Đổi tên Căn cước công dân thành Thẻ căn cước, cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi
Luật Căn cước 2023, chính thức có hiệu lực từ 1/7, quy định đổi tên Thẻ căn cước công dân thành Thẻ căn cước.
Thẻ căn cước mới sẽ bổ sung thông tin nơi đăng ký khai sinh và nơi cư trú của công dân; bỏ thông tin quê quán, nơi thường trú, vân tay, đặc điểm nhận dạng.
Đối tượng được cấp thẻ căn cước cũng được mở rộng gồm: Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi cấp thẻ căn cước theo nhu cầu; Công dân Việt Nam không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nếu được cập nhật thông tin nơi ở hiện tại vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đặc biệt, lần đầu tiên trẻ em dưới 6 tuổi cũng được cấp thẻ căn cước. Theo quy định mới, người đại diện hợp pháp của trẻ dưới 6 tuổi làm thủ tục thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Cơ quan chức năng không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học đối với trẻ em dưới 6 tuổi.
Cũng từ 1/7, cơ quan chức năng sẽ cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đây là giấy tờ tùy thân chứa thông tin về căn cước của người gốc Việt, chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên, nhằm giúp họ thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Luật Căn cước 2023 còn bổ sung quy định mỗi công dân Việt Nam được cấp một căn cước điện tử. Căn cước điện tử được cơ quan quản lý căn cước Bộ Công an tạo lập ngay sau khi công dân hoàn thành thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trên VNeID.
Cấm các giao dịch điện tử gian lận, xâm phạm lợi ích quốc gia và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân
Luật Giao dịch điện tử 2023 bổ sung một số quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, bao gồm:
Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.
Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu; tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.
Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử...
Về đấu giá kho số viễn thông, Luật Viễn thông 2023 (sửa đổi) quy định việc lựa chọn mã, số viễn thông phân bổ qua đấu giá sẽ do thị trường quyết định. Sau khi mang ra đấu giá mà đấu giá không thành sẽ quay về phân bổ trực tiếp, tuần tự.
Luật cũng quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng có nghĩa vụ xác thực, lưu giữ, sử dụng thông tin thuê bao viễn thông và xử lý sim rác (sim có thông tin thuê bao viễn thông không đầy đủ, không chính xác).
Các doanh nghiệp viễn thông có nghĩa vụ phòng, chống, ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi vi phạm pháp luật theo quy định của Chính phủ. Ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông đối với thuê bao vi phạm pháp luật về viễn thông.
Quản lý chặt hoạt động bán hàng đa cấp
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 bổ sung thêm nhiều quy định chặt chẽ để quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó:
Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp có hành vi yêu cầu người khác phải đặt cọc, nộp một khoản tiền hoặc mua một số lượng hàng hóa nhất định để tham gia bán hàng đa cấp.
Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, cá nhân tham gia bán hàng đa cấp. Kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
Bên cạnh đó, Luật cũng nghiêm cấm hành vi giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp không dựa trên giao dịch mua bán hàng hóa; kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với dịch vụ hoặc hình thức khác không phải là mua bán hàng hóa.