Vì sao ngân sách cần vay tiền từ nguồn dự trữ ngoại hối do NHNN quản lý?
Ngân sách quốc gia đang chịu áp lực thiếu tiền để chi tiêu, đặc biệt chi cho đầu tư phát triển. Những nỗ lực của cơ quan hành thu bốn tháng đầu năm nay đã nâng số thu ngân sách tăng đáng kể so với cùng kỳ, trong khi mức bội chi cùng thời gian trên đạt 48.550 tỉ đồng, bằng 21,5% dự toán năm, theo báo cáo của Bộ Tài chính. Tỷ lệ bội chi so với dự toán năm như thế tương đối thấp. Tính ra số tuyệt đối, bội chi năm nay ước 225.814 tỉ đồng, tức còn bội chi 177.264 tỉ đồng trong tám tháng còn lại của năm.
Tiền đâu bù đắp bội chi luôn là câu hỏi thường trực. Ngoài vay nước ngoài, hàng năm Bộ Tài chính phải phát hành trái phiếu trong nước bằng tiền đồng để bù đắp bội chi. Năm nay kế hoạch phát hành trái phiếu được ấn định 250.000 tỉ đồng, trong đó có cả lượng phát hành để bù cho số trái phiếu đáo hạn trong năm là 150.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên hết tháng 4, theo Bộ Tài chính, trái phiếu mới phát hành được 64.516 tỉ đồng, thấp hơn hẳn so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu trừ đi số trái phiếu đáo hạn, số tiền phát hành thu về có thể không đủ bù đắp bội chi ở mức cần thiết.
Đấy là thu tiền đồng. Về thu ngoại tệ, do giá dầu thô giảm mạnh bốn tháng vừa qua, theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất dầu thô giảm 1 tỉ đô la Mỹ so với cùng kỳ. Từ trước đến nay, nguồn thu từ xuất khẩu dầu vẫn do Bộ Tài chính quản lý, được sử dụng để cân đối ngân sách, vay - trả nợ nước ngoài. Nguồn thu này giảm, nghĩa là ngân sách chịu thêm áp lực thứ hai.
Áp lực thứ hai gần như bất khả kháng vì Việt Nam không thể can thiệp vào giá dầu thô quốc tế. Nhưng áp lực thứ nhất từ phát hành trái phiếu trong nước có thể tháo gỡ được. Sở dĩ trái phiếu bán rất chậm trong tháng 3 và tháng 4, có thể còn chậm hơn trong những tháng tới, là do các ngân hàng giảm mua. Các ngân hàng trong nước không còn thừa vốn như trước đây do tín dụng tăng trở lại và do sự mất cân đối vốn giữa khu vực tổ chức tín dụng nội địa và ngân hàng nước ngoài (xem bài Tín hiệu không lời của tiền tệ trên TBKTSG số 18, ngày 30-4-2015).
Các ngân hàng nước ngoài đang thừa vốn thì lại không thể mua thêm trái phiếu, mà còn tranh bán với Bộ Tài chính vì Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 1-2-2015 quy định họ chỉ được mua trái phiếu tối đa bằng 15% nguồn vốn ngắn hạn. Trước ngày Thông tư 36 có hiệu lực, các ngân hàng nước ngoài và cả Bộ Tài chính đã đề nghị NHNN xem xét lại quy định này, song NHNN vẫn giữ nguyên.
Để giải quyết nút thắt khó phát hành trái phiếu, hiện chỉ cần NHNN điều chỉnh quy định trên của Thông tư 36, mà thực ra không hề đụng chạm đến mục đích chính của thông tư này về tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chống sở hữu chéo. Không biết vì lý do gì mà NHNN từ chối điều chỉnh?
Quỹ dự trữ ngoại hối có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia. Nguồn ngoại tệ của quỹ trước mắt và ngắn hạn có thể chưa được sử dụng ngay. Ngoài các chi tiêu cần thiết của đất nước, nó được dùng để đảm bảo an ninh tiền tệ, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng tài chính. Không ít nước đã bị giới đầu cơ tiền tệ quốc tế “tấn công” do sự suy giảm của quỹ dự trữ ngoại hối.
Đồng tiền Việt chưa chuyển đổi được nên nguy cơ bị tấn công từ bên ngoài hầu như không có. Song, như thế không có nghĩa là thị trường tiền tệ của ta an toàn tuyệt đối, miễn nhiễm tác động của thị trường tài chính toàn cầu.
Việc ngân sách vay tiền của quỹ dự trữ ngoại hối, do vậy, chỉ có thể mang tính nhất thời và mức độ vay cũng cần giới hạn ở một số lượng nhất định. Nên nhớ ngân sách vay, theo chỉ đạo của Chính phủ, để “bổ sung vốn đầu tư phát triển”, tức là chi bằng tiền đồng. Bộ Tài chính sẽ phải qua công đoạn vay ngoại tệ và đổi ra tiền đồng để chi.
Việc chuyển đổi liệu có ảnh hưởng đến cung tiền, đến hoạt động bơm/hút để điều tiết thị trường, thanh khoản của NHNN? Ngân sách sẽ tìm nguồn nào để trả lại quỹ dự trữ? Một sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên tài chính - tiền tệ phải được thực tế hóa, cân đong đo đếm để tránh những “tác dụng phụ” khó lường.
Nếu giá dầu thô quốc tế tăng trở lại, Bộ Tài chính sẽ có thêm nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu dầu, hoặc cơ quan quản lý ngân khố quốc gia sẽ phải tăng cường vay nợ nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu quốc tế.
Tháng trước, đại diện Bộ Tài chính đã đề cập việc phát hành 1 tỉ đô la Mỹ trái phiếu quốc tế năm nay. Hiện định mức tín nhiệm của Việt Nam theo đánh giá của các hãng Standard & Poor’s, Moody’s đã được cải thiện nhiều. Phát hành trái phiếu quốc tế trước thời điểm Mỹ công bố nâng lãi suất đồng đô la có thể là một cơ hội tốt và không nên bỏ qua.
Theo TBKTSG