“Nín thở” với Nga trong ván bài quyền lực Trung Đông
Tiệp Nguyễn
VietTimes -- Theo một phân tích từ Asiatimes, Nga đang chơi một trò chơi ngoại giao thông minh và đang có ý định giữ mối quan hệ với tất cả những "tay chơi" chính trong khu vực Trung Đông. Có thể nói, Kremlin đã khiến mọi người nín thở trong cuộc gặp giữa ông Putin và Netanyahu tại Moscow...
Chuyến viếng thăm của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới Moscow ngày 9.5 và cuộc gặp của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tạo nên những tin đồn rằng hai bên đã thiết lập một thỏa thuận cho phép Tel Aviv tự do tiêu diệt lực lượng al-Quds của Iran và những nhóm dân quân do Iran chống lưng được triển khai tại Syria.
Những suy đoán này nảy sinh vì 2 lý do. Thứ nhất, ngay sau khi ông Netanyahu quay lại Tel Aviv, Israel đã thực hiện cuộc không kích lớn nhất vào các mục tiêu của kẻ thù tính từ cuộc chiến Yom Kuppur năm 1973 - khi 30 máy bay chiến đấu Israel tấn công các căn cứ quân sự tại Syria vào ngày 10.5. Và Moscow không có phản ứng gì.
Video tên lửa phóng từ lãnh thổ Syria vào cao nguyên Golan.
Thứ hai, những ngày sau đó truyền thông Nga đã đưa tin rằng Moscow sẽ không chuyển hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại S-300 tới Syria. Điều này ngụ ý rằng ông Putin đã suy nghĩ lại sau cuộc hội đàm với ông Netanyahu vào ngày 9.5.
Quan sát những sự kiện đã xảy ra cho thấy: Moscow đã biết cuộc tấn công ngày 10.5 của Israel là do Tel Aviv bị khiêu khích bằng vụ tấn công tên lửa vào cao nguyên Golan từ lãnh thổ Syria. Vụ tấn công này được thực hiện để trả đũa hành động Israel tấn công vào căn cứ Syria ngày 8.4 làm cho 7 người Iran thiệt mạng.
Tóm lại, Moscow thờ ơ chứng kiến hàng chục tên lửa tấn công vào lãnh thổ Syria trong ngày 8.4 và 10.5 và không có lý do để đổ lỗi cho bên nào. Nga hoàn toàn làm thinh trong những sự kiện này.
Hệ thống phòng không Syria
Nga đã hành động rất khôn ngoan vì họ không muốn dính líu vào những xung đột vẫn đang tồn tại giữa Syria-Iran và Israel. Mặt khác, Bộ Quốc phòng Nga đã cẩn thận giám sát tình hình và biết rằng có một nửa trong số 60 tên lửa của Israel đã bị bắn hạ vào ngày 10.5 - Điều này có hai ý nghĩa.
Đầu tiên, hệ thống phòng không của Syria lại một lần nữa chứng minh tính hiệu quả của nó - Theo Bộ Quốc phòng Nga, Syria đã bắng hạ hàng chục trong số 105 tên lửa trong vụ không kích của Mỹ-Anh-Pháp ngày 14.4. Thứ hai, dựa vào lý do trên, Moscow đã quyết định ở thời điểm hiện tại bất cứ một sự nâng cấp lớn nào với hệ thống phòng không Syria sẽ được tạm dừng.
Moscow từng tuyên bố rằng nếu có một tình huống khẩn cấp xảy ra, Nga sẽ chuyển tên lửa S-300 cùng thiết bị phóng tới Syria. Về lý thuyết, tình huốngkhẩn cấp sẽ xảy ra nếu Syria phải đối mặt với sự đe dọa từ một cuộc tấn công của phương Tây. Nhưng về mặt ngắn hạn, vẫn chưa có dấu hiệu những điều như vậy sẽ xảy ra.
Iran thử tên lửa S-300.
Không ngạc nhiên khi Kremlin bị chỉ trích nặng nề với suy đoán rằng quyết định không chuyển hệ thống S-300 cho Syria là làm theo yêu cầu của ông Netanyahu. Phát ngôn viên của tổng thống Nga ông Dmitry Peskov giải thích ngày 11.5 rằng quyết định của Moscow có trước chuyến viếng thăm của ông Netanyahu. Còn hãng thông tấn TASS đưa ra một chi tiết giải thích rằng ban đầu Nga đã không có một quyết định cụ thể sẽ cung cấp cho Syria hệ thống S-300 hay không vì thế cũng không có việc Nga hủy bỏ quyết định này.
