Theo Điều 40 Luật đấu giá tài sản năm 2016, có 4 hình thức đấu giá, bao gồm: Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và đấu giá trực tuyến.
Đấu giá tài sản trực tuyến được đánh giá là giải pháp hạn chế thông đồng dìm giá, thu hút được nhiều người tham gia. Đồng thời, đa dạng hóa hình thức đấu giá, đáp ứng được tình hình mới, tiếp cận với xu thế phát triển của thế giới.
Bộ Tư pháp cho biết, do lần đầu tiên được chính thức quy định nên Chính phủ giao cho Bộ chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật.
Tham khảo kinh nghiệm một số nước đã triển khai, hiện có 3 mô hình được Bộ này cân nhắc. Cụ thể:
Mô hình thứ nhất, tổ chức thương mại thành lập trang thông tin điện tử có hình thức đấu giá trực tuyến để người có tài sản, người mua tài sản thực hiện việc mua bán tài sản trên đó (như các trang web đấu giá eBay, amazone… là những trang đấu giá trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay).
Mô hình thứ hai, Nhà nước giao cho 1 doanh nghiệp nhà nước đứng ra thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để bán đấu giá tất cả các tài sản công hoặc tài sản khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.
Mô hình thứ ba, tổ chức đấu giá tài sản tự thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của mình và tổ chức việc đấu giá tài sản trên trang thông tin đó.
Qua nghiên cứu các mô hình đấu giá trực tuyến nêu trên, đại diện Tổ biên tập Dự thảo Nghị định – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai cho biết những ưu, nhược điểm của từng mô hình.
Nên chọn mô hình nào?
Đối với mô hình thứ nhất, các tổ chức sẽ không trực tiếp bán hàng của mình mà chỉ giúp các thành viên, doanh nghiệp (người có tài sản) liệt kê và trưng bày tài sản của họ, để các thành viên khác (người mua) xem, tham gia đấu giá tài sản đó và thực hiện việc thanh toán. Việc công bố thông tin, chất lượng, giá bán của tài sản hoàn toàn do người có tài sản tự thực hiện, đăng tải trên mạng. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Mai cho biết, việc đấu giá trực tuyến các hàng hóa tại mô hình 1 không do tổ chức đấu giá tài sản thực hiện nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu giá tài sản.
Còn đối với mô hình hai, Tổ biên tập dự thảo nêu dẫn chứng cụ thể với trường hợp của Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO) – điển hình thành công của mô hình này. KAMCO là đơn vị được Chính phủ Hàn Quốc ủy quyền bằng một sắc lệnh cho phép thực hiện bán đấu giá tài sản công để thu hồi tiền về ngân sách. Các loại tài sản đấu giá rất đa dạng, từ đất đai, nhà ở, xe cộ… cho đến các tài sản đã qua sử dụng, thương hiệu, quyền khai thác… Ngoài việc bán đấu giá tài sản công, KAMCO cũng thực hiện việc đấu giá tài sản của các cơ quan nhà nước khác thông qua hệ thống đấu giá trực tuyến và thu lệ phí tham gia. Từ sự thành công của hệ thống, tháng 10/2014, hình thức đấu giá tài sản công truyền thống đối với tài sản công đã bị hủy bỏ, chuyển 100% các cuộc đấu giá sang hình thức trực tuyến do KAMCO thực hiện.
Tuy nhiên, đại diện Tổ biên tập Dự thảo cho rằng, việc đấu giá trực tuyến của KAMCO là chưa phù hợp và không đảm bảo tính khả thi với bối cảnh hoạt động đấu giá hiện nay của Việt Nam. Bà Mai lý giải, Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản chỉ cho phép các tổ chức đấu giá tài sản được thành lập theo quy định của Luật Đấu giá tài sản mới được thực hiện hoạt động hành nghề đấu giá tài sản và thu thù lao. Chỉ đến khi tổ chức cuộc đấu giá thì mới áp dụng một trong các hình thức đấu giá gồm đấu giá trực tiếp bằng lời nói, đấu giá bằng bỏ phiếu hoặc đấu giá trực tuyến. Bên cạnh đó, KAMCO được quyền bán đấu giá các tài sản công, trong khi Luật Đấu giá tài sản quy định người có tài sản muốn bán đấu giá thì phải ký hợp đồng dịch vụ đấu giá với tổ chức đấu giá tài sản, trừ trường hợp thành lập Hội đồng đấu giá để bán đấu giá…
Vì vậy, Bộ Tư pháp sẽ chọn lựa quy định hình thức đấu giá trực tuyến tại Việt Nam theo mô hình 3. Với hình thức này, các tổ chức đấu giá tài sản tự thành lập trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của mình hoặc cho các tổ chức đấu giá khác thuê cơ sở hạ tầng. Riêng đối với trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện thì Hội đồng ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá.
Trên tinh thần đó, Dự thảo Nghị định quy định các điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến đối với trang thông tin điện tử của tổ chức đấu giá tài sản. Việc đánh giá, thẩm định điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến do Hội đồng thẩm định thực hiện với thành phần là đại diện các bộ, ngành có liên quan do Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập. Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án đấu giá trực tuyến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng thẩm định và công bố danh sách tổ chức đấu giá tài sản có trang thông tin đấu giá trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Bộ và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản.
