"Nữ tướng Vinamilk" Mai Kiều Liên
Nhắc đến thương hiệu sữa Vinamilk không ai không biết tới nữ doanh nhân Mai Kiều Liên, hiện bà là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, bà đã từng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamilk và được bầu chọn là một trong những CEO xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực quan hệ với nhà đầu tư.
Bà Mai Kiều Liên được mệnh danh là “Nữ tướng ngành sữa”, và được coi là người khai mở ngành công nghiệp sữa của Việt Nam, người phụ nữ sinh năm 1953 đã mang đến những thành công vang dội khi đưa Vinamilk thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán vào hồi tháng 9/2015.
Trưởng thành là một kỹ sư qua sự nỗ lực và không ngừng phấn đấu bà đã bước lên những bục cao nhất, đảm nhiệm những vị trí quan trọng của Vinamilk, đưa doanh nghiệp này thành một thương hiệu sữa hàng đầu của Việt Nam và có tên tuổi khắp châu Á.
“Nữ tướng ngành sữa” còn được tạp chí Forbes vinh danh 4 lần liên tiếp trong top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á.
Bà chủ TH True Milk Thái Hương
Bà Thái Hương - Chủ tịch TH True Milk.
Gắn bó với thương hiệu sữa TH – True Milk, nữ doanh nhân Thái Hương khiến không ít người nể phục vì bà cũng là một trong những gương mặt mới nhất được tạp chí Forbes bình chọn trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
Bà Thái Hương hiện là Chủ tịch TH True Milk đồng thời cũng là Tổng giám đốc Ngân hàngBắc Á. Năm 2009, người phụ nữ 57 tuổi này đã có có một bước ngoặt lớn khi quyết định gia nhập vào thị trường sữa Việt Nam với mục tiêu thay đổi bản chất ngành công nghiệp sữa. Tập đoàn TH đã đầu tư 450 triệu USD vào việc nhập khẩu và nuôi bò để sản xuất chế phẩm sữa tươi với công nghệ Israel. Với 40.000 con bò sữa, năm 2014 tập đoàn TH với phần lớn cổ phần thuộc sở hữu của bà Hương đạt doanh thu trên 200 triệu USD và trở thành đối thủ đáng gườm của Vinamilk.
"Magaret Thatcher" của Dược Hậu Giang, Phạm Thị Việt Nga
Bà Phạm Thị Việt Nga - Tổng GĐ Công ty Dược Hậu Giang.
Nhắc đến cái tên Phạm Thị Việt Nga, ai cũng phải thầm thán phục tài năng của bà khi vực dây một doanh nghiệp Dược ở bờ vực phá sản, đang mấp mé đến với “cõi chết” trở thành công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam – Công ty Dược Hậu Giang.
Nữ doanh nhân Phạm Thị Việt Nga được ví như “bông hồng thép”, với ý chí, sự nhạy bén và quyết liệt bà đã đưa Dược Hậu Giang trở thành một trong những thương hiệu có tiếng trong nước và quốc tế, doanh nghiệp này hiện sản xuất và kinh doanh hơn 300 loại dược phẩm, năm 2012 đạt doanh thu là 140 triệu USD.
Bà Phạm Thị Việt Nga sinh năm 1951, từng có bằng dược sĩ, tiến sĩ kinh tế, bà gắn bó với Dược Hậu Giang từ năm 1988 đến nay, bà từng kinh qua các chức vụ: Giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp này. Bà được coi là linh hồn cho những thành công của Dược Hậu Giang, nhưng bà cũng từng nói trên báo chí, nếu một ngày rời Dược Hậu Giang gia tài lớn nhất, đáng tự hào nhất mà bà mang theo là “sự tôn trọng của mọi người”.
Bà Nga cũng được tạp chí Forbes vinh danh là doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cơ điện lạnh.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh hiện là Chủ tịch kiêm CEO của Công ty Cổ phần cơ điện lạnh (REE), năm 2014 nữ doanh nhân này cũng được tạp chí Forbes vinh danh là nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
Cũng trưởng thành từ một kỹ sư, bà Thanh đã dẫn dắt REE thoát khỏi giai đoạn khó khăn với thương hiệu máy điều hòa Reetech và trở thành một trong những doanh nghiệp tốt nhất trên thị trường chứng khoán với lợi nhuận tăng ấn tượng, bà cũng đưa REE đột phá với mảng kinh doanh bất động sản và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Với việc chi hơn 700 tỷ mua cổ phần Nhiệt điện Phả Lại và đến thời điểm hiện tại cổ phiếu của Phả Lại đã tăng gấp đôi thời điểm REE mua vào, đây được coi là phi vụ thành công nhất trong năm vừa qua của REE. Tổng tài sản của vào cuối năm 2013 là 350 triệu USD, vốn chủ sở hữu hơn 200 triệu USD, doanh thu mỗi năm trên 100 triệu USD.
Nữ doanh nhân sinh năm 1952 này cũng lọt top 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán năm 2013.
Mẹ con nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga - Lê Thu Thủy
Bà nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Nam Á (SeA Bank).
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga – người được xem là nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực phía Bắc, hiện bà đang đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Nam Á (SeA Bank).
Bà Nguyễn Thị Nga hiện đang giữ chức vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn BRG là tập đoàn đầu tư trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, sân gofl, khu nghỉ dưỡng với hệ thống nhiều công ty con. Bên cạnh đó, bà Nga còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Intimex Việt Nam.
Nữ doanh nhân Nguyễn Thi Nga còn được Thủ tướng Chính phủ chỉ định là một trong ba thành viên của Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN - BAC) Việt Nam đồng thời được cộng đồng doanh nhân tin tưởng, bầu chọn là Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam.
Bà đã được Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN trao 2 giải thưởng danh giá: “Nhà lãnh đạo nữ xuất sắc nhất” hạng mục quốc gia và giải “Nhà lãnh đạo nữ được ngưỡng mộ nhất” ghi nhận sự đóng góp quan trọng của bà cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN.
Năm 2013 bà được Tổ chức Global Banking & Finance Review (GBAF) - diễn đàn trực tuyến có uy tín tại Anh đã trao tặng Giải thưởng “Nhà lãnh đạo ngân hàng năng động nhất Việt Nam 2013”.
Năm 2014, bà Nga đứng số 29 trong danh sách những nữ doanh nhân quyền lực của khu vực châu Á do tạp chí Forbes bình chọn.
Trong danh sách ban lãnh đạo của SeABank còn xuất hiện một bóng hồng khác, là Lê Thu Thủy - con gái bà Nga. Sinh năm 1983, là Phó chủ tịch Thường trực HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thứ nhất của ngân hàng này, nữ doanh nhân sở hữu 2 bằng đại học danh giá tại đại học George Mason, Mỹ từng có tên trong danh sách "Những doanh nhân nữ đáng chú ý nhất của thế hệ doanh nhân mới" do Forbes bình chọn.
Forbes đánh giá: “Tại SeABank, Lê Thu Thuỷ để lại dấu ấn lớn trong quá trình ngân hàng này chuyển mình theo mô hình ngân hàng bán lẻ đa năng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Cô đồng thời là người trực tiếp kết nối và phát triển thành công mối quan hệ hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp lớn hàng đầu trong nước, như PV Gas, Mercedes-Benz".
Hai nữ cường nhân của Tập đoàn Nam Cường
Nhận lại chiếc ghế điều hành Tập đoàn Nam Cường từ cố chủ tịch, đồng thời là chồng, cha, Chủ tịch Lê Thị Thúy Ngà cũng là người sở hữu phần lớn cổ phần của tập đoàn này. Với tổng vốn sở hữu hơn 9.800 tỷ đồng, trong đó nữ Chủ tịch nắm giữ tới 88,86%, nếu Nam Cường niêm yết trên sàn, giới đầu tư dự đoán bà Ngà có thể đứng vững chắc trong top 4 doanh nhân giàu nhất.
Lên nắm quyền từ năm 2010, Nam Cường dưới thời điều hành của bà Ngà đến nay vẫn tập trung vào các dự án xây dựng và kinh doanh khi đô thị tại các khu vực ngoại thành Hà Nội, kinh doanh khách sạn, với trụ sở hoạt động chính tại Nam Định.
Bà Lê Thị Thúy Ngà - người được dự đoán có trong tay hơn 8.000 tỷ đồng nếu cổ phiếu Nam Cường lên sàn. Ảnh:Nam Cường. |
Là con gái duy nhất của doanh nhân quá cố Trần Văn Cường và Chủ tịch đương nhiệm tập đoàn Nam Cường Lê Thị Thúy Ngà, Trần Thị Quỳnh Ngọc được kỳ vọng là người kế thừa sản nghiệp do cha mẹ mình gây dựng.
Tại Nam Cường, lượng cổ phần Phó chủ tịch HĐQT Trần Thị Quỳnh Ngọc sở hữu lên tới 11,11%. Quy ra tiền mặt theo giá trị cổ phiếu, số tiền thuộc sở hữu của con gái bà Lê Thị Thúy Ngà khoảng 500 tỷ đồng. Cũng giống như mẹ là bà Lê Thị Thúy Ngà, Trần Thị Quỳnh Ngọc ít xuất hiện trước công chúng, trừ một số dịp đặc biệt hay sự kiện của doanh nghiệp, nơi cô đang là Phó chủ tịch HĐQT.
Tiểu sử của các thành viên HĐQT Tập đoàn Nam Cường, trong đó có Trần Thị Quỳnh Ngọc không được công bố công khai. Tại doanh nghiệp này, các cán bộ nhân viên tại đây đều ngầm hiểu, Ngọc chính là người thừa kế sản nghiệp của Nam Cường, do là con duy nhất của doanh nhân Trần Văn Cường. Tổng giám đốc Nam Cường hiện nay không có liên quan đến gia đình họ Trần dù trùng họ.
X.T (tổng hợp)
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu