Dữ liệu vừa cập nhật đến tháng 2/2015. Đây là tháng quan trọng đối với hoạt động của hệ thống, tháng đầu tiên Thông tư 36/2014/TT-NHNN bắt đầu có hiệu lực.
Một quy định nổi bật trong Thông tư 36 là Ngân hàng Nhà nước đột ngột nới rộng giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, từ 30% áp dụng nhiều năm qua lên tới 60%.
Như một bài viết về thay đổi chính sách này trên VnEconomy trước đây, việc nâng mạnh giới hạn đó khiến tháng 2/2015 trở nên rất đáng chú ý trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Và không ngoài dự kiến, các tổ chức tín dụng lập tức bắt nhịp chính sách, đẩy mạnh sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Dữ liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước thể hiện rõ chuyển động này.
Cụ thể, tính đến 28/2/2015 (dữ liệu cập nhật mới nhất), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các tổ chức tín dụng đã lên mức 29,66%, mức cao nhất và cũng là đột biến so với nhiều năm qua.
Đối chiếu dữ liệu thống kê hàng tháng kể từ thời điểm 1/4/2012 (Ngân hàng Nhà nước bắt đầu cởi mở dữ liệu hệ thống theo Thông tư 35), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các tổ chức tín dụng phổ biến chỉ trong khoảng 20 - 24%, ứng với giới hạn 30%.
Có một số điểm đáng chú ý liên quan đến sự thay đổi nhanh chóng của tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ “mặt bằng” 20 - 24% nhiều năm qua lên tới 29,66%.
Thứ nhất, như trên, các tổ chức tín dụng bắt nhịp nhanh với điểm hẹn chính sách, Thông tư 36 có hiệu lực từ tháng 2/2015 với việc nới rộng giới hạn tỷ lệ trên từ 30% lên 60%.
Thứ hai, các tổ chức tín dụng đã mạnh dạn hơn trong cho vay trung dài hạn, và đây là hỗ trợ cần thiết cho các doanh nghiệp vay vốn.
Sự mạnh dạn đó có cơ sở từ cơ cấu vốn huy động đã thuận lợi hơn so với trước đây; vốn huy động đã có chuyển dịch sang các kỳ hạn dài hơn, bền vững hơn theo đường cong lãi suất, thay vì độ lỏng lẻo cao trước đây, đặc biệt giai đoạn lãi suất đầy biến động và căng thẳng 2008 - 2011.
Thứ ba, như tình huống VnEconomy từng đề cập, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tăng mạnh ngay khi cơ chế mở ra có thể còn gắn với một “nghệ thuật” trong ứng xử với nợ xấu.
Theo Thông tư 09, từ 1/4/2015, cơ chế được cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm chính thức phải ngừng lại. Trước thời điểm này, các tổ chức tín dụng có thể xem xét các khoản vay ngắn hạn có nguy cơ trở thành nợ xấu, nắm lấy “cơ hội cuối cùng” trước khi ngừng cơ chế để chuyển thành nợ trung dài hạn, qua đó tránh áp lực phải ghi nhận nợ xấu.
Nếu như trước đây, việc cơ cấu lại nợ ngắn hạn thành trung dài hạn như vậy vướng giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn 30%, thì Thông tư 36 có hiệu lực từ tháng 2/2015 đã “kịp thời” nới lên 60%.
Hiện chưa rõ mức độ của tình huống chuyển đổi nợ nói trên như thế nào trong bước tăng mạnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các tổ chức tín dụng.
Nhưng nếu có sự chuyển đổi nợ như vậy, dù sao thì cũng là một điều tốt đối với các doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn gặp khó khăn, có nguy cơ trở thành nợ xấu nhưng được cơ cấu lại thành nợ trung dài hạn, thêm cơ hội để gỡ khó trong sản xuất kinh doanh.
Theo: VnEconomy