Ngoại giao tên lửa của Iran lan tới Gaza như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự ủng hộ quân sự của Tehran được cho là đóng vài trò chủ chốt trong việc phát triển lực lượng tên lửa và cả kế hoạch quân sự tổng thể của Hamas.
Hàng loạt rocket được phóng từ Gaza tới Israel thắp sáng bầu trời đêm (Ảnh: AP)
Hàng loạt rocket được phóng từ Gaza tới Israel thắp sáng bầu trời đêm (Ảnh: AP)

Một trong những hình ảnh đặc biệt và đáng chú ý nhất trong cuộc xung đột Palestine-Israel mới đây chính là những cuộc đáp trả tên lửa trong đêm khiến bầu trời rực sáng, được đăng tải rộng rãi trên Twitter và các hãng tin khắp thế giới.

Rất nhiều đợt rocket, mỗi trái có chi phí chế tạo khoảng vài trăm USD, đã được người Palestine phóng ồ ạt sang lãnh thổ Israel nhằm áp đảo hệ thống phòng không”Vòm Sắt” của nước này. Lá chắn tên lửa công nghệ cao này đã phóng đi nhiều tên lửa đánh chặt tinh vi – có giá lên tới 50.000 USD mỗi quả - và tiêu diệt được phần lớn rocket trên không trung.

Quân đội Israel cũng thực hiện hàng loạt vụ không kích nhằm vào Gaza – được phong trào Hamas của người Palestine kiểm soát – trong đó sử dụng những loại vũ khí tối tân phần lớn được Mỹ cung cấp.

Bởi vậy mà cuộc xung đột này dường như là màn thể hiện ưu thế về công nghệ và quân sự của phía Israel.

Thế nhưng, “Israel có thể nhìn lại cuộc xung đột mới nhất và tự hỏi rằng liệu họ có thực sự muốn nó xảy ra lần nữa hay không”, Fabian Hinz, chuyên gia về phổ biến tên lửa ở Trung Đông và là cố vấn của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nói với Asia Times.

Sự thận trọng này một phần là do tầm ảnh hưởng của một quốc gia đối với cuộc xung đột kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua này. Quốc gia đó là Iran.

“Iran giờ đây rất, rất quan trọng với diễn biến (cuộc xung đột) xảy ra”, Imad Alsoos, chuyên gia người Palestine nghiên cứu về phong trào Hamas, thuộc Viện Max Plank ở Berlin, nói.

Sự hỗ trợ về mặt quân sự của Iran đóng vai trò chủ chốt với sự phát triển lực lượng tên lửa và kế hoạch quân sự tổng thể của Hamas.

Điều này cũng dựa vào một chiến lược mà Iran đã phát triển qua nhiều thập kỷ, nhằm mục đích khắc phục yếu điểm của họ là thiếu khả năng tiếp cận với những thứ vũ khí tinh vi, đó là nỗ lực thúc đẩy các chương trình rocket và tên lửa trong nước.

Rocket được phóng từ phía Nam Dải Gaza về phía lãnh thổ Israel vào ngày 17/5 (Ảnh: AFP)

Rocket được phóng từ phía Nam Dải Gaza về phía lãnh thổ Israel vào ngày 17/5 (Ảnh: AFP)

Theo Hinz, những trái rocket giờ đã được cái biến, với thiết kế và công nghệ mới được nhập khẩu sang Gaza để tiện cho việc sản xuất các phiên bản nội địa. Trong tương lai, những thứ vũ khí tự chế này cũng có thể trở thành những trái tên lửa dẫn đường có độ tinh vi nhất định.

“Những loại tên lửa này cho phép tấn công vào các cơ sở quân sự đặc biệt, nằm sâu trong lãnh thổ của bên thù địch”, Hinz nói. “Bạn có thể sử dụng những thứ này, dù cho địch thủ sở hữu lực lượng truyền thống ưu việt hơn. Việc họ triển khai chúng thực sự là một chiến lược thông minh”.

Chiến trận ở các thành phố

Chương trình tên lửa của Iran bắt đầu kể từ sau cuộc chiến Iraq-Iran diễn ra trong khoảng thời gian 1980-1988.

Các lực lượng của Tehran đã nhanh chóng đánh mất bầu trời vào tay lực lượng Iraq vốn được trang bị tốt hơn. Bởi vậy mà Iraq bắt đầu đánh bom nhiều thành phố của Iran. Để đối phó với điều này – và nhằm ngăn chặn các cuộc oanh tạc về sau – Iran đã khai hỏa nhiều tên lửa về phía các thành phố của Iraq.

“Chiến lược này phần nào đã có hiệu quả” – Hinz nói.

Chiến lược này hiệu quả đến nỗi sau này nó được đồng minh của Iran ở Lebanon, nhóm Hezbollah, áp dụng. Nhóm vũ trang này bắt đầu phóng tên lửa về lãnh thổ phía Bắc Israel như cách để đáp trả các đòn không kích của Iran.

Và chiến lược đó “vẫn hiệu quả”, Hinz nói, bởi vậy mà nó còn được áp dụng nhiều hơn kể từ sau cuộc chiến của Israel ở Lebanon năm 2006. Sau đó, “Iran đã nỗ lực trang bị cho tất cả các đồng minh của họ tên lửa và rocket”, Hinz nói.

Kết quả là ở thời điểm hiện tại, Hezbollah sở hữu kho vũ khí đáng gờm – trong đó có nhiều tên lửa dẫn đường – với nguồn cung trực tiếp mà Tehran đã đảm bảo được kể từ sau khi can thiệp vào chiến trường Syria năm 2011.

“Giờ, bất cứ cuộc chiến nào giữa Hezbollah và Israel đều trở thành một cơn ác mộng đối với cả hai bên” – Hinz nhận định.

Ảnh cắt từ clip cho thấy chiến binh Hezbollah sử dụng tên lửa tấn công xe quân sự của Israel vào năm 2019 (Ảnh: AFP)

Ảnh cắt từ clip cho thấy chiến binh Hezbollah sử dụng tên lửa tấn công xe quân sự của Israel vào năm 2019 (Ảnh: AFP)

Nhưng với Hamas, câu chuyện lại hoàn toàn khác.

Nhóm này ban đầu là một phần của tổ chức Anh em Hồi giáo, thời điểm những năm 1980, khi mà phong trào của người Palestine còn được thống trị bởi Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và nhân tố tiên phong của nó là Fatah do ông Yasser Arafat lãnh đạo.

Nhưng khi PLA dần dần từ bỏ việc sử dụng vũ khí nhằm vào Israel, thì Hamas vẫn tiếp tục. Khi mà sự hòa bình mà PLO muốn đảm bảo không mang lại nhiều sự cải thiện trong cuộc sống của người dân Palestine, thì đây là điều xảy ra.

Vốn ủng hộ cách mạng Iran – bất chấp thực tế rằng phần lớn người ủng hộ Hamas là người Hồi giáo dòng Sunni trong khi ở Iran phần lớn là người Shi’ite – Hamas đã phát triển quan hệ với Tehran. Đổi lại, Iran hỗ trợ cho Hamas về mặt tài chính và quân sự.

“Nhưng sau đó, vào năm 2011, trong cuộc nổi dậy ở Syria, Hamas ủng hộ phe nổi dậy, trong khi Iran ủng hộ nhà cầm quyền Bashar al-Assad” – ông Alsoos nói. Kết quả là Tehran cắt nguồn viện trợ tài chính cho Hamas. Tuy nhiên, Tehran lại không cắt nguồn viện trợ cho nhánh quân sự của Hamas là lữ đoàn al-Qassam.

Cũng trong khoảng thời gian này, Tehran quyết điịnh rằng các đồng minh của họ nên có khả năng tự chế tạo rocket thay vì cứ dựa vào các nguồn hàng từ Iran tuồn vào.

“Hamas bắt đầu phát triển khả năng chế tạo rocket của mình, dưới sự dẫn dắt của lực lượng tinh nhuệ Quds” – Hinz nói, nhắc tới lực lượng của Iran, một nhánh quan trọng của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Ở Gaza, lữ đoàn al-Qassam bắt đầu ctuwj chế tạo các loại rocket của mình nhờ sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu sẵn có. Những ống nước ngầm được tái chế thành ống phóng và phần thân tên lửa, trong khi đạn dược chưa nổ bị Israel bỏ lại sau cuộc chiến ở Gaza năm 2014 cũng là nguồn thuốc nổ phong phú.

Xác chiến hạm Anh bị dính ngư lôi từ Thế chiến I ở ngoài khởi Gaza cũng được tận dụng, khi mà Hamas cử thợ lặn đi mò được hàng tấn vỏ đạn cũ.

Đến tháng 5/2021, một lực lượng khá hùng mạnh đã được hình thành – bằng chứng rất rõ ràng là lữ đoàn al-Qassem đã phóng khoảng 4.300 rocket từ Gaza vào lãnh thổ Israel trong suốt 11 ngày chiến sự.

“Cũng có một số rocket của Iran trong số này”, ông Hinz nói. “Nhưng số lượng lớn rocket được phóng đã cho thấy kết quả của việc sản xuất nội địa”.

Giai đoạn tiếp theo thế nào?

Nhờ vào lệnh ngừng bắn ngày 21/5, những trái rocket phóng sang Israel đã tạm ngừng, ít nhất là ở hiện tại.

Cùng lúc, “nếu có một cuộc bầu cử ngay ngày hôm nay, Hamas sẽ giành chiến thắng cả ở Gaza và Bờ Tây”, ông Alsoos nói.

Một dàn phóng của hệ thống Vòm Sắt của Israel đặt tại thung lũng Hula (Ảnh: AFP)

Một dàn phóng của hệ thống Vòm Sắt của Israel đặt tại thung lũng Hula (Ảnh: AFP)

Về mặt quân sự, cuộc xung đột vừa qua đã củng cố vị thế của lữ đoàn al-Qassem.

Nhóm này giờ có thể tăng cường phát triển thêm các loại tên lửa, rocket tinh vi hơn, lấp đầy kho vũ khí của mình đến cấp độ khủng giống như của Hezbollah.

Còn đối với Iran, “điều này đã xác nhận chiến lược của họ là đúng đắn”, Hinz nói, nhưng “Israel cũng rất thông minh, bởi vậy họ chắc chắn cũng sẽ có điều gì đó khác biệt. Chúng ta hãy chờ đợi và chứng kiến”.

Mặc dù cả Palestine và Israel đã phải gánh chịu tổn thất không nhỏ trong cuộc chiến vừa qua, nhưng rất ít người dám chắc sẽ không còn thêm cuộc xung đột nào trong khu vực vốn đầy rẫy bất ổn này.