Nhận hối lộ hàng nghìn tỉ đồng, chủ tịch China Huarong nhận án tử, loạt cấp dưới sa lưới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau Lại Tiểu Dân, cựu Chủ tịch Tập đoàn China Huarong, đến lượt Bạch Thiên Huy, nguyên Tổng giám đốc Huarong International, vừa bị kết án tử hình vì tội nhận hối lộ những khoản tiền lớn kỷ lục.

Nguyên Tổng giám đốc China Huarong International nhận bản án tử hình hôm 28/5 (Ảnh: Baidu)
Nguyên Tổng giám đốc China Huarong International nhận bản án tử hình hôm 28/5 (Ảnh: Baidu)

Nhận hối lộ nghìn tỉ, Tổng giám đốc lãnh án tử

Hôm 28/5/2024, Tòa án nhân dân trung cấp số 2 Thiên Tân đã công bố bản án sơ thẩm về vụ án Bạch Thiên Huy (Bai Tianhui) sinh 1979, nguyên Tổng giám đốc của China Huarong International Holdings Co. Ltd., nhận hối lộ.

Bị cáo Bạch Thiên Huy bị tuyên án tử hình, tước quyền chính trị suốt đời, tịch thu toàn bộ tài sản và tiền lãi có được do nhận hối lộ, phần còn thiếu sẽ bị truy thu.

Qua xét xử, tòa án xác định từ năm 2014 đến năm 2018, bị cáo Bạch Thiên Huy đã lợi dụng chức vụ là người phụ trách bộ phận phát triển kinh doanh, giám đốc điều hành bộ phận ngân hàng đầu tư của Huarong International (Hong Kong), Giám đốc điều hành vốn, trợ lý Tổng giám đốc, phó Tổng giám đốc và Tổng giám đốc của Huarong International để hỗ trợ các đơn vị liên quan trong các vấn đề như mua lại dự án và doanh nghiệp xin hỗ trợ vốn rồi nhận bất hợp pháp số tài sản tương đương hơn 1,108 tỉ NDT (khoảng 3.878 tỉ VND).

Lai Tieu Dan va Bach Thien Huy.jpeg
Lại Tiểu Dân (trái) và Bạch Thiên Huy, hai lãnh đạo cao nhất của China Huarong đều nhận án tử hình vì nhận hối lộ số tiền khủng (Ảnh: Thepaper)

Tòa án Thiên Tân cho rằng hành vi của bị cáo Bạch Thiên Huy đã cấu thành tội nhận hối lộ. Số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn, tình tiết phạm tội vô cùng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới xã hội, thiệt hại vô cùng nặng nề cho lợi ích của đất nước và nhân dân, bị kết án tử hình theo quy định của pháp luật.

Tập đoàn China Huarong là một trong những công ty quản lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc. Đây là 1 trong 4 công ty được chính phủ Trung Quốc thành lập năm 1999 nhằm giúp chỉnh đốn ngành tài chính ngân hàng.

Sau đó, công ty tham gia vào nhiều lĩnh vực như đầu tư, cho vay và kinh doanh bất động sản. Cổ đông chính của China Huarong là Bộ Tài chính Trung Quốc.

Thông tin công khai cho thấy Huarong International có trụ sở ở Hong Kong, là công ty con và là nền tảng chiến lược ở bên ngoài của Công ty China Huarong (nay đã đổi tên thành China CITIC Financial Asset Management Co., Ltd., hay Công ty quản lý vốn Trung Tín).

TRu so Huarong o Bac Kinh.jpg
Trụ sở của Tập đoàn China Huarong ở Bắc Kinh nay đã mang tên mới là CITIC.

Lại Tiểu Dân bị tử hình, hàng loạt cấp dưới bị bắt

Bạch Thiên Huy không phải là quan chức điều hành đầu tiên của "hệ thống Huarong" bị kết án tử hình. Cấp trên của ông là Lại Tiểu Dân, sinh năm 1962, giữ chức Chủ tịch China Huarong từ tháng 9/2012 cho đến khi bị điều tra vào tháng 4/2018, đã bị thi hành án tử hình năm 2021.

Tháng 10/2018, Lại Tiểu Dân bị khai trừ đảng và chức vụ công. Ngày 5/1/2021, Tòa án nhân dân trung cấp số 2 Thiên Tân đã tuyên án tử hình Lại Tiểu Dân tại phiên tòa sơ thẩm, tước bỏ các quyền chính trị suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân vì phạm tội nhận hối lộ 1,788 tỉ NDT (khoảng 6.258 tỉ VND) trong thời gian từ năm 2008 đến năm 2018. Đây là số tiền kỷ lục của một vụ án tham nhũng trong lịch sử Trung Quốc kể từ năm 1949. Lại Tiểu Dân không phục và kháng án.

Lai Tieu Dan.jpeg
Lại Tiểu Dân khi còn đang ở đỉnh cao danh vọng (Ảnh: Xinhua).

Ở Trung Quốc, việc kết án tử hình các lãnh đạo cấp cao của công ty là điều không phổ biến. Đôi khi bản án "tử hình hoãn thi hành" được đưa ra, nhưng thực chất chỉ tương đương bản án chung thân bởi sau 2 năm, án được đổi thành tù chung thân.

Vào ngày 21/1/2021, Tòa án Nhân dân cao cấp Thiên Tân đã công bố phán quyết chung thẩm về vụ án Lại Tiểu Dân phạm tội nhận hối lộ và trùng hôn, bác bỏ kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Được sự chấp thuận của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc, sáng ngày 29/1/2021, Tòa án nhân dân trung cấp số 2 Thiên Tân đã tổ chức thi hành án tử hình đối với Lại Tiểu Dân theo đúng thủ tục pháp luật. Lại Tiểu Dân trở thành quan chức tham nhũng đầu tiên bị thi hành án tử hình kể từ sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 11/2012).

Báo cáo thường niên của China Huarong cho thấy từ năm 2014 đến năm 2017, doanh thu và lợi nhuận ròng ban đầu của Công ty đã tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, với việc Lại Tiểu Dân "ngã ngựa" năm 2018, những rủi ro và tiêu cực đã bị phanh phui.

Năm 2020, khoản lỗ ròng ban đầu của China Huarong lên tới 102,903 tỉ NDT. Công ty nêu trong báo cáo thường niên rằng những rủi ro chủ yếu do hoạt động quá khích trong nhiệm kỳ của cựu chủ tịch Lại Tiểu Dân gây ra. Ông đã đưa ra nhiều quyết định vượt quyền vượt cấp về các vấn đề lớn của tập đoàn và can thiệp vào các dự án cụ thể. Những hành vi vi phạm kỷ cương pháp luật của ông ta đã làm ô nhiễm nghiêm trọng hệ sinh thái chính trị của tập đoàn; một số đơn vị và cá nhân tuân thủ cấp trên, có thiên hướng quá khích mạo hiểm và đầu tư một cách mù quáng, tích tụ rất nhiều rủi ro nguy hiểm.

Sau khi Lại Tiểu Dân bị bắt, nhiều quan chức điều hành của Huarong, trong đó có Bạch Thiên Huy, cũng bị bãi chức. Có tin, chính Lại Tiểu Dân đã khai ra vi phạm của các thuộc cấp với hy vọng thoát án tử.

Bach Thien Huy sam hoi.jpg
Bạch Thiên Huy sám hối trong phim tài liệu chống tham nhũng (Ảnh: CCTV).

Tháng 1/2019, tài khoản WeChat chính thức của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Thiên Tân cho biết Viện Kiểm sát Thiên Tân đã quyết định bắt giữ Uông Bình Hoa, Bạch Thiên Huy, Quách Kim Đồng, Triệu Tử Xuân theo quy định pháp luật.

Tài liệu liên quan cho thấy Uông Bình Hoa, Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Công ty TNHH Bất động sản Huarong, bị tình nghi nhận hối lộ.

Quách Kim Đồng, phó Tổng giám đốc của Huarong International và Triệu Tử Xuân, phó Tổng giám đốc của Huarong Guiyang Real Estate bị nghi ngờ nhận hối lộ. Phân khu 2 Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Thiên Tân xem xét và khởi tố về tội nhận hối lộ.

Khoản nợ khổng lồ

China Huarong trong những năm gần đây đã gây chú ý với khoản nợ lên tới 214 tỉ euro và cách quản lý lỏng lẻo. Năm 2021, công ty này đã bị đình chỉ niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong trong 9 tháng. Khi niêm yết trở lại vào ngày 5/1/2022, cổ phiếu bị rớt giá thảm hại, giá trị vốn hóa thị trường bay mất 55%.

Cuối năm 2023, China Huarong bị tiếp quản và đổi tên thành Công ty TNHH quản lý vốn tài sản Trung Tín (China CITIC Financial Asset Management Co., Ltd.) và chính thức treo biển mới vào ngày 26/1/2024. Đến đây, cái tên China Huarong đã biến mất trên thị trường.

Thời gian nhận hối lộ của Lại Tiểu Dân kéo dài 11 năm, từ 2008 đến 2018; thời gian hối lộ của Bạch Thiên Huy chỉ là 5 năm, từ 2014 đến 2018. Điều này có thể giải thích tại sao Lại Tiểu Dân và Bạch Thiên Huy có thể tự mình thực hiện được những điều mà hầu hết các công ty niêm yết dù muốn cũng không thể làm được chỉ trong vài thập kỷ.

Năm 2023, trong số hơn 5.300 công ty niêm yết trên thị trường cổ phiếu loại A, chỉ có hơn 110 công ty có lãi ròng hơn 1 tỉ NDT. Nếu cộng gộp số tiền hối lộ mà Lại Tiểu Dân và Bạch Thiên Huy đã nhận, thì sẽ chỉ có rất ít công ty niêm yết có lợi nhuận ròng trên cổ phiếu A vượt quá 2,7 tỉ NDT.

Nhưng điều kỳ lạ là, từ năm 2014 đến năm 2018, tức khi hai người mặc sức vơ vét thì thành tích của China Huarong lại tốt đến không ngờ, lập kỷ lục tốt nhất trong lịch sử. Năm 2014, lợi nhuận ròng của China Huarong là 10,6 tỉ NDT và duy trì mức tăng trưởng ổn định trong 2 năm tiếp theo, đạt tới mức cao kỷ lục 21,9 tỉ NDT vào năm 2017.

Sự đảo chiều bắt đầu vào năm 2018, với lợi nhuận ròng chỉ còn ở mức 1,5 tỉ và năm 2020 xảy ra khoản lỗ khổng lồ hơn 100 tỉ NDT. Năm 2022, năm tài sản được chuyển giao cho CITIC Financial, China Huarong lại phải chịu một khoản lỗ khổng lồ khác là 27,5 tỉ NDT. Phải đến năm 2023, CITIC Financial sau khi tiếp quản China Huarong mới đảo ngược được đà sụt giảm kể từ năm 2018 và đạt được lợi nhuận ròng 1,7 tỉ NDT.

Theo The Paper, Aboluowang