Cảnh báo lũ trên sông Thao tại Yên Bái
Ngày 8/9, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nhiều khu vực tại miền Bắc đã có mưa lớn với lượng mưa lớn như: Vạn Mai (Hòa Bình) 333,4 mm, Tô Múa (Sơn La) 326,2 mm, Tà Si Láng (Yên Bái) 283 mm, Xuân Sơn (Phú Thọ) 279,6 mm…
Đáng chú ý, mưa lớn đã gây tình trạng ngập lụt ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và huyện Trạm Tấu (Yên Bái).
Tại huyện Trạm Tấu, mưa lũ đã làm 9 căn nhà bị sạt taluy ở các xã Túc Đán, Pá Hu và Tà Xi Láng. Trung tâm Y tế huyện bị sạt taluy dương khối lượng đất đá ước tính 2.000 m3. Tại xã Bản Mù có 9 ngôi nhà bị ngập tới nóc do nước lũ.
Ông Giàng A Trang, Chủ tịch UBND xã Bản Mù, cho biết sau khi nhận được thông tin mưa lớn do hoàn lưu bão Yagi gây ra, chính quyền đã đến những khu vực có các hộ dân sinh sống ở gần sông, suối... để tuyên truyền cảnh báo.
Theo ông Trang, 3h ngày 7/9, xã Bản Mù bắt đầu có mưa lớn, đến nửa đêm thì nước lũ trên thượng nguồn đổ xuống gây ngập cho 9 ngôi nhà tại thôn Mảnh Tào. Thời điểm đó, trong 9 ngôi nhà vẫn còn 7 hộ dân, tất cả đã bỏ lại tài sản, di tản đến nơi an toàn.
Trưa nay, thôn Mảnh Tào vẫn còn mưa to, nước lũ đã dâng cao 2 m tới nóc nhà. Tất cả tài sản của người dân đều chìm trong biển nước.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chiều 8/9, lũ trên sông Thao tại Yên Bái đang lên nhanh. Mực nước lúc 15 giờ ngày 8/9 là 31,4 m trên mức báo động 3. Trên sông Ngòi Thia, lũ cũng đang dao động ở mức cao, mực nước lúc 15 giờ là 8/9 là 45,98 m.
Dự báo, trong 6-24 giờ tới, lũ trên sông Thao tiếp tục lên; lũ trên sông Ngòi Thia tiếp tục dao động ở mức cao.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, nguy cơ ngập lụt rất cao ở nhiều địa phương của tỉnh Yên Bái. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các khu vực trong tỉnh, đặc biệt tại các huyện như: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, TX. Nghĩa Lộ, TP. Yên Bái.
Ngập úng tại các vùng trũng thấp của huyện: Văn Chấn, TX Nghĩa Lộ, Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, TP. Yên Bái (phường Hồng Hà, phường Yên Ninh, phường Nguyễn Thái Học, xã Tuy Lộc, xã Âu Lâu).
Lạng Sơn cũng chìm trong biển nước
Tại tỉnh Sơn La, sáng 8/9, mực nước tại sông Kỳ Cùng, sông Thương dâng cao đã ảnh hưởng đến các huyện Lộc Bình, Cao Lộc, Văn Quan, Văn Lãng, Chi Lăng và TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn).
Từ 9h30, đơn vị quản lý hồ chứa nước Bản Lải (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) thông báo xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình.
Việc xả lũ này khiến khu vực hạ nguồn sông Kỳ Cùng thuộc các địa phương như TP Lạng Sơn, huyện Văn Quan, huyện Văn Lãng... mực nước dâng lên khoảng 2m.
Nhiều địa phương thuộc hạ nguồn hồ Bản Lải, Bản Nhùng thuộc sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn) nhiều nơi chìm trong biển nước.
Theo thống kê, đến 13h ngày 8/9, trên địa bàn Lạng Sơn đã có 1 người tử vong và 9 người khác bị thương do ảnh hưởng của bão Yagi. Nạn nhân tử vong là ông L.V.L. (49 tuổi, trú huyện Chi Lăng).
Về nhà cửa có hơn 1.256 hộ gia đình bị thiệt hại (trong đó 950 nhà bị tốc mái; 90 nhà bị cây đổ và do sạt lở đất; 223 nhà bị ngập nước...).
Ngoài ra, còn có thiệt hại các công trình khác như trụ sở công an xã, nhà văn hóa thôn, trường học và điểm bưu điện xã...
Về nông nghiệp trên 2.201ha bị ảnh hưởng (trong đó có 706ha lúa; 674ha hoa màu; 847ha cây công nghiệp, trên 1.000 cây hồng bị gãy đổ).
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 939 của Thủ tướng về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất tại 2 tỉnh Sơn La, Điện Biên.
Theo quyết định này, nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024 sẽ chi 20 tỷ đồng cho 2 địa phương để hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống ngay sau mưa lũ (Sơn La 10 tỷ đồng, Điện Biên 10 tỷ đồng), như đề nghị của Bộ Tài chính.
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh Điện Biên, Sơn La có trách nhiệm phân bổ cụ thể số kinh phí được bổ sung bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Thủ tướng chỉ đạo các địa phương sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống ngay sau mưa lũ.
Từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8, nhiều trận mưa lớn đã đổ xuống tỉnh Điện Biên, Sơn La khiến nhiều khu vực bị lũ quét, sạt lở và ngập lụt. Chưa khắc phục xong thiệt hại do lũ gây ra, các địa phương đã đối mặt với cơn bão số 3 gây nhiều thiệt hại nặng nề.