Ngành công nghệ hiện đang cảm nhận được tác động của virus Corona. Nhiều công ty đa quốc gia đã đóng cửa văn phòng, nhà máy và cửa hàng của mình ở Trung Quốc, hạn chế nhân viên đi công tác đến Đại lục. Việc đóng cửa ban đầu dự kiến kéo dài đến hết tuần nghỉ Tết Nguyên đán cuối tháng Giêng, nhưng giờ đã kéo đến ngày 10/2 và vẫn chưa rõ bao giờ các chi nhánh tại Trung Quốc có thể quay trở lại hoạt động.
Những tác động ngắn hạn và dài hạn đã được dự đoán từ trước. Từ các sự kiện bị hoãn đến việc khó ra mắt sản phẩm mới vào dịp cuối năm do nguồn cung tại Trung Quốc bị đình trệ. Dưới đây là cái nhìn tổng quát về virus Corona đã ảnh hưởng đến ngành công nghệ thế giới như thế nào.
Đầu tháng này, các công ty công nghệ lớn tuyên bố họ sẽ đóng cửa tạm thời tất cả các văn phòng công ty, nhà máy sản xuất và cửa hàng bán lẻ trên khắp Trung Quốc. Các công ty này gồm Apple, Samsung, Microsoft, Tesla và Google. (Google gần đây cũng đã đóng cửa văn phòng ở Hồng Kông và Đài Loan). Hầu hết các công ty dự kiến sẽ đóng cửa đến hết 9/2, trong khi các công ty khác vẫn chưa xác định được khi nào sẽ mở cửa văn phòng trở lại.
Người đứng đầu của Apple, Deirdre O'Brien, đã viết trong một email nội bộ rằng các văn phòng dự kiến sẽ mở lại vào tuần này, còn các cửa hàng thì phải xem xét thêm. Apple cần tính đến các yếu tố như điều kiện y tế, dọn dẹp khử trùng và việc hạn chế công dân ở các khu vực công cộng, để ra quyết định về việc mở lại các cửa hàng. Theo Bloomberg, một số cửa hàng có thể được mở lại vào ngày 15/2 tới.
Amazon chưa tuyên bố đóng các văn phòng tại Bắc Kinh, Thẩm Quyến, Thượng Hải và Quảng Châu (hãng này không có văn phòng ở Vũ Hán – nơi khởi nguồn dịch bệnh), nhưng yêu cầu các nhân viên muốn đến Trung Quốc phải được sự chấp thuận của lãnh đạo công ty. Những nhân viên đã tới hoặc đi khỏi Trung Quốc được yêu cầu làm việc tại nhà trong 14 ngày để theo dõi trước khi quay lại nhiệm sở.
Mặc dù Facebook không có văn phòng tại Trung Quốc nhưng hãng này cũng khuyến cáo nhân viên không đến Đại lục nếu không có việc cần thiết. LG và Razer cũng đưa ra những lời khuyên tương tự.
Việc khách du lịch có thể đến Trung Quốc hay không lại là một vấn đề khác, bởi vì hơn 50 hãng hàng không trên toàn thế giới đã tạm dừng các chuyến bay trong và ngoài nước.
Vì nhiều sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc (hoặc sử dụng các linh kiện từ các nhà cung cấp Trung Quốc) nên nhiều chuyên gia phân tích thị trường đã đưa ra những đánh giá rằng các sản phẩm như điện thoại thông minh, tai nghe VR, xe hơi và các phụ kiện công nghệ khác sẽ thiếu hụt hoặc trì hoãn ngày ra mắt.
Chẳng hạn việc Foxconn và Pegatron ngừng lắp ráp sẽ khiến cho số lượng iPhone và AirPods xuất xưởng bị hạn chế (hai nhà máy này chịu trách nhiệm lắp ráp gần như toàn bộ số lượng iPhone phát hành trên thế giới).
Thứ 7 tuần trước (8/2), tờ Nikkei Asia đưa tin Trung Quốc đã bác yêu cầu mở lại nhà máy ở Thẩm Quyến của Foxconn do chưa đảm bảo các yêu cầu an toàn cho công nhân trong khi dịch bệnh vẫn đang hoành hành. Foxconn cũng quyết định tiếp tục đóng cửa nhà máy ở Trịnh Châu chờ ý kiến chính phủ.
Facebook cũng đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới cho kính thực tế ảo Oculus Quest mới nhất của mình, với lý do việc sản xuất bị gián đoạn bởi virus Corona. Trong một email trả lời tờ Android Central, đại diện Facebook cho biết: “Giống như một số công ty khác, việc sản xuất của chúng tôi đã bị ảnh hưởng bởi virus Corona. Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo sự an toàn cho các nhân viên, đối tác sản xuất và khách hàng. Chúng tôi đang xem xét sẵn sàng cho các tình huống xảy ra và sẽ sớm khởi động lại việc sản xuất khi có thể”.
Hồi cuối năm ngoái, rất nhiều khách hàng đã đặt trước kính Oculus Quest. Lịch nhận hàng là đầu tháng 2 năm nay. Nhưng bây giờ, do dịch bệnh nên lịch hẹn đã dời lại xuống mùng 10 tháng 3.
Đối với những người yêu thích mẫu điện thoại gaming ROG Phone II, hãng Asus đã thông báo với khách hàng rằng mẫu điện thoại này chưa thể lên kệ do ảnh hưởng của virus Corona.
Do đóng cửa nhà máy nên mẫu xe điện Tesla Model 3 cũng đang bị trì hoãn giao tới tay khách hàng. Đại diện hãng này cho biết việc giao hàng có thể được thực hiện trong một hoặc một tuần rưỡi tới.
Apple Store tại Trung Quốc đã bị đóng cửa do lo ngại về dịch bệnh
|
Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Các thương hiệu Trung Quốc cũng gặp tình trạng đình trệ trong sản xuất trong đó có Oppo, Lenovo, Xiaomi và Huawei. Các công ty phụ thuộc vào cung ứng từ Hồ Bắc, chẳng hạn như Lenovo, bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đối với các công ty như Huawei có hoạt động tại Quảng Đông thì tình hình ít nghiêm trọng hơn. Hiện tại không có công ty nào có thể tiếp tục cho hoạt động các nhà máy với 100% công suất.
Tương tự, các sản phẩm mới dự kiến ra mắt trong đầu tháng 2 của nhiều công ty hiện cũng bị trì hoãn vì dịch viêm phổi Vũ Hán. Có thể kể đến máy chơi game Nintendo Switch cùng phụ kiện và game đi kèm (trong đó có game Animal Crossing, Ring Fit Adventure và The Outer World).
Nhiều công ty công nghệ đã quyết định không tham dự hội nghị Mobile World Congress sắp diễn ra tại Barcelona. Nvidia, LG Electronics, ZTE và Ericsson quyết định thu nhỏ quy mô tham dự hoặc rút hoàn toàn khỏi sự kiện này, viện dẫn những rủi ro tiềm ẩn của virus Corona.
Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng mức cảnh báo về virus Corona lên thành Khẩn cấp trên Toàn cầu, nhưng không nhất thiết các công ty phải hủy bỏ tham dự sự kiện như Mobile World Congress. Hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy virus có sự lây lan ở các nước thuộc Cộng đồng châu Âu, vì thế WHO và EU không nên yêu cầu hủy bỏ các sự kiện lớn – một phát ngôn viên của WHO nhận định.
Huawei, dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị của các nhà phát triển vào tuần tới, cũng đã hoãn sự kiện này cho đến cuối tháng 3. Vòng thứ hai của giải đấu Liên minh Huyền thoại cũng đã bị hoãn vô thời hạn kể từ ngày 26 tháng 1. Tài khoản Twitter của giải đấu cũng không có cập nhật gì kể từ đó. Tương tự, Blizzard đã thông báo rằng các trận đấu của Overwatch League vào tháng 2 và tháng 3 đã bị hủy bỏ. Còn Liên đoàn Ô tô Quốc tế (FIA) cũng đã dừng kế hoạch tổ chức vòng đua Formula E vào cuối tháng 3 tới.