Nhiều tập đoàn Mỹ đang nghiên cứu khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đại diện một số tập đoàn Mỹ cho biết, họ đang nghiên cứu khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam, tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), diễn ra hôm 19/9.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi và làm việc với Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi và làm việc với Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) - Ảnh: VGP

Chia sẻ tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ đánh giá rất cao tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đặc biệt là với nguồn nhân lực chất lượng cao và năng lực ngày càng cải thiện của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo.

Các ý kiến đánh giá tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam – Mỹ trong ngành công nghiệp bán dẫn là vô cùng lớn và có nhiều ý nghĩa đối với quan hệ hai nước trong thời kỳ mới.

Các đại biểu trao đổi, chia sẻ về các cơ hội hợp tác đầu tư, đề xuất những phương thức hợp tác nhằm phát triển thành công hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Về dài hạn, các doanh nghiệp, tập đoàn Mỹ có thể nghiên cứu khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam.

Trước đó, như VietTimes đã đưa tin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm và làm việc với một số tập đoàn công nghệ tại Thung lũng Silicon (California). Tại đây, Thủ tướng đã có cuộc trao đổi với ông Jensen Huang – nhà đồng sáng lập và hiện là Chủ tịch của Nvidia.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về sự phát triển của công ty do một người gốc châu Á sáng lập và vận hành, đồng thời đề nghị Nvidia tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ mời ông Jensen Huang thăm và làm việc tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất, với mong muốn Nvidia sớm có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, lấy Việt Nam làm cứ điểm tại khu vực Đông Nam Á.

Thủ tướng cũng tới thăm và làm việc với Meta – tập đoàn công nghệ sở hữu và vận hành Facebook, Instagram, Threads và WhatsApp.

Tại buổi làm việc, ông Joel Kaplan, Phó Chủ tịch Meta phụ trách chính sách công toàn cầu, cho biết trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Meta đã bắt đầu sản xuất tại Việt Nam một số thiết bị cho "vũ trụ ảo" (metaverse), song việc này đã bị gián đoạn.

Đại diện Meta khẳng định tập đoàn muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó có việc tiếp tục sản xuất các thiết bị của metaverse cho những năm tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến San Francisco chiều ngày 17/9 và bắt đầu chuyến công tác tại Mỹ kéo dài đến ngày 23/9.

Hôm 18/9, theo giờ Mỹ, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo Bộ, ngành trong đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam công du tại Mỹ, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin Truyền thông Việt Nam – Bộ Thông tin và Truyền Thông, đã ký kết biên bản ghi nhớ với Synopsys về hỗ trợ phát triển ngành vi mạch bán dẫn.

Được biết, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin Truyền thông Việt Nam đang chủ trì tham mưu xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2035.

Synopsys cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng Quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam. Trong đó, Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

Thành lập năm 1986, Synopsys là công ty dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) và IP bán dẫn, đồng thời cung cấp các công cụ và dịch vụ kiểm tra bảo mật ứng dụng trong ngành.

Tại buổi làm việc với Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) hôm 19/9, Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ giữa NIC và tập đoàn Cadence Design Systems về việc triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam; biên bản ghi nhớ giữa NIC và Đại học bang Arizona về việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam; biên bản ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam với tập đoàn Intel về việc phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao./.