Sau thông báo của Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại vào tuần trước về việc cập nhật danh sách kiểm soát xuất khẩu các công nghệ tiên tiến như điện toán lượng tử và sản xuất chất bán dẫn, Hạ viện Mỹ trong tuần này đã đưa thêm ít nhất 4 mặt hàng nữa liên quan đến cấm xuất khẩu.
Hiệu quả các đòn trừng phạt còn hạn chế
Mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể hạn chế nghiêm trọng khả năng của Trung Quốc trong việc tiếp thu công nghệ và thiết bị tiên tiến, nhưng vẫn có những dấu hiệu cho thấy các chính sách và quy định hiện hành có nhiều kẽ hở và các biện pháp kiểm soát có hiệu quả hạn chế.
TechanaLye, tổ chức nghiên cứu ngành bán dẫn Nhật Bản sau khi tháo dỡ và phân tích một chiếc điện thoại di động Huawei, đã phát hiện sức mạnh chip Trung Quốc thực tế đã đạt đến mức chỉ kém chip của TSMC 3 năm, khác hẳn so với dự đoán trước đây của bên ngoài.
Ông Yoji Shimizu, chủ tịch của tổ chức có thẩm quyền chuyên tháo dỡ 100 loại sản phẩm điện tử mỗi năm này, nói với Nikkei vào cuối tháng trước: “Cho đến nay, các biện pháp kiểm soát của chính phủ Mỹ chỉ làm chậm lại được một chút sự đổi mới công nghệ của Trung Quốc, nhưng đã thúc đẩy sự tự chủ sản xuất của họ trong ngành bán dẫn".
Ngoài thông tin Trung Quốc lách lệnh cấm của Mỹ thông qua nhiều kênh, Reuters cũng đưa tin rằng những lỗ hổng hiện tại cũng cung cấp cho Trung Quốc những kênh không rõ ràng là bất hợp pháp. Gần đây cũng có tin sau khi nghiên cứu các tài liệu đấu thầu của Trung Quốc, thấy rằng mặc dù Mỹ cấm xuất khẩu các loại chip trí tuệ nhân tạo (AI) cao cấp sang Trung Quốc, nhưng các công ty Trung Quốc vẫn có thể có được chức năng của những con chip đó thông qua các dịch vụ đám mây do Amazon hoặc các đối thủ cạnh tranh cung cấp.
Tim Fist, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập, cho biết Mỹ khoảng một năm trước đã đưa ra một vòng kiểm soát xuất khẩu mới, nhưng do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và các quốc gia khác có sự khác nhau và sự hạn chế trong kinh phí và quyền hạn của các cơ quan chính phủ, một số công nghệ và thiết bị tiên tiến vẫn có thể tiếp tục rơi vào tay Trung Quốc.
Tim Pfist cho truyền thông biết: “Mỹ cho rằng cần phải xem xét lại các biện pháp như giám sát và thực thi pháp luật, vì toàn bộ quá trình hiện nay không được suôn sẻ”.
Cùng các đồng minh ngăn chặn và bịt chặt kẽ hở
Tuần trước, một ngày sau khi Mỹ công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất; ngày 6/9, chính phủ Hà Lan cũng tuyên bố sẽ mở rộng yêu cầu cấp phép xuất khẩu đối với nhà sản xuất thiết bị chip ASML của nước này. Điều này có nghĩa là nếu không có sự chấp thuận chung của chính phủ Mỹ và Hà Lan, Trung Quốc sẽ không thể có được thiết bị in thạch bản DUV (tia cực tím) tiên tiến nhất.
Mặc dù các đồng minh của Mỹ cũng có những quy định kiểm soát xuất khẩu riêng nhưng chúng ít nghiêm ngặt hơn nhiều. Một báo cáo hồi tháng 2 năm nay của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, đã chỉ ra rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của các đồng minh của Mỹ có một khoảng cách lớn và sự thành công của kiểm soát của Mỹ phụ thuộc vào sự hợp tác, phối hợp của các đồng minh chính.
Bloomberg News trước đó đã đưa tin, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này, nói rằng nếu các đồng minh như Hà Lan và Nhật Bản không kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu sang Trung Quốc, chính phủ Mỹ sẽ phải sử dụng quy định năm 1959 được gọi là “Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR)”. Theo quy định này, Mỹ có quyền ngăn chặn việc bán thiết bị từ các quốc gia khác ngay cả khi nước đó chỉ sở hữu một lượng nhỏ công nghệ của Mỹ.
Jacob Feldgoise, nhà phân tích nghiên cứu dữ liệu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi tại Đại học Georgetown, cho biết vào tháng 10/2022 và tháng 10/2023 Mỹ đã lần lượt công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị sản xuất chất bán dẫn. Các biện pháp này chủ yếu tập trung vào các sản phẩm chủ yếu do Mỹ sản xuất hoặc được nước khác sản xuất chủ yếu bằng công nghệ của Mỹ.
Khi công bố các biện pháp mới vào tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ cho biết một số quốc gia có cùng quan điểm đã công bố hoặc thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu quốc gia mới liên quan đến điện toán lượng tử và sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, dự kiến sẽ có nhiều quốc gia khác sớm áp dụng.
Đưa vào khái niệm kiểm soát toàn cầu
Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ (BIS) vào tuần trước đã đưa ra hai yêu cầu cấp phép toàn cầu mới về “an ninh quốc gia” và “ổn định khu vực” trong quy tắc cuối cùng tạm thời mới (interim final rule, IFR) giúp quy tắc này hiệu quả hơn; buộc tất cả các quốc gia trên thế giới xuất khẩu công nghệ và thiết bị nhạy cảm phải có giấy phép.
Ngoài ra, các quy định mới bổ sung thêm 18 Mã số phân loại kiểm soát xuất khẩu (ECCN) và cập nhật 9 mã số phân loại hiện có, cho phép Mỹ đồng bộ với các quốc gia khác.
Theo quy định này, các thực thể xuất khẩu, tái xuất khẩu đến bất kỳ điểm đến nào trên thế giới hoặc chuyển giao (trong nước) các mặt hàng được điều chỉnh phải xin giấy phép xuất khẩu từ BIS. Mặt khác, đối với các quốc gia “có cùng chí hướng”, các biện pháp mới cũng cho phép xuất khẩu các mặt hàng bị kiểm soát sang các đồng minh đồng hành với các biện pháp của Mỹ.
Clyde & Co, một công ty luật của Anh có hoạt động tại 120 quốc gia trên thế giới, trong một bài báo phân tích hôm10/9 cho rằng, các biện pháp kiểm soát mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ ban hành đã đưa ra một khái niệm mới về "kiểm soát toàn cầu"; nghĩa là “thực hiện kiểm soát xuất khẩu đối với các dự án phi quốc phòng trên toàn cầu, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực điện toán lượng tử, sản xuất chất bán dẫn tiên tiến và công nghệ chip điện toán tiên tiến”.
Tăng cường liên lạc và phối hợp giữa các cơ quan
Đạo luật Điều phối Danh sách Trừng phạt (H.R.5613 - Sanctions Lists Harmonization Act) được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 9/9 kêu gọi trao đổi thông tin nhiều hơn giữa các cơ quan chính phủ, yêu cầu "Bộ Tài chính, Thương mại và Quốc phòng khi đưa ra quyết định công bố các cá nhân hoặc các thực thể nước ngoài bị trừng phạt cụ thể phải thông báo cho nhau khi lập danh sách".
Quốc hội Mỹ hôm 9/9 cũng đã trao thêm quyền hạn cho các cơ quan