt" ở Đường Quảng Ngãi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nutifood chính thức "ra mặt" ở Đường Quảng Ngãi (QNS) với vai trò cổ đông lớn sở hữu 5,33% vốn điều lệ của công ty này.

Nutifood "ra mặt" ở QNS
Nutifood "ra mặt" ở QNS

CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood Bình Dương (Nutifood Bình Dương) vừa có báo cáo về việc trở thành cổ đông lớn của CTCP Đường Quảng Ngãi (Mã CK: QNS).

Theo đó, Nutifood Bình Dương đã hoàn tất việc mua vào 2 triệu cổ phiếu QNS, qua đó nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại đây lên 6,2 triệu đơn vị, tương đương 1,74% vốn điều lệ.

Thương vụ trên được thực hiện vào ngày 2/8/2022. Trước giao dịch, CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood (Nutifood) – công ty mẹ của Nutifood Bình Dương – đã nắm giữ 12,8 triệu cổ phiếu QNS, tương đương 3,6% vốn điều lệ.

Như vậy, nhóm cổ đông liên quan đến Nutifood đã nắm giữ trực tiếp 5,33% vốn điều lệ của QNS, chính thức trở thành cổ đông lớn của nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Nhóm Nutifood được tin rằng đang sở hữu lượng cổ phần QNS lớn hơn nhiều so với con số nêu trên. Thậm chí, nhóm này đã có đại diện trong HĐQT của QNS.

Như VietTimes từng phân tích, QNS là mảnh ghép lý tưởng cho mục tiêu mở rộng thị phần và đa dạng sản phẩm của Nutifood. Với doanh thu năm đã tiệm cận mốc 10.000 tỉ đồng, Nutifood cũng có nhiều động lực để thâu tóm công ty này.

Lưu ý rằng, "game" QNS còn thu hút nhiều “cá mập” khác, kể tới như nhóm VinaCapital, nhóm Rồng Việt (VSD) và nhóm Bản Việt (VCI). Họ cùng nhìn thấy cơ hội, ít nhất là đầu tư tài chính, ở công ty kiếm 3 tỉ đồng lợi nhuận mỗi ngày này (QNS báo lãi 541 tỉ đồng nửa đầu năm 2022).

Có một vấn đề là số cổ phần mà các “cá mập” nêu trên gom được còn hạn chế. Nó còn cách rất xa tỷ lệ để họ có thể có được tiếng nói có trọng lượng ở QNS, chứ chưa nói đến nắm quyền kiểm soát.

Thêm nữa, cơ cấu sở hữu của QNS hiện rất phân mảnh. Lượng lớn cổ phần của công ty này đang nằm trong tay cổ đông nhỏ lẻ và người lao động công ty. Nhóm cầm quyền ở QNS nhiều năm qua, là ban lãnh đạo công ty, theo báo cáo quản trị bán niên năm 2022 cũng chỉ nắm giữ 18,1% cổ phần – bao gồm cả sở hữu của người có liên quan.

Trong khi đó, cổ đông lớn nhất của QNS là Công ty TNHH MTV TM Thành Phát, nắm giữ 15,5%. Nhưng Thành Phát lại là công ty con do QNS sở hữu 100% vốn nên bản chất, số cổ phần QNS này cũng như cổ phiếu quỹ của công ty.

Kết quả kinh doanh ấn tượng cùng việc trả cổ tức rất hậu khiến các cổ đông nhỏ lẻ/người lao động của QNS ít có động lực để bán non. Thậm chí, một số lãnh đạo QNS còn tích cực gom thêm cổ phiếu.

Mới đây, ông Võ Thành Đàng, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc QNS, đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu QNS trong khoảng thời gian từ ngày 4/8 – 31/8/2022. Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của cá nhân ông Đàng ở QNS sẽ tăng nhẹ lên mức 7,32%, tương đương với 26,1 triệu cổ phiếu.

Trước đó, ông Đàng cũng đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu QNS trong khoảng thời gian từ ngày 30/6 – 29/7/2022. Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch này đã không mua được bất kỳ cổ phiếu QNS nào với lý do “điều kiện thị trường chưa phù hợp”.

Theo ghi nhận của VietTimes, trong phiên ngày 2/8, có 2 triệu cổ phiếu QNS được giao dịch thỏa thuận với giá trị 91,3 tỉ đồng. Đến phiên 5/8, có thêm 2 triệu cổ phiếu QNS được trao tay với tổng giá trị đạt 90,9 tỉ đồng./.