Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều dẫn nguồn tin của trang tin Malaysia Sin Chew ngày 13/8, Ngoại trưởng Hishamuddin Hussein tuyên bố Malaysia sẽ tiếp tục giữ gìn các mối quan hệ song phương và đa phương với các nước láng giềng và sẽ không nhân nhượng vùng biển Malaysia trên Biển Đông, nơi các thế lực lớn xâm phạm.
Ông Hishamuddin nói Malaysia đã đệ trình một công hàm lên Liên Hợp Quốc cách đây hai tuần, trong đó nêu rõ, theo Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển 1982, Malaysia, với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, có chủ quyền đối với thềm lục địa nằm trong vùng biển 200 hải lý tính từ đường cơ sở bờ biển. Ông nói đây là sự đáp trả yêu sách của Trung Quốc đưa ra Liên Hợp Quốc ngày 12/12/2019.
Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ và Australia họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 28/7, thống nhất lập trường bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông (Ảnh: AP).
|
Ông nói rằng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông dựa trên cái gọi là các quyền lịch sử, nhưng Malaysia cho rằng yêu sách của Trung Quốc không có bất cứ cơ sở luật pháp quốc tế nào và lập trường của Malaysia về vấn đề này vững chắc hơn trước các thế lực lớn.
Ông Hishamuddin cũng cho biết gần đây ông đã hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Malaysia tuyên bố cần giữ cho Biển Đông trở thành một tuyến hàng hải thương mại hòa bình.
Hãng tin Mỹ Bloomberg cho rằng bài phát biểu của ông Hishamuddin là một sự chỉ trích công khai hiếm hoi đối với Trung Quốc. Trước đó, Malaysia luôn tránh công khai cáo buộc Trung Quốc, mà chỉ nhắc lại rằng trọng tâm của họ là đảm bảo thương mại cởi mở ở Biển Đông.
Bloomberg cũng chỉ ra rằng sau khi Mỹ và Australia phủ quyết yêu sách chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc, Malaysia đã đệ trình các tài liệu liên quan đến vấn đề Biển Đông lên Liên Hợp Quốc để hưởng ứng hành động của Mỹ và Australia về vấn đề Biển Đông.
Tàu Hải cảnh của Trung Quốc được cho là hay xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia (Ảnh: Đa Chiều).
|
Ngày 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra tuyên bố nêu rõ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là "hoàn toàn phi pháp", bác bỏ cái gọi là "Đường biên giới 9 đoạn" và chỉ trích Trung Quốc đang mưu đồ kiểm soát Biển Đông bằng cách "bắt nạt". Đây là lần đầu tiên chính phủ Hoa Kỳ bày tỏ rõ quan điểm về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Ngày 23/7, Đại diện thường trực của Australia tại Liên hợp quốc đã gửi thư cho ông Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, từ chối công nhận các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển ở Biển Đông dựa trên cái gọi là "thực tiễn lịch sử lâu đời”.