Rõ ràng, suy đoán của giới truyền thông đã hấp tấp khi kết luận ông Putin "thân Israel". Thực ra, điểm cốt yếu là những người Nga không phải chỉ đi theo một chiều.
Theo AsiaTimes, những nhà ngoại giao Nga có truyền thống tung hứng nhiều quả bóng trong không trung. Nga giữ quan hệ gần gũi đồng thời với Ấn Độ và Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, Iran và Ả rập Xê-út, Qatar và Ả rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, Iran và Jordan và trong tương lai có thể là Ấn Độ cùng Pakistan.
Tóm lại, những gì Iran có thể đem lại cho Moscow thì Israel không thể và ngược lại. Moscow muốn có những mối quan hệ tốt đẹp với cả Iran và Israel bởi chính sách ngoại giao của Nga có những mục đích khác nhau với 2 nước này. Nga cũng không tham gia "mặt trận kháng chiến" của Iran tại Syria.
Tiếp theo, Nga cũng đánh giá đúng sự hiện diện của Iran và Hezbollah tại Syria theo lời mời của Damascus là đặc biệt quan trọng trong chiến dịch chống khủng bố. Có thể thấy rõ, Nga cũng không đồng ý với quan điểm của Israel coi Hezbollah là lực lượng khủng bố. Và kết quả cuộc bầu cử ngày 6.5 tại Lebanon càng củng cố niềm tin của người Nga rằng Hezbollah là một lực lượng chính trị hợp pháp có thể tin cậy.
Những điều mâu thuẫn
Rõ ràng, trong hoàn cảnh phức tạp như vậy sẽ không thực tế khi mong Nga tham gia bất cứ một kế hoạch nào của Israel để đẩy lùi sự hiện diện của Iran và Hezbollah trên lãnh thổ Syria. Mặt khác, Nga cũng không chống lại Israel hay những gì Syria cần để bảo vệ những lợi ích an ninh riêng hay những hành động tự vệ của Syria.
Mặc dù, Nga chỉ trích Israel trong vụ tấn công tên lửa ngày 8.4 và gọi đây là bước đi nguy hiểm nhưng Nga không bị kích động khi có vụ tấn công trả đũa của Syria vào Israel ngày 10.5 hay vụ Israel lại tấn công ngược lại Syria ngay sau đó.
Nhưng giới quan sát cho rằng có một sự mâu thuẫn nằm trong chính sách của Nga. Vì Nga cũng có lợi ích tương ứng với Damascus và Tehran trong việc duy trì sự thống nhất của Syria và củng cố chủ quyền quốc gia của đất nước này. Vì thế, Nga không thể bỏ qua cho những phe cánh bên ngoài cố gắng để "balkan hóa" Syria hay cản trở Damascus giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ đất nước.
Thủ tướng Israel Netanyahu và tổng thống Nga Putin trong lễ kỷ niệm 73 năm chiến thắng phát xít của Nga ngày 9.5.
Điều này dẫn tới logic là Nga sẽ giúp quân đội Syria phát triển khả năng để ổn định tình hình trong nước. Nga tin rằng Syria có quyền phát triển một sức mạnh răn đe giống như Israel hay Lebanon trong khu vực.
Không thể bỏ qua chi tiết rằng ngay cả không có hệ thống S-300 của Nga thì phòng không Syria sẽ tiếp tục được nâng cấp dù không có sự trợ giúp bên ngoài, bao gồm cả sự giúp đỡ của Iran. Có thể, điều này đã xảy ra và Moscow nhận thức được điều đó nên đã đưa ra quyết định rằng ở thời điểm hiện tại không cần chuyển S-300 cho Syria. Sau cùng, không có gì phải lo lắng khi cán cân quân sự tại Syria luôn nằm trong tầm kiểm soát của Nga.
Có thể nói, Kremlin đã khiến mọi người nín thở trong cuộc gặp giữa ông Putin và Netanyahu tại Moscow. Không thể bỏ qua chi tiết ông Putin đã nói chuyện với một tình cảm cá nhân dạt dào với một nhà lãnh đạo nước ngoài - điều không xảy ra với lãnh tụ Iran Hassan Rouhani hay tổng thống Syria Bashar al-Assad - những đồng minh chính của Moscow. Đó chính là ngoại giao Nga và những gì Nga có thể làm tốt nhất trong những thời điểm khó khăn.