Những diễn biến không ai ngờ tới sau một năm bùng nổ xung đột Israel–Hamas

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Ngày 7/10/2024 đánh dấu tròn một năm bùng nổ xung đột Israel–Hamas ở Gaza, sự kiện gây thương vong số lượng lớn và thảm họa nhân đạo nghiêm trọng, căng thẳng trong khu vực liên tục leo thang.

Bom đạn của Israel hủy hoại phần lớn các khu nhà ở của người dân Arab ở Gaza (Ảnh: VCG)
Bom đạn của Israel hủy hoại phần lớn các khu nhà ở của người dân Arab ở Gaza (Ảnh: VCG)

Diễn biến kéo dài một năm qua của cuộc xung đột ở Gaza cho thấy cuộc sống thực tế luôn có thể vượt khỏi phạm vi suy nghĩ của con người, và nhiều tình tiết bất ngờ xuất hiện khiến nhiều người khó có thể dự đoán.

Đầu tiên, không thể ngờ cuộc chiến lại kéo dài như vậy. Cho đến nay, đây đã trở thành cuộc chiến tranh dài nhất mà Israel phải trải qua kể từ khi thành lập nhà nước này vào năm 1948.

Israel là một quốc gia nhỏ hẹp và thiếu chiều sâu chiến lược. Nhưng tại khu vực Gaza chỉ rộng 365 km2, Israel và Hamas đã chiến đấu quyết liệt suốt 365 ngày mà không đi đến hồi kết.

Các cuộc thăm dò được tiến hành sau ngày 7/10/2023 cho thấy vào thời điểm đó chỉ có 10% người Israel cho rằng chiến tranh sẽ kéo dài tới một năm và 75% tin rằng nó sẽ kết thúc sau 3 tháng. Một năm sau, ngày 7/10/2024, chính phủ Israel tuyên bố cuộc chiến ở Gaza đã bước sang giai đoạn mới và chuẩn bị cho một “cuộc chiến lâu dài”.

Gaza bi nem bom.jpg
Bom đạn của Israel thực sự đã gần như san bằng Dải Gaza (Ảnh: AFP).

Thứ hai, không thể tưởng tượng rằng Israel thực sự dám san bằng Dải Gaza. Khi chiến tranh bắt đầu, một sĩ quan quân đội Israel tuyên bố rằng sau chiến tranh ở Gaza sẽ chỉ còn lều trại. Vào thời điểm đó, điều này được coi là sự hù dọa, phóng đại quá mức. Nhưng hiện tại, khi mà chiến tranh còn lâu mới kết thúc, 75% tòa nhà ở Gaza đã biến mất. Dải Gaza chỉ còn lại những chiếc lều đang ngày càng trở thành điều thực tế.

Thứ ba, thương vong mà quân đội Israel phải gánh chịu thấp hơn so với dự kiến. Trong cuộc chiến kéo dài một năm qua, vào thời kỳ cao điểm Israel đã triển khai hơn 100.000 quân ở Gaza và hầu như ngày nào cũng xảy ra các trận chiến đấu trên mặt đất và trong các đường hầm. Các chuyên gia quân sự ban đầu ước tính rằng việc Israel chiếm đóng toàn bộ Gaza sẽ phải trả giá bằng ít nhất hàng nghìn sinh mạng. Tuy nhiên, theo dữ liệu được quân đội Israel công bố gần đây, chỉ có 726 binh sĩ Israel bị chết trong cuộc chiến trên bộ ở Gaza.

Thứ tư, ít người ngờ rằng vận mệnh chính trị của ông Netanyahu lại mạnh mẽ đến vậy. Cuộc đột kích của Hamas vào Israel vào ngày 7/10/2023 là thất bại nghiêm trọng nhất về mặt chiến lược, quân sự và tình báo trong lịch sử Israel. Ông Netanyahu không chỉ là Thủ tướng hiện tại mà còn nắm quyền rất lâu trong 20 năm qua nên có thể coi ông là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Vì vậy, hầu như tất cả mọi người đều tin rằng lần này ông ta sẽ khó tránh được kiếp nạn. Tuy nhiên, sau một năm, tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với Netanyahu và đảng Likud lại tăng lên thay vì giảm đi.