Bên cạnh đó, để việc đấu giá trực tuyến trên trang thông tin điện tử được an toàn, công khai, minh bạch, khách quan, Dự thảo Nghị định quy định yêu cầu hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động đấu giá trực tuyến, việc xác định người trúng đấu giá trên hệ thống thông tin, trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản, tổ chức có trang thông tin điện tử có chức năng đấu giá trực tuyến trong hoạt động đấu giá trực tuyến.
Phải đấu giá đến cùng
Đấu giá trực tuyến là đấu giá đến cùng, không phải đến lúc chỉ có 2 người tham gia đấu giá bỏ giá bằng nhau là dừng. Để đảm bảo thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, cần phải quy định rất chi tiết, cụ thể, kể cả quy định về rủi ro cho những trường hợp bất khả kháng thì xử lý như thế nào, có tạm dừng cuộc đấu giá hay không; rồi quy trình, thủ tục khi đấu giá thành đối với các giao dịch điện tử thì có biên bản gì không…
Qua nhiều góp ý, có đề xuất xây dựng mô hình có trang điện tử toàn quốc tương tự mô hình đấu thầu. Tuy nhiên, Luật Đấu giá tài sản không có quy định một cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập đứng ra thành lập hay cho thuê thì Dự thảo Nghị định không thể quy định. Theo mô hình 3, chúng ta có thể tăng cường quản lý nhà nước bằng việc thẩm định, cấp phép, kiểm tra (hậu kiểm).
Ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp
Cần quy định chi tiết rất nhiều vấn đề
Về trình tự tiến hành một cuộc đấu giá, một cuộc đấu giá trực tiếp bằng lời nói sẽ khác bỏ phiếu thì đấu giá trực tuyến sẽ khác như thế nào. Cụ thể, người tham gia đấu giá có phải nộp hồ sơ, đăng ký tham gia thì có được đăng ký online hay không, bước trả giá ra sao, giá hiển thị công khai cho tất cả người tham gia đấu giá hay chỉ những đơn vị tổ chức đấu giá nhìn thấy giá của các bên, diễn biến một cuộc đấu giá thế nào… Luật quy định cuộc đấu giá kết thúc khi đấu giá viên công bố người trúng hoặc đấu giá không thành, biên bản đấu giá có chữ ký của đấu giá viên và người tham gia đấu giá thì đấu giá trực tuyến giải quyết vấn đề ra sao.
Dự thảo Nghị định quy định điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến. Theo tôi, việc quy định điều kiện kỹ thuật rất khó, bởi nếu quy định cứng thì khi công nghệ phát triển, pháp luật không kịp. Ngoài ra, việc có hội đồng để thẩm định các điều kiện sẽ phải “chạy theo” việc giải quyết khiếu nại nếu không đồng ý cho một tổ chức nào đó được thực hiện đấu giá trực tuyến.
Ông Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương)
Nên kết hợp giữa mô hình 1 và 2
Tôi cho rằng nên chọn kết hợp giữa mô hình 1 và mô hình 2, chứ không để muôn hình vạn trạng, khó kiểm soát. Mô hình đấu giá trực tuyến có thể tham khảo trang tin điện tử đấu thầu tập trung. Bên cạnh đó, nếu quy định hội đồng thẩm định điều kiện, hồ sơ, trang thông tin đấu giá trực tuyến mà mỗi một hệ thống có tiêu chí riêng thì đâu là điều kiện chung để thẩm định. Tôi cũng đồng tình việc quy định cứng về điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến là rất khó.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp)
Hạn chế “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản
Dự thảo Nghị định cần giải quyết mối quan hệ giữa tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá theo hình thức đấu giá trực tuyến từ trả tiền đặt trước, ra giá, chốt giá… Đây cũng là một giải pháp hạn chế quân xanh, quân đỏ trong đấu giá tài sản, nhất là tài sản công.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp)
Xây dựng chợ đấu giá để sử dụng chung
Áp dụng như Luật Đấu thầu có mạng đấu thầu quốc gia, chúng ta nên chăng xây dựng trang web để tất cả tổ chức đấu giá tài sản sử dụng trang web này làm nơi đấu giá trực tuyến công khai. Có như vậy, sẽ kiểm soát được hoạt động đấu giá cũng như bảo đảm các vấn đề khác như bảo mật, ủy quyền.... Nếu mỗi tổ chức đấu giá tài sản lại sử dụng trang web riêng của họ liệu có công khai, minh bạch không, trong khi cần coi đây như là một chợ để các tổ chức đấu giá cùng sử dụng.
Ông Phan Huy Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự
Cần phân biệt hai loại tài sản công - tư
Nếu chúng ta xây dựng một trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến thì phải kết nối với trang đấu thầu hiện nay do Bộ Tài chính quản lý. Tuy nhiên, quan trọng là phải phân biệt các loại tài sản, được chia thành 2 loại tài sản công và tài sản tư. Đối với tài sản tư, nên mở cho các tổ chức đấu giá, tài sản công thì không thể đơn giản được, phải quản lý chặt chẽ để không thất thoát tài sản nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Mạnh (Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ)