Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Bộ Giao thông vừa trình Chính phủ Dự thảo nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Mục tiêu là trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC), mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông cả với thu phí đỗ xe tại các cảng hàng không, cảng biển, bãi đỗ xe, phí kiểm định...
Quy định mới này giúp chủ phương tiện dễ dàng thuận tiện thanh toán mọi dịch vụ giao thông, tiết kiệm thời gian, chi phí, phù hợp với chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt của Nhà nước. Đồng thời, cũng mở rộng cơ hội cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo đó, tài khoản thu phí (không dừng – ETC) hiện nay sẽ được tách thành tài khoản giao thông và phương tiện thanh toán của chủ phương tiện.
Tài khoản giao thông bao gồm thông tin về phương tiện, chủ phương tiện, kết nối với phương tiện thanh toán, bao gồm ví điện tử và tài khoản ngân hàng.
Theo đó, mỗi lần chủ phương tiện đi qua điểm thu như thu phí điện tử đường bộ, bãi đỗ xe, sân bay, bến cảng… hệ thống sẽ được kết nối và trừ vào nguồn tiền trong ví điện tử hay tài khoản ngân hàng. Chủ phương tiện cũng có thể dễ dàng rút tiền từ phương tiện thanh toán và chi tiêu cho các mục đích khác...
Vậy tài khoản giao thông này được kết nối thông minh và an toàn với phương tiện thanh toán của khách hàng như thế nào? Hạ tầng mềm (hành lang pháp lý) và hạ tầng cứng (cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, nhân lực) cần và đủ để vận hành, khớp nối, tương thích, đồng bộ? Trách nhiệm gắn với quyền lợi của các nhà cung cấp dịch vụ trong hệ sinh thái này với nhau cũng như với khách hàng cần được ràng buộc ra sao? Người dùng được lợi gì và phải “trả giá” mức nào…
Để giải đáp cho câu hỏi này, Báo Giao thông phối hợp với Tạp chí Vietimes tổ chức Hội thảo "Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông".
Sự kiện được tổ chức với sự đồng hành của NAPAS, VISA, LPBank, BIDV, Epass và VETC.
Tham dự Hội thảo "Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông" hôm nay các vị khách mời, đại biểu: Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam; ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm thông tin Bộ GTVT; ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Bộ GTVT; ông Nguyễn Ngọc Quyết, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông, NHNN; ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội; ông Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia; ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam; đại diện cơ quan, đơn vị, chuyên gia giao thông, chuyên gia kinh tế.
Về phía Ban Tổ chức, có ông Nguyễn Bá Kiên (Tổng Biên tập Tạp chí điện tử VietTimes), bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng biên tập Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó tổng biên tập Báo Giao thông.
Về phía các đơn vị đồng hành có ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam Napas; Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam & Lào.
Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của Bộ GTVT, Cục Đường bộ VN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị đồng hành gồm Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Napas, tổ chức thẻ Visa, các ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Lộc Phát, Ngân hàng quân đội (MB), Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ giao thông như Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam thuộc Viettel, Công ty Thu phí tự động VETC…
Tới dự Hội thảo còn có phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Chung tay xây dựng hệ sinh thái giao thông văn minh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng biên tập Báo Giao thông cho biết, thực hiện chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông chính sách của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các cơ quan báo chí nói chung và báo Giao thông, Tạp chí điện tử VietTimes nói riêng đã xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình hành động để truyền thông các chính sách của Nhà nước đến với người dân.
Đồng thời, tạo diễn đàn để các doanh nghiệp nêu ý kiến, chuyên gia xây dựng các chính sách pháp luật để giải quyết các vấn đề. Hội thảo ngày hôm nay cũng hướng tới mục tiêu đó.
Theo bà Nga, đây là lần đầu tiên báo Giao thông phối hợp với Tạp chí VietTimes tổ chức hội thảo chuyên đề về giao thông và kết nối câu chuyện chuyển đổi số, thanh toán điện tử. Đây là đề tài được người dân và cơ quan báo chí quan tâm.
"Ở góc độ các cơ quan báo chí, chúng tôi rất vui mừng khi tiếp cận dự thảo Nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ.
Chúng tôi tin rằng, khi các nội dung mới trong dự thảo Nghị định được truyền thông tới doanh nghiệp và người dân sẽ nhận được sự đồng thuận cùng các ý kiến đóng góp để có thể triển khai sớm nhất", bà Nga nói.
Bà Nga mong muốn, Hội thảo sẽ truyền thông chính sách tới người dân và thứ hai là lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của các cơ quan báo chí, tiếp nhận thông tin từ người dân thông qua các hệ sinh thái trên mạng xã hội, từ đó tiếp thu, chuyển những ý kiến đóng góp tới các cơ quan xây dựng chính sách.
Với mục tiêu tất cả chung tay xây dựng hệ sinh thái giao thông văn minh, ứng dụng công nghệ hiện đại để phục vụ người dân xứng tầm với mục tiêu phát triển đất nước Chính phủ đã đề ra.
Dự kiến từ 1/10, chủ phương tiện chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông
Trình bày ý kiến tại Hội thảo, ông Tô Nam Toàn - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết, Nghị định này thanh toán điện tử giao thông đường bộ chúng ta xây dựng dựa trên Luật giao thông đường bộ. Trong quá trình xây dựng Luật Đường bộ, Chính phủ đã xây dựng nội dung thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
Việc xây dựng dự thảo Nghị định được bám sát vào các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân. Bảo đảm phù hợp với các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Luật Đường bộ và quy định về thanh toán không dùng tiền mặt của pháp luật về ngân hàng.
Nghị định kế thừa các quy định của Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động.
Theo ông Toàn, Nghị định là cơ sở tăng cường hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với các hoạt động thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông. Tăng cường sự cạnh tranh cho các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông, vận hành hệ thống điểm thu. Bảo đảm quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử thuận tiện cho người dân.
"Để phục vụ quản lý Nhà nước và chia sẻ dữ liệu tài khoản giao thông cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải xây dựng Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
Nhằm đảm bảo minh bạch, quản lý rõ ràng, chúng tôi trao đổi với NHNN sẽ tách tài khoản thu phí thành tài khoản giao thông kết nối với phương tiện thanh toán.
Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ mở tài khoản giao thông cho chủ phương tiện ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối. Tài khoản giao thông chỉ được kết nối với một phương tiện thanh toán và cần có hợp đồng dịch vụ." ông Toàn nói.
Cơ sở dữ liệu (CSDL) thanh toán điện tử Giao thông đường bộ (GTĐB) sẽ bao gồm: Thông tin tài khoản giao thông (TKGT) và Thông tin giao dịch thanh toán điện tử GTĐB.
Trong đó, thông tin tài khoản giao thông gồm: Số TKGT, ngày mở TKGT; Thông tin chủ TKGT (có thể là cá nhân hoặc tổ chức); Thông tin phương tiện gắn thẻ đầu cuối; Thông tin thẻ đầu cuối; Thông tin phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Thông tin giao dịch thanh toán điện tử GTĐB gồm: Thông tin đơn vị tham gia giao dịch; Thông tin thanh toán tiền sử dụng đường bộ; Thông tin thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ khác; Thông tin thanh toán (mã bản tin thanh toán; số tiền thanh toán; phương tiện thanh toán; ngày, tháng, năm, giờ, phút, giây thực hiện thanh toán thành công).
Theo dự thảo Nghị định, nhà cung cấp (NCC) dịch vụ thanh toán điện tử giao thông sẽ gồm: NCC dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ làm nhiệm vụ phát hành thẻ đầu cuối, mở TKGT, kết nối, xác định chi phí và thực hiện thanh toán đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ, phí sử dụng đường cao tốc.
Và NCC dịch vụ thanh toán GTĐB có nhiệm vụ kết nối tài khoản giao thông, Kết nối, xác định chi phí, thực hiện thanh toán về phí, giá, tiền dịch vụ khác liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện như: Giá dịch vụ trông đỗ xe, lệ phí đăng kiểm,…
NCC dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ có nhiệm vụ mở TKGT cho chủ phương tiện ngay lần đầu gắn thẻ đầu cuối.
TKGT phải được kết nối với một phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật ngân hàng để thực hiện thanh toán điện tử GTĐB.
Mỗi TKGT có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện nhưng mỗi phương tiện chỉ được nhận chi trả từ một TKGT.
Chủ phương tiện phải đảm bảo đủ tiền trong phương tiện thanh toán được kết nối với TKGT khi thực hiện thanh toán điện tử GTĐB.
Nếu không sẽ không được đi qua trạm thu phí trên đường cao tốc hoặc phải sử dụng làn thu phí hỗn hợp tại trạm thu phí đường bộ.
Tài khoản này có thể được khóa theo đề nghị của chủ TKGT hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Việc đối soát doanh thu sẽ được thực hiện theo hàng ngày và hàng tháng.
Về lộ trình triển khai, ông Tô Nam Toàn cho biết, dự kiến từ ngày 1/10/2024 khi Nghị định có hiệu lực đến ngày 1/10/2025, chủ phương tiện phải thực chuyển đổi tài khoản thu phí sang TKGT kết nối phương tiện thanh toán.
Từ 1/10/2024 đến 1/7/2026 thực hiện duy trì hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. NCC dịch vụ thanh toán GTĐB và NCC dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ triển khai kết nối hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông qua TKGT.
Và từ 1/7/2026 chính thức vận hành hệ thống CSDL thanh toán điện tử GTĐB.
Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu CMCN 4.0
Ông Nguyễn Trung Anh, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ kỹ thuật thanh toán và Ngân hàng số, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, trình bày tham luận định hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Theo ông Trung Anh, tham luận có 3 nội dung chính gồm: Bối cảnh, chủ trương, mục tiêu, định hướng; Thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt; Giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
"Chúng ta đang số hóa dịch vụ toàn diện và cao độ. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, cả nước đã thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và thanh toán trực tuyến, phi tiếp xúc.
Cụ thể, chúng ta thúc đẩy phát tiển thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số; Số hóa dịch vụ toàn diện và cao độ; Thúc đẩy Chuyển đổi số toàn diện và thanh toán trực tuyến, phi tiếp xúc.
Hành vi tiêu dùng, nhu cầu khách hàng thay đổi mạnh mẽ, yêu cầu và kỳ vọng cao hơn (an toàn, bảo mật, thanh toán tức thời, trao quyền người dùng, cá nhân hóa trải nghiệm, phí hợp lý)", ông Trung Anh nói.
Ông Trung Anh cho hay, thời gian qua Đảng và Chính phủ đã chủ trương, định hướng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Về mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ông Trung Anh nói rằng đó là hình thành thói quen sử dụng phương tiện thanh toán kinh doanh không dùng tiền mặt đối với người dân.
Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật.
Ông Trung Anh cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử chiếm 50%. Người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng chiếm 80%.
Về hạ tầng kỹ thuật thanh toán không dùng tiền mặt, ông Trung Anh cho biết, hiện Việt Nam đã có hệ thống thanh toán liên ngân hàng như IBPS, Napas… Có khoảng 85 ngân hàng sử dụng Internet Banking, có 21 nghìn ATM, có 678 nghìn POS; 52 Ngân hàng sử dụng Mobile Banking.
Nhờ hệ thống ngân hàng rộng khắp, giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt bình quân hơn 820 nghìn tỷ đồng/ngày; khối lượng giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính & bù trừ điện tử, bình quân xử lý 23-25 triệu giao dịch/ngày.
Mạng lưới chấp nhận thanh toán QR Code phủ khắp hầu hết các cửa hàng tiện lợi, chuỗi phân phối bán lẻ, nhà hàng, khách sạn... và đang mở rộng dần tới các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học.
Nêu giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, đại diện ngân hàng Nhà nước cho hay, sẽ hoàn thành khuôn khổ pháp lý, trong đó triển khai hiệu quả Nghị định 52; các thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn Luật các tổ chức tín dụng (TCTD); xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sau khi được ban hành).
Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, có thể ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số hóa; Đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên Mobile: QR Code, mã hóa thông tin thẻ Tokenization, Mobile Payment, Contactless, Ví điện tử…; Khuyến khích hợp tác giữa ngân hàng với Fintech; Phát triển thanh toán điện tử trong lĩnh vực công; Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực vùng sâu, vùng xa; Phát triển dịch vụ thẻ, chuyển đối thẻ từ sang thẻ chip.
Phát triển về hạ tầng, nâng cấp Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH); Tiếp tục hoàn thiện, phát triển Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (ACH); Tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số.
Về An ninh an toàn bảo mật, ông Trung Anh cho biết, sẽ nâng cao hiệu quả giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ, rủi ro phát sinh; Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật; Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Chuyển đổi nhận thức, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thanh toán tiền mặt không dừng; Triển khai các chương trình Giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức về thanh toán không dùng tiền mặt.
Mỗi quốc gia nên có 01 hệ thống thẻ vé điện tử tập trung, duy nhất
Là đơn vị triển khai cung cấp hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) thời gian qua đã phát triển hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ Thanh toán, Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Napas đã chia sẻ tham luận “Thẻ vé thông minh trong giao thông”.
Theo ông Tùng, Napas là đơn vị đóng vai trò tổ chức chuyển mạch tài chính và trung gian cung ứng hạ tầng thanh toán bán lẻ cho nền kinh tế. Đơn vị hiện đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông hơn 19.200 máy ATM, hơn 300.000 máy POS phục vụ gần 90 triệu chủ thẻ.
Hiện nay, Napas đang kết hợp với 54 Ngân Hàng trong nước/ Quốc Tế và các Tổ chức Tài chính đang hoạt động tại Việt Nam; hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước phục vụ việc thanh toán.
“Napas sử dụng 3 hệ thống thanh toán chủ yếu bao gồm: Hệ thống chuyển mạch; Hệ thống bù trừ tự động; Hạ tầng số hóa.
Dịch vụ Cổng thanh toán trực tuyến Napas là dịch vụ cung cấp cho các Tổ chức Trung gian thanh toán cho phép khách hàng sử dụng tài khoản, thẻ ghi nợ nội địa, thẻ tín dụng nội địa và thẻ tín dụng quốc tế do Ngân hàng/Tổ chức phát hành thực hiện giao dịch thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trên các kênh bán hàng trực tuyến
Chúng tôi sẽ nghiên cứu và triển khai mô hình để người dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán khi tham gia giao thông công cộng như: Metro, bus,...”, ông nói
Theo ông Tùng, hiện chưa có tiêu chuẩn thẻ vé chung, hệ thống thẻ vé giao thông không liên thông nên gây ra một số vấn đề cho người dùng khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Người dân phải mua vé bằng tiền mặt hoặc thẻ phải xếp hàng rất lâu hoặc để nạp tiền người dân phải topup tại quầy thanh toán.
"Sau khi tham khảo, nghiên cứu việc thanh toán các quốc gia trên thế giới. Chúng tôi đề xuất xây dựng mô hình thẻ vé thông minh.
Mỗi quốc gia nên có 01 hệ thống thẻ vé điện tử tập trung, duy nhất, sử dụng cho tất cả các Đơn vị cung cấp dịch vụ giao thông công cộng, bao gồm bus, metro,.. (ít nhất là 1 thành phố có sự liên thông thanh toán bằng thẻ vé). Và cần có tiêu chuẩn kỹ thuật về loại vé thông minh đó", ông Tùng kiến giải.
Chuyển đổi, áp dụng các công nghệ vào hệ thống giao thông đô thị sẽ giúp hoàn thiện hệ sinh thái, tạo sự thuận tiện cho người dân trong việc thanh toán
Tại Hội thảo, bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa Việt Nam & Lào chia sẻ kinh nghiệm triển khai thanh toán giao thông của Visa đối với các chính phủ trên toàn cầu
Bà Dung cho biết, hiện nay các đô thị hiện đang rất nỗ lực để phát triển toàn diện, kết nối và có khả năng phục hồi tốt hơn. Tỷ lệ giao dịch tiền mặt ngày càng giảm, hơn 80% giao dịch xuất trình thẻ được xử lý tại Visa là giao dịch không tiếp xúc. Visa ứng dụng công nghệ mở từ 2010, tuy nhiên đến năm 2018 Visa mới thực sự mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trên thế giới từ 2018.
“Visa đồng hành trong việc thanh toán chạm để di chuyển với công nghệ bảo mật lớn nhất với các đơn vị từ rất lâu. Chúng tôi đưa các dịch vụ ra thế giới thông qua việc tuyên truyền, marketing nhằm tạo lập thói quen sử dụng giao thông công cộng, thanh toán chạm để di chuyển đến người dùng”, bà Dung nói.
Vậy làm sao để có thể giúp người dân thấy thuận tiện hơn khi đi phương tiện công cộng? Chúng tôi có những giải pháp công nghệ để kết nối thông tin các phương tiện để nắm được thông tin các tuyến xe. Hệ thống mở không đơn giản chỉ áp dụng trong một loại phương tiện mà còn giúp người dân mở rộng, liên thông trong các dịch vụ giao thông công cộng.
Bà Dung đề cập đến những khó khăn trong việc phát triển hệ thống giao thông công cộng.
“Khó khăn lớn nhất về hạ tầng, quản lý, vận hành xé lẻ không đồng bộ dẫn đến việc người dân sẽ thấy phức tạp khi quản lý nhiều loại thẻ vé khác nhau. Chúng ta phải lên ý tưởng, tính toán để người dùng có thể tận dụng hành trình giao thông sử dụng nhiều dịch vụ gia tăng khác.
Khó khăn khác là việc chi phí cao và tình trạng vận hành kém hiệu quả của hệ thống vé truyền thống cũng như quản lý phân luồng khách hàng.
Các nghiên cứu chúng tôi cho thấy mức độ tiết kiệm khi tham gia xây dựng giải pháp sẽ tiết kiệm được 30% trong việc vận hành - đây là mục tiêu lớn. Đối với người dân, tính đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng và bảo mật là điều vô cùng quan trọng.
Trong một nghiên cứu của Visa, dữ liệu cho thấy: 64% người dân sẽ sử dụng dịch vụ số để lên kế hoạch, đặt chỗ và thanh toán trước khi di chuyển; 94 người Kỳ vọng thanh toán không tiếp xúc sẽ được triển khai trong thanh toán giao thông; 45% người nói sẽ di chuyển nhiều hơn nếu phương thưsc hanh toán thuận tiện và dễ dàng.
Việc chuyển đổi, áp dụng các công nghệ vào hệ thống giao thông đô thị sẽ giúp hoàn thiện hệ sinh thái; tạo sự thuận tiện cho người dân trong việc thanh toán. Hệ thống thanh toán mở sẽ giúp tăng trưởng lượng khách sau khi áp dụng hình thức này", bà Dung nói.
Người dân, doanh nghiệp được lợi gì?
Kết thúc phần tham luận, các khách mời cùng tham gia phần thảo luận với chủ đề Thanh toán điện tử giao thông - người dân được lợi gì?.
Bà Trương Thị Xuân Thu, Trưởng Ban Kinh tế Xã hội, báo Giao thông là người điều phối phiên tọa đàm.
Mở đầu phần tọa đàm, người điều phối gửi câu hỏi đến ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam: "Ông có thể chia sẻ ngắn gọn để các chủ phương tiện, người tham gia giao thông có thể hình dung tài khoản giao thông này có "hình thù" ra sao, có chức năng như thế nào và chứa đựng những cơ sở dữ liệu gì?"
Ông Thắng cho biết, cùng với sự phát triển của đất nước, ngành GTVT đặc biệt là lĩnh vực giao thông đường bộ đã tích cực tham gia đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 07 và sau đó là Quyết định 19 năm 2020 về việc áp dụng thu phí điện tử không dừng trong lĩnh vực thu phí đường bộ. Cục đường bộ Việt Nam quản lý hơn 50 trạm thu phí. Thời gian đầu khi triển khai, chúng tôi đối diện với rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên nhờ có sự vào cuộc của lãnh đạo Bộ ban ngành các cấp, ngành, địa phương và các cơ quan truyền thông báo chí, chúng tôi đã thành công triển khai việc thu phí không dừng đường bộ, đặc biệt là trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Hiện nay việc thu phí không dừng đã được triển khai trên 5,6 triệu phương tiện, chiếm 97% lượng phương tiện lưu thông trên đường bộ. Đây được coi là bước đầu thành công trong việc triển khai thu phí không dừng.
Ngày hôm nay (30/9), Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định 119 có hiệu lực từ ngày 1/10/2024. Đây được coi là là bước tiến mới trong lĩnh vực thu phí điện tử.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực triển khai các nội dung trong nghị định nhằm cải thiện hệ thống thanh toán giao thông. Điều này không chỉ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà còn thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông thông minh, giảm thiểu các thủ tục hành chính và tăng cường tính minh bạch.
"Để Nghị định (Nghị định 119/2024/NĐ-CP - PV) đi vào cuộc sống, xin ông cho biết, lộ trình hoàn thiện chính sách tiếp theo, cụ thể là xây dựng thông tư hướng dẫn? Vai trò của các chủ thể liên quan như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao thông, ngân hàng, trung gian thanh toán…", bà Thu đặt câu hỏi với ông Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam.
Ông Tô Nam Toàn: Để triển khai việc chuyển đổi tài khoản thu phí sang "tài khoản giao thông" kết nối với phương tiện thanh toán, chúng tôi đã lường trước sẽ gặp khó khăn nhất định.
Về việc triển khai chuyển đổi tài khoản thu phí sang "tài khoản giao thông" (TKGT) kết nối phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, trong khi đưa ra lộ trình, Cục Đường bộ Việt Nam đã lường trước các vấn đề để đảm bảo kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ với đơn vị cung ứng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Hai đơn vị này sẽ phải ký hợp đồng dịch vụ theo quy định pháp luật ngân hàng với những đàm phán cụ thể.
Theo ông Toàn, hiện nay hai nhà cung cấp dịch vụ đang triển khai đã có sẵn dịch vụ này.
Đơn cử, VETC đã có thu phí VETC và có gần một năm chuyển đổi từ tài khoản thu phí hiện nay sang thu phí VETC. Có thể nói, gần như tất cả các chủ phương tiện sử dụng VETC hiện nay đều đã triển khai kết nối.
Đối với VDTC đã kết nối ví Viettel Pay với tài khoản thu phí. Hiện nay, chỉ cần chuyển tiền từ tài khoản thu phí sang phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt là chuyển đổi ngay được tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Trước mắt, người dùng VETC mới chọn được một phương tiện thanh toán là ví VETC, người dùng VDTC mới chỉ chọn được một phương tiện thanh toán là Viettel Pay.
Tuy nhiên, trong tương lai, các đơn vị cung cấp khác như VISA có thể ký hợp đồng với VETC, VDTC để kết nối phương tiện thanh toán và chủ phương tiện có thể lựa chọn ví VISA để kết nối thanh toán.
Mặt khác, chủ phương tiện không cần đến nhà cung cấp dịch vụ mà chỉ cần thông qua các ứng dụng trên điện thoại để chuyển đổi tài khoản thu phí sang TKGT kết nối phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Các hợp đồng này sẽ là hợp đồng điện tử, các phương thức xác thực có thể triển khai như xác thực sinh trắc học, vừa bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo vệ an toàn thông tin trong ký kết hợp đồng.
Ông Toàn kỳ vọng khi quy định ban hành sẽ được người dân ủng hộ; đồng thời, cho biết, kỳ vọng với lộ trình 1 năm sẽ thực hiện xong việc chuyển đổi tài khoản thu phí sang TKGT kết nối phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt của 5-6 triệu phương tiện hiện nay, nhất là khi việc chuyển đổi xác thực sinh trắc học của ngành ngân hàng chỉ diễn ra từ 1-2 tuần nhưng vẫn thành công.
Thanh toán không tiền mặt khi đỗ xe đã giúp ích cho người dân, cơ quan quản lý
Từ đây đến lúc nghị định có hiệu lực, người dân, donah nghiệp sẽ có lợi ích gì khi đi vào cuộc sống. Người dân dùng giao thông công cộng đang dùng phương thức nào?
Bà Trương Kiều Oanh (Trưởng phòng CNTT Sở GTVT Hà Nội) cho biết, Sở GTVT Hà Nội đang thí điểm thẻ vé điện tử và thu tiền bãi đỗ xe không dùng tiền mặt. Người dân sử dụng khá cao. Việc đỗ xe không tiền mặt: 88-89% người dùng sử dụng dịch vụ. Việc thanh toán không tiền mặt khi đỗ xe đã giúp ích cho người dân, cơ quan quản lý. Thí diểm 25 tuyến bus thanh toán online phát hành thẻ và vé tháng đạt 85%. Việc triển khai chính thức đang hoàn thiện để báo cáo thành phố.
Tuy nhiên, vẫn gặp nhiều vấn đề. Chúng tôi hy vọng phần mềm sẽ phải ổn định, đảm bảo kỹ thuật để không ảnh hưởng đến thói quen của người dân. Giải pháp công nghệ phải hoạt động ổn định, mới, thuận tiện, dễ dàng cũng như tính bảo mật cao.
Hệ thống thanh toán sẵn sàng kết nối với các tài khoản giao thông
Bà Trương Thị Xuân Thu: Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Napas là một doanh nghiệp khá đặc biệt khi vừa tham mưu xây dựng chính sách, lại vừa trực tiếp xây dựng hạ tầng, giải pháp thanh toán. Theo Napas, để tài khoản giao thông có thể khớp lệnh được với các phương tiện sẵn có của hệ thống ngân hàng, theo ông có cần xây dựng, sửa đổi hay bổ sung chính sách gì không? Hạ tầng về kỹ thuật, về công nghệ của hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng trong việc kết nối này hay chưa?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, hiện nay, hạ tầng bán lẻ của ngành ngân hàng có thể nói là rất cao, với số lượng thẻ ngân hàng cả quốc tế và nội địa gấp hơn 1,5 lần.
Theo ông Long, việc thanh toán điện tử, thanh toán ngân hàng đã lan tỏa vào mọi ngõ ngách cuộc sống.
Ông Long dẫn chứng việc thanh toán mớ rau ngoài chợ hay cốc cà phê…., tất cả các nền tảng đã có sự liên thông. Toàn bộ công nghệ cung cấp cho người dân hiện nay sử dụng có thể sử dụng trên nền tảng hạ tầng giao thông công cộng cũng như kết nối với các tài khoản trong giao thông.
“Về mặt kết nối truyền thông, về mặt ngân hàng, chúng tôi đã sẵn sàng cho việc cung cấp”, ông Long nói và cho biết, trong thời gian tới, các đơn vị liên quan ngồi với nhau để bàn bạc xem hệ thống tài khoản giao thông bên ngành giao thông dựng lên cụ thể vận hành theo phương thức như thế nào? Tiêu chuẩn ra sao, để làm sao có thể liên thông với tài khoản đó.
Trong quá trình xây dựng mô hình thanh toán thông minh ta sẽ áp dụng theo phương pháp nào?
Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Giao thông Vận tải cho biết: Việt Nam đang trong quá trình phát triển hệ tầng để phục vụ người dân và doanh nghiệp, Bộ GTVT đã nghiên cứu, tham khảo các nước trên thế giới. Như Napas chia sẻ về các phương pháp thanh toán thông minh, tôi đồng tình nhưng mỗi phương pháp này sẽ được áp dụng từng thời kì khác nhau.
“Khoảng 10 năm trước khi bắt đầu xây dựng Metro Cát Linh – Hà Đông chúng ta chưa hình thành quy hoạch mạng lưới giao thông nên chưa chú trọng quá lớn đến thẻ vé.
Khi hệ thống giao thông công cộng phát triển chúng ta mới tính đến việc có công cụ để người dân đơn giản trong việc thanh toán.
Các nước trên thế giới có riêng 1 thẻ vé giao thông giúp người dân thuạn tiện khi tham gia. Với sự phát triển công nghệ hiện tại, ta có thể sử dụng cong nghệ có sẵn tích hợp trên thẻ vé bằng cách sử dụng thẻ ngân hàng hoặc điện thoại để thanh toán.
Bộ GTVT sẽ đầu tư trong việc xây dựng hệ thống hạ tầng thanh toán thông minh cho người dân. Chúng ta tiếp cận công nghệ tương lai nhưng cũng phải phù hợp với điều kiện hiện tại. Sau khi nghiên cứ xong, phải ứng dụng như thế nào dựa trên mức độ thuận tiện với người dân.
Hiện nay, việc thanh toán ngân hàng đang bị áp dụng hạn mức? Vậy việc thanh toán giao thông có bị áp dụng hạn mức nữa hay không?
Ông Tô Nam Toàn: Trong quá trình soạn thảo Nghị định tôi có trao đổi với vụ Thanh toán, NHNN về việc sẽ bỏ phạm vi hạn mức khi thanh toán giao thông đường bộ. Chúng tôi sẽ gọi đây là thanh toán dịch vụ thiết yếu. Có thể thấy hằng ngày các phương tiện giao thông như xe tải, container 1 ngày sẽ phải chi trả rất nhiều phí đường bộ lên đến trăm triệu đồng. Vì vậy để thuận tiện sẽ loại bỏ hạn mức.
Sở GTVT đã xây dựng trình thành phố đề án giao thông thông minh
Xin hỏi bà Trương Kiều Anh, Trưởng phòng CNTT Sở GTVT Hà Nội, việc khớp nối hệ sinh thái thanh toán, hạ tầng kỹ thuật CNTT của Hà Nội đã sẵn sàng chưa, Hà Nội đang tiếp tục triển khai những gì và có lộ trình ra sao?
Bà Trương Kiều Anh cho biết, hiện nay, Sở GTVT đang trình thành phố đề án về giao thông thông minh và chia thành 3 giai đoạn phát triển từ 2024-2026; 2027-2029 và từ 2030 trở đi.
“Thanh toán điện tử là một trong những chức năng của của hệ thống điều hành. Hiện nay, Sở GTVT đã xây dựng trình thành phố đề án giao thông thông minh, trong đó có 3 giai đoạn phát triển”, bà Kiều Anh nói, trong giai đoạn 1 tập trung 9 chức năng. Ngoài ra, việc thanh toán điện tử quản lý bến đỗ, quản lý các chức năng khác của giao thông thông minh đều thanh toán điện tử.
Theo bà Kiều Anh, liên quan đến điều kiện về hạ tầng, về cơ sở pháp lý để triển khai nội dung này, Sở đang triển khai một số nội dung. Trong đó, tham mưu cho TP ban hành đề án giao thông thông minh. Từ tháng 7/2024, sở khai trương thí điểm Trung tâm điều hành giao thông thông minh.
“Tôi cũng tham mưu cho thành phố ban hành khung tiêu chuẩn kỹ thuật về thẻ vé điện tử. Trong đó, có tiêu chuẩn về hệ thống phương pháp vé tự động kiểm soát thẻ vé không dừng như VETC... để làm nền tảng triển khai các hệ thống thẻ vé sau này", bà Kiều Anh nói.
Bà Kiều Anh cho hay, để đảm bảo thời gian và tiến độ triển khai, kèm theo nhân lực vận hành hệ thống là vô cùng khó. Hiện, Sở đang tham mưu thành phố triển khai dịch vụ theo Nghị định 82, theo hướng thuê hạ tầng, trang thiết bị. Tới khi thấy năng lực đủ đáp ứng, chúng ta có thể sẽ dần chuyển sang thực hiện để đảm bảo tiến độ triển khai.
Các phương thức thanh toán đang được khách hàng tham gia phương tiện giao thông công cộng tại Hà Nội sử dụng là gì?
Bà Trương Kiều Anh cho biết, trong thời gian Sở Giao thông vận tải Hà Nội thí điểm thu phí dịch vụ đỗ xe không dùng tiền mặt, thẻ vé điện tử giao thông công công (GTCC), tỉ lệ sử dụng hai loại hình này rất cao.
Theo bà Kiều Anh, với hệ thống thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ xe, theo kết quả sơ kết 8 tháng, tỉ lệ sử dụng thanh toán không tiền mặt 88-89% đối với ô tô còn xe máy là 85%.
Bà Kiều Anh nhấn mạnh, đây là những con số rõ ràng cho thấy người dân ủng hộ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, tiếp tục hoàn thiện để đem lại sự tiện ích cho người dân và cơ quan quản lý.
Ngoài ra, cũng cần hành lang pháp lý để triển khai chính thức. Còn với thẻ vé điện tử, tỉ lệ người dân sử dụng thanh toán online là 85% đối với 25 tuyến thí điểm.
Đứng trên góc độ người dùng, bà Kiều Anh cho rằng, ai cũng mong muốn một sản phẩm ngon, bổ, rẻ; công nghệ mới nhất và hiện đại nhất nhưng phải ổn định.
Dòng tiền thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước
Các đơn vị sẽ quản lý việc thanh toán giao thông như thế nào khi nghị định mới có hiệu lực?
Trả lời câu hỏi của người điều phối tọa đàm, ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ GTVT cho biết, tài khoản giao thông do Bộ GTVT quản lý sẽ chỉ tính tiền tại các điểm thu dựa trên thực tế di chuyển người tham gia giao thông.
Tại mỗi điểm thu Bộ GTVT sẽ tính toán cẩn thận quãng đường di chuyển để từ đó trả lại cho các điểm thu theo đúng quy định. Toàn bộ dòng tiền sau khi liên kết với phương tiện thanh toán sẽ thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước.
Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với Ngân hàng nhà nước, các đơn vị như Napas, Visa để cùng xây dựng chiến lược thanh toán giao thông thông minh đảm bảo chi phí, an toàn thông tin cho người dân.
Xây dựng thể chế, chính sách cần đi trước mới tạo ra phát triển đột phá
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử VietTimes nhận định, Hội thảo hôm nay diễn ra rất thành công. Hội thảo kéo dài hơn 3 tiếng cho thấy đây là chủ đề hấp dẫn vì mọi người dân, không ai không tham gia giao thông.
Tổng Biên tập Tạp chí VietTimes cho rằng, Hội thảo hôm nay bàn về chủ đề tạo ra sự phát triển tốt đẹp cho đất nước. Bài học từ thu phí tự động đường bộ cho thấy muốn phát triển thanh toán thông minh trong giao thông thì việc xây dựng thể chế rất quan trọng.
Trước năm 2022, chủ trương thu phí tự động tưởng như thất bại vì sau nhiều năm triển khai vẫn rất ít xe dán thẻ VETC. Từ tháng 6/2022, khi Chính phủ quy định xe không dán thẻ thu phí tự động không được đi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì đến nay 95% ô tô đã dán thẻ.
Nội dung hội thảo hôm nay rất rộng, ngoài việc bàn về chính sách thanh toán tự động cho phương tiện đường bộ còn bàn luận, gợi mở những chính sách, giải pháp thanh toán tự động cho người dân đi metro, xe buýt, thu phí dừng đỗ xe…
Tới đây, đường sắt cao tốc sẽ được xây dựng và hàng loạt tuyến metro đô thị đi vào hoạt động, nên việc xây dựng chính sách thanh toán tự động, liên thông không dùng tiền mặt trong giao thông là rất quan trọng. Việc xây dựng thể chế, chính sách cần đi trước mới tạo ra phát triển đột phá.
"Hội thảo hôm nay gợi mở rất nhiều vấn đề mới về thanh toán thông minh cho phương tiện và cá nhân tham gia giao thông”, ông Kiên nói.