Năm ảm đạm của các nhà thầu xây dựng

Những đơn vị phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam đều công bố kết quả kinh doanh ảm đạm trong năm 2019.
Lợi nhuận của Công ty Xây dựng Hòa Bình giảm 34%
Lợi nhuận của Công ty Xây dựng Hòa Bình giảm 34%

Công ty cổ phần xây dựng Coteccons (Coteccons) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2019 kém tích cực. Kể từ đầu năm đến nay, lợi nhuận của Coteccons liên tục suy giảm. Lũy kế cả năm 2019, công ty ghi nhận 23.733 tỷ doanh thu, giảm 17% so với cùng kỳ. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 711 tỷ đồng, giảm tới 53%.

Hồi đầu năm, nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam đã đưa ra một mục tiêu kinh doanh khiêm tốn song so với kế hoạch được đặt ra, công ty cũng mới chỉ hoàn thành 88% chỉ tiêu doanh thu và 68% chỉ tiêu lợi nhuận.

Lý do được Coteccons đưa ra cho hoạt động kinh doanh yếu kém đó là do những khó khăn chung của ngành xây dựng. Các dự án bất động sản đã ký nhưng ngưng triển khai hoặc triển khai chậm, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xây dựng trong giai đoạn đấu thầu do nguồn việc ít.

Lợi nhuận gộp giảm do một số công trình có thời gian thi công lâu hơn dự kiến làm tăng chi phí cố định. Bên cạnh đó, áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đến ngưỡng bão hòa, các nhà thầu xây dựng cũng đang phải đối mặt với giông bão. Chung hoàn cảnh với Coteccons, “người anh em” Công ty Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) cũng có một năm kinh doanh thất vọng.

Công ty ghi nhận doanh thu năm 2019 đạt 8.144 tỉ đồng, giảm 12% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 300 tỉ đồng, giảm 29%. Ricons có mức lợi nhuận gộp biên tốt hơn so với Coteccons, khoảng 6%, tuy nhiên vẫn giảm so với năm ngoái.

Tổng tài sản cuối kì của Ricons ở mức gần 5.800 tỉ đồng, trong đó chiếm 63% là các khoản thu ngắn hạn của khách hàng.

Nhà thầu số 2 thị trường là Công ty Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình) cũng không khá khẩm hơn. Cả năm 2019, doanh thu của Hòa Bình tăng đạt 18.647 tỉ đồng; song lợi nhuận sau thuế ở mức 407,3 tỉ đồng, giảm 34,3% so với năm trước. Mức lợi nhuận này thậm chí còn có thể giảm sâu hơn nữa nếu Hòa Bình không ghi nhận một khoản lợi nhuận khác đột biến lên tới 120,8 tỷ đồng trong quý 4.

Hoạt động kinh doanh của các công ty xây dựng giảm sâu đến từ việc chậm tiến độ xây dựng tại một số dự án lớn, đồng thời công ty cũng không ký được thêm nhiều hợp đồng xây dựng dự án bất động sản mới từ đầu năm đến nay. Cuối năm 2019, các khoản phải thu ngắn hạn của Hòa Bình đạt 11.778 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng chiếm 6.328 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn khác gần 1.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh hoạt động xây dựng không thuận lợi, Hòa Bình có ý định chuyển hướng kinh doanh khi lập quỹ đầu tư bất động sản, chứng khoán. Cuối tháng 9/2019, Hòa Bình hợp tác với IBG giới thiệu Quỹ Đầu tư Hòa Bình Infinity, mục tiêu quản lý các nguồn quỹ, vốn và khởi tạo ra các công cụ quản trị tài chính hiệu quả theo đặc thù của ngành xây dựng để thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh và phát triển thị trường nước ngoài.

Sang năm 2020, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành xây dựng được dự báo tiếp tục ảm đạm khi thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HOREA) nhận định, có thể phải đến quý 3/2020, thị trường bất động sản mới phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Theo TheLeader