Thỏa thuận này diễn ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận mua S-400 trị giá 2,5 tỷ USD với Nga, và trong lúc Ai Cập đang tiến hành đàm phán với Nga về S-400. Ai Cập đã trang bị hệ thống S-300VM (còn gọi là Antey 2500) có khả năng đánh chặn các loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, tên lửa hành trình, vũ khí dẫn đường chính xác, máy bay chiến lược và chiến thuật, cũng như máy bay tác chiến điện tử và cảnh báo sớm (S-400 ban đầu có tên là S-300 PMU-3).
Trong số các nước sở hữu hệ thống S-300 có Hy Lạp, một đồng minh của NATO. Hy Lạp đã nhận S-300 từ Cộng hòa Síp khi Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ gây chiến với Síp trừ khi nước này từ bỏ hệ thống tên lửa của mình. Vì vậy, Síp đã trao S-300 cho Hy Lạp nhằm xoa dịu khủng hoảng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài Hy Lạp, nhiều nước khác cũng trang bị hệ thống này. Có thể kể tên một vài nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Ukraine, Venezuela và một thành viên NATO là Bulgaria.
Nhưng hơn hẳn S-300, S-400 là một yếu tố làm thay đổi thực sự cuộc chơi. Lý do là vì S-400 có thể phóng 4 loại tên lửa đánh chặn khác nhau, gồm tên lửa có tầm bắn rất xa 40N6E (400 km), tầm xa 48N6 (250 km), 9M96E2 (120 km), và tầm ngắn 9M96E (40 km). Trong khi đó, hệ thống Patriot của Mỹ chỉ trang bị duy nhất một loại tên lửa đánh chặn có tầm bắn 96 km.
Không chỉ có vậy, ông Bryen đánh giá một trong những điểm vượt trội của S-400 là đạn tên lửa 9M96E2. Loại tên lửa này có tốc độ tối đa Mach 15 (khoảng 5.000 mét/giây hay 18.500 km/h), có thể đánh chặn các mục tiêu bay rất thấp cách mặt đất tầm 5 mét, và có thể di chuyển với sức đẩy lên đến 20G (con người chỉ chịu được lực gia tốc tối đa 9G trong một vài giây ngay cả khi được trang bị quần áo và mũ bảo hộ chịu áp suất đặc biệt). Nó được thiết kế để tiêu diệt các máy bay trinh sát và tên lửa bay gần mặt đất, cũng như vô hiệu hóa các loại tên lửa hành trình.
Tiến sĩ Carlo Kopp, một trong những chuyên gia hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới, cho biết S-400 sở hữu các radar dò sóng ngẫu nhiên được thiết kế với mục đích phát hiện và tiêu diệt các máy bay tàng hình hiện đại như F-22 và F-35. Chúng hoạt động ở nhiều dải tần số gồm cả dải tần VHF và L để có thể phát hiện các chiến đấu cơ tàng hình.
Các máy bay tàng hình đã được chế tạo dựa trên khả năng phát hiện kém của các radar có dải tần X-band, loại radar quân sự và dân dụng phổ biến nhất (những radar có dải tần khác như C-band, bây giờ gọi là dải tần G/H ít được sử dụng hơn). Tính năng tàng hình F-35 được trang bị chủ yếu ở phía trước của máy bay, nghĩa là một khi quay đầu khỏi mục tiêu, F-35 rất dễ bị tấn công. Theo thời gian, ông Bryen cho rằng toàn bộ hệ thống phòng không chủ yếu dựa trên dải tần X của Mỹ và đồng minh sẽ trở nên lỗi thời khi Trung Quốc và Nga chuyển sang tên lửa và máy bay tàng hình.
Cùng với những cải tiến về radar (có thể Nga sẽ giao hoặc không giao cho khách hàng nước ngoài), Nga giờ đây đã sở hữu một hệ thống phòng không tích hợp đáng gờm, mặc dù quy mô phi đội máy bay hiện đại của Nga khá khiêm tốn so với Mỹ và NATO. Nga đã mất một thập niên trong cuộc chạy đua vũ trang khi không có ngân sách để phát triển và chế tạo máy bay mới, và nền kinh tế Nga hiện nay cũng không dư dả hỗ trợ mua đủ số lượng thiết bị mới.
Quả thực, một trong những lý do Nga phát triển hệ thống phòng không để chống lại máy bay tàng hình và tên lửa hành trình của Mỹ là vì Nga không đủ khả năng xây dựng một đội hình máy bay chiến đấu hiện đại quy mô lớn. (chính quyền và quốc hội Mỹ nên chú ý đến khả năng tấn công của Nga, vốn đang bị lơ là do sự hiếu chiến chống Nga ở Washington hiện nay).
Một tính năng của tên lửa tầm xa S-400 là chống lại các hệ thống tấn công ngoài tầm hỏa lực phòng thủ gồm các sở chỉ huy trên không và máy bay như E-3 Sentry có khả năng cảnh báo sớm của Mỹ. Những chiếc máy bay này, được Mỹ và các đồng minh NATO sử dụng với một phi đội đóng tại căn cứ không quân Kadena, Nhật Bản và Al-Dhafra, UAE, rất dễ bị S-400 bắn hạ và mất khả năng bảo vệ ngoài tầm hỏa lực phòng thủ. Theo ông Bryen, năng lực của hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm (AWACS) được thiết kế lần đầu vào những năm 1960 có lẽ đã đạt tới giới hạn cuối cùng.
S-400 cũng có khả năng chống lại tên lửa đạn đạo, một tính năng chắc chắn thu hút sự quan tâm của Ả Rập Xê-út. Nhưng S-400 đánh chặn tên lửa đạn đạo hiệu quả như thế nào thì chưa ai biết rõ.
Quyết định mua S-400 của Ả Rập Xê-út có khả năng liên quan tới việc mua S-300VM trước đây và mong muốn trang bị S-400 hiện nay của Ai Cập. Ả Rập Xê-út và các quốc gia vùng Vịnh khác chắc hẳn đã phải chịu nhiều hậu quả do vũ khí của Ai Cập gây ra.
Nga rõ ràng đã tạo được một bước đột phá khi bán vũ khí cho một số quốc gia có tương lai bất định trong khối NATO (ví dụ Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ) và các khách hàng thân tín của Mỹ như Ả Rập Xê-út và các quốc gia vùng Vịnh khác như UAE. Mới đây, Nga cho biết UAE chỉ mấy tháng nữa là mua tiêm kích đa năng Su-35, "át chủ bài" trong phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Nga hiện tại.
Bước đột phá của Nga có ý nghĩa quan trọng về mặt công nghệ. Hiện giờ, Mỹ không có bất kỳ vũ khí nào có thể xứng làm đối thủ ngang tầm với hệ thống S-400 của Nga. Theo ông Bryen, Mỹ nên lo lắng khi thấy hệ thống này đang được bán rộng ra thế giới, và Mỹ nên làm gì đó trước khi mọi chuyện trở nên quá tệ và quá muộn để can thiệp.