Hồi tuần trước, cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC 2018) do Mỹ tổ chức đã mở màn ở đảo Hawaii. Tham gia cuộc tập trận này có tới 25 quốc gia.
Điều đáng quan tâm là, cuộc tập trận này thiếu vắng Trung Quốc do bị Mỹ hủy lời mời tham dự vì Trung Quốc đã vi phạm “cam kết”, tiến hành quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông.
Hãng tin CNN Mỹ dẫn lời một sĩ quan Mỹ cho biết Trung Quốc vắng mặt có nghĩa là đã mất đi cơ hội thiết lập quan hệ cá nhân chuyên nghiệp và tiềm năng với các đồng nghiệp hải quân trong khu vực và trên thế giới.
Đối với vấn đề này, chuyên gia quân sự hải quân Trung Quốc Trương Quân Xã cho rằng: “Mỹ hủy bỏ lời mời tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018 thực chất cũng đã để mất một cơ hội tìm hiểu quân đội Trung Quốc”.
Peter Layton, học giả thỉnh giảng của Viện nghiên cứu châu Á Griffith, Australia cho rằng Mỹ biết cách phô trương sức mạnh quân sự của mình và của đối tác. Tuy nhiên, trong cuộc tập trận lần này vẫn vắng mặt một số nước Đông Nam Á như Campuchia, Myanmar, Lào.
Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2014.
|
Trong khi đó, cuộc tập trận trên biển giữa Trung Quốc và ASEAN lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 8/2018 do Trung Quốc dẫn đầu lại có sự tham gia đầy đủ của 10 nước ASEAN.
Theo tờ UDN Đài Loan ngày 1/7, các nước xung quanh Biển Đông lần đầu tiên tham gia cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương cho thấy Mỹ đang triển khai chiến lược ở Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc mở rộng vai trò ảnh hưởng.
Nếu Mỹ tiếp tục thúc đẩy các hành động tự do hàng hải, tiếp tục từ chối mời Trung Quốc tham gia tập trận, lôi kéo các nước châu Âu như Pháp, Anh tham gia tập trận, thì tình hình căng thẳng Biển Đông có thể mất kiểm soát.
Nhà nghiên cứu Sayers từ Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ cho rằng cuộc tập trận này nhằm răn đe Trung Quốc. Còn nhà nghiên cứu hải quân Singapore Collin Koh cho rằng bất đồng Trung - Mỹ trong tranh chấp biển ngày càng lớn, tuy Trung Quốc và Mỹ cho biết sẵn sàng duy trì đối thoại thẳng thắn, nhưng do hoạt động của quân đội hai nước ở vùng biển tranh chấp có cường độ lớn, “tôi dự đoán trong tương lai có thể xảy ra sự cố xung đột bất ngờ”.
Theo chuyên gia Trung Quốc Trương Quân Xã, giao lưu quân đội hai nước Trung - Mỹ bao gồm tập trận là cùng có lợi, không phải là một sự ban ơn của một bên đối với bên khác. Bất chấp cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018, nhưng dưới sự nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước trong khu vực, tình hình có xu thế hòa dịu, hạ nhiệt, phát triển tích cực.
Tàu chiến các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines và Singapore tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018. Ảnh: Singapore Ministry of Defence.
|
Trương Quân Xã còn nhấn mạnh, các nước trong đó có các bên đương sự trực tiếp tranh chấp Biển Đông như Philippines và Việt Nam đều nhất trí giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông bằng con đường đối thoại, đàm phán. Vì vậy, Mỹ sẽ không đạt được ý đồ thông qua cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương để “phân hóa” các nước trong khu vực.
Hãng tin CNN Mỹ cho rằng Bắc Kinh vẫn chưa thể hiện rõ bất cứ sự “ghen ghét, đố kỵ” nào đối với cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương. Ngày 26/6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, căn cứ vào đồng thuận giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng Trung Quốc và các nước ASEAN, trong năm 2018, Trung Quốc và 10 nước ASEAN sẽ tổ chức tập trận trên biển để tăng cường lòng tin, mở rộng giao lưu, hợp tác, bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực.
Chuyên gia Trương Quân Xã cho rằng: “Điều này tiếp tục cho thấy Trung Quốc và các nước ASEAN có nguyện vọng chung bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực Biển Đông. Nếu các nước ngoài khu vực không vô cớ sinh sự, hòa bình và ổn định của Biển Đông sẽ không thành vấn đề”.
Wallace Gregson, người từng làm Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương cho rằng về quân sự, Trung Quốc không tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018 hoàn toàn không bị tổn thất gì đáng kể.
Wallace Gregson nói: “Về quân sự, không có nhiều ảnh hưởng, bởi vì họ vốn sẽ điều tàu gián điệp đến để do thám. Tôi nghi ngờ họ đã biết tất cả tình hình cuộc tập trận này, bao gồm các năng lực của chúng tôi”.
Giáo sư Trương Gia Đống, Viện nghiên cứu Mỹ, Đại học Phục Đán, Trung Quốc cho rằng những năm gần đây, cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương được tổ chức 2 năm 1 lần, mục tiêu chiến lược rất rõ ràng, đó là khẳng định quyền lãnh đạo quân sự của Mỹ, lôi kéo đồng minh, khẳng định địa vị cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, không có ý gì mới.
Theo Trương Gia Đống, Mỹ có thể thực sự đã từ bỏ quyền lãnh đạo trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn thương mại. Mỹ tạm thời không cần tới quyền lãnh đạo về kinh tế, hiện có thể thể hiện địa vị lãnh đạo và bá quyền trên phương diện quân sự. Vì vậy, Mỹ muốn phô trương điều này để “thể hiện mình là lãnh đạo thế giới”.