NDN, L14 “ôm lỗ” trăm tỉ vì đầu tư chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Từng là cứu cánh trong những năm Covid nhưng chứng khoán đầu tư đang trở thành “gánh nặng” cho không ít doanh nghiệp. Có thể kêt đến như NDN, L14 với những khoản lỗ hàng chục, thậm chí là trăm tỉ đồng.

CTCP Đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (Mã CK: NDN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022 với tổng doanh thu đạt 10,9 tỉ đồng, giảm 95,4% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi chi phí, công ty này báo lỗ sau thuế 114,2 tỉ đồng (cùng kỳ năm ngoái báo lãi 84,8 tỉ đồng).

Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận trong kỳ sụt giảm nghiêm trọng là do “thị trường chứng khoán có nhiều biến động tiêu cực nên hoạt động đầu tư tài chính không hiệu quả”.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, NDN báo lỗ sau thuế 90,8 tỉ đồng (nửa đầu năm 2021 báo lãi 132,9 tỉ đồng). Trong đó, công ty này lỗ hơn 39 tỉ đồng từ đầu tư chứng khoán.

Nên biết, trong năm 2021, hoạt động đầu tư chứng khoán mang về cho NDN khoản lãi lên tới 92,7 tỉ đồng.

Năm ngoái, đại dịch Covid-19 bùng phát diện rộng khiến hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực bị “đóng băng”. Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính được xem như một ‘cứu cánh’, mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ.

Kết hợp với yếu tố “tiền rẻ”, trong năm 2021, nhiều doanh nghiệp không ngần ngại “ôm tiền” lên thị trường chứng khoán. Không ít trong số đó đã “thắng đậm” nhờ đầu tư cổ phiếu.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, dòng tiền đầu tư của nhiều doanh nghiệp dần được rút ra khỏi thị trường để quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán có nhiều biến động tiêu cực.

Ngoài NDN, trong quý 2/2022, CTCP Licogi 14 (Mã CK: L14) cũng báo lỗ sau thuế tới 346,3 tỉ đồng. Nguyên nhân là do L14 phải chịu khoản chi phí tài chính lên tới 402,2 tỉ đồng, chủ yếu là dự phòng giảm giá các khoản đầu tư.

Tính đến ngày 30/6/2022, khoản mục chứng khoán kinh doanh của L14 đạt 688,5 tỉ đồng (chiếm 86,8% tổng tài sản), giảm nhẹ 1,7% so với thời điểm cuối quý 1/2022 nhưng vẫn tăng tới 41,6% so với thời điểm đầu năm.

Đáng chú ý, L14 đã phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh tới 379,5 tỉ đồng, trong khi con số này ở cuối quý 1/2022 chỉ là 4,5 tỉ đồng.

Nhà Đà Nẵng: Bán chứng khoán, mang tiền gửi ngân hàng, mua trái phiếu?

Trong nhiều năm qua, ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi là bất động sản, NDN còn được biết tới là một “tay chơi” kỳ cựu trên thị trường chứng khoán, với danh mục đầu tư lên tới hàng trăm tỉ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản.

Tại ngày 30/6/2022, NDN ghi nhận 847,2 tỉ đồng ở khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm 60,5% tổng tài sản của công ty.

Trong đó, các khoản tiền gửi có kỳ hạn đạt 587 tỉ đồng, tăng 18% so với thời điểm cuối quý 1/2022. NDN cũng dành hơn 40 tỉ đồng đầu tư trái phiếu – số trái phiếu này mới chỉ được công ty mua vào ngay trong quý 2/2022.

Trong khi đó, khoản mục chứng khoán kinh doanh của NDN ghi nhận giá trị 310,6 tỉ đồng, giảm tới 35% so với thời điểm cuối quý 1/2022.

Điều này cho thấy, NDN nhiều khả năng đã bán bớt một lượng cổ phiếu trong danh mục đầu tư chứng khoán để lấy tiền gửi ngân hàng và mua trái phiếu.

Danh mục chứng khoán kinh doanh của NDN tại ngày 30/6/2022

Danh mục chứng khoán kinh doanh của NDN tại ngày 30/6/2022

Động thái dịch chuyển dòng tiền đầu tư của NDN diễn ra cùng thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam bị điều chỉnh mạnh. Trong quý 2/2022, chỉ số VN-Index đại diện cho Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã giảm hơn 20%.

Tại ngày 30/6/2022, danh mục đầu tư chứng khoán của NDN chủ yếu là các cổ phiếu như: SHB (124 tỉ đồng), VHM (88,7 tỉ đồng), TCB (59,1 tỉ đồng), ABB (19,1 tỉ đồng) và VNM (8,1 tỉ đồng). DND cũng phải trích lập dự phòng tới 90,4 tỉ đồng cho các khoản đầu tư này./.