Netanyahu ngay cang duoc ung ho.jpg
Chính sách đối ngoại cứng rắn khiến ông Netanyahu ngày càng được ủng hộ trong nước (Ảnh: Ifeng).

Thứ năm, Israel mở rộng phạm vi cuộc chiến. Một năm sau khi xung đột ở Gaza nổ ra, Israel bất ngờ chuyển trọng tâm cuộc chiến sang lực lượng Hezbollah ở Lebanon và mở ra “chiến trường thứ hai”. Đồng thời, Israel đang chuẩn bị trả đũa quy mô lớn chống lại Iran. Người ta tưởng rằng đối mặt với cuộc chiến trên bảy mặt trận, quân đội Israel sẽ kiệt sức và bị áp đảo, nhưng thực tế là Israel đã chủ động mở rộng quy mô cuộc chiến. Israel, bị đánh tối tăm mặt mũi trong Chiến tranh Gaza, ngày 17/9 đã phát động cuộc chiến "Trật tự mới" chống lại Hezbollah ở Lebanon, với ý đồ sử dụng trận chiến này để thay đổi triệt để môi trường an ninh của Israel.

Thứ sáu, ít ai ngờ rằng lực lượng vũ trang Houthi lại có thể “nổi bật” đến như vậy. Mặc dù xung đột ở Gaza tiếp tục lan rộng, nhưng chủ yếu chỉ giới hạn ở cuộc đối đầu giữa Israel và "Trục kháng chiến", tác động toàn cầu rất hạn chế. Không ai dám tưởng tượng rằng chính lực lượng vũ trang Houthi ở Yemen đã nâng cuộc xung đột ở Gaza lên thành một sự kiện toàn cầu, ảnh hưởng sâu rộng đến thương mại toàn thế giới. Yemen nằm cách Israel khoảng 1.800 km, lực lượng vũ trang Houthi từng được coi là "đội quân dép lê", nhưng đã thừa cơ thay đổi triệt để môi trường an ninh của Israel.

Quan he My-Israel.jpg
Mối quan hệ Mỹ-Israel vốn bị coi là "cha-con" dường như đã đảo ngược trong cuộc xung đột Gaza lần này (Ảnh: Huanqiu).

Thứ bảy, không ai có thể ngờ rằng Iran và Israel lại tiến gần đến chiến tranh đến vậy. Từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Gaza, mọi người thường cho rằng cuộc xung đột sẽ không gây ra chiến tranh giữa các quốc gia có chủ quyền và chiến tranh sẽ chỉ dừng lại ở các khu vực xung quanh Israel. Israel và Iran đều là những cường quốc quân sự ở Trung Đông và hiện là thời điểm mà chiến tranh giữa hai nước có nhiều khả năng nổ ra nhất trong lịch sử. Kinh nghiệm năm qua cho thấy cả hai nước đều sẵn sàng sử dụng chiến lược bên miệng hố để đe dọa lẫn nhau và tối đa hóa lợi ích của mình. Các mối đe dọa bên bờ vực chiến tranh đang gia tăng kiểu xoáy trôn ốc, và cuối cùng một bên phải mềm mỏng trước mới tránh được xảy ra chiến tranh giữa hai nước.

Cuối cùng, Israel càng bị cô lập thì càng trở nên cực đoan hơn. Israel ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế nhưng điều này không làm thay đổi hành vi của họ. Đại đa số các quốc gia trên thế giới đều lên án Israel, và hầu hết các tổ chức quốc tế đều đưa ra những phán quyết và tuyên bố bất lợi cho họ. Điều này lại càng kích thích Israel áp dụng các chính sách cực đoan hơn và làm tăng thêm sự ủng hộ đối với ông Netanyahu ở trong nước. Ngoài ra, mối quan hệ giữa Israel và Mỹ vốn rất khăng khít, nhưng trong cuộc xung đột ở Gaza, mối quan hệ này dường như đã bị đảo ngược.

Theo Sina