Theo tìm hiểu của VietTimes, HASG được HAG thành lập vào đầu năm 2018 (góp 49,5 tỷ đồng, tương đương 99% vốn điều lệ), hoạt động trong lĩnh vực thủy điện. Trong các báo cáo tài chính HAG công bố sau đó, HASG được ghi nhận đang trong giai đoạn đầu tư, chưa hoạt động. Tới Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 4/2019, HAG chỉ ghi nhận các công ty con trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, kinh doanh và dịch vụ.
Trước đó, vào cuối năm 2019, HAG đã chuyển nhượng toàn bộ 99,4% cổ phần đang nắm giữ tại CTCP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng thanh lý 2 công ty khác trong lĩnh vực thủy điện là Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu (Nậm Kông 2) và Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3. Đây là những doanh nghiệp cuối cùng được ghi nhận trong lĩnh vực thủy điện trên báo cáo tài chính của HAG.
Động thái giải thể HASG của HAG mới đây cho thấy quyết tâm của tập đoàn này khi rút khỏi lĩnh vực thủy điện, hay trước đó là bất động sản với việc thoái hết vốn tại HAGL Land, trong nỗ lực tái cấu trúc và chuyển hướng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp.
Trong năm 2019, HAG ghi nhận hơn 1.788,6 tỷ đồng các khoản lỗ khác, chủ yếu ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây, xóa sổ, đánh giá lại các tài sản không hiệu quả.
Một điểm nhấn đáng chú ý khác trong hoạt động tái cấu trúc của HAG là việc tập đoàn này giảm mạnh dư nợ vay trong năm 2019. Tính đến cuối năm ngoái, dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn của HAG đạt 14.698 tỷ đồng, giảm tới 7.055 tỷ đồng so với đầu năm.
Lũy kế cả năm, HAG ghi nhận doanh thu đạt 2.082 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với năm 2018. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu trái cây sụt giảm mạnh, cùng với việc không ghi nhận nguồn doanh thu từ bán bò, bất động sản, dịch vụ cho thuê.
Về kết quả kinh doanh, HAG báo lỗ sau thuế 1.609 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông công ty mẹ lãi 253,15 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2018. Lỗ sau thuế của cổ đông không kiểm soát là 1.862 tỷ đồng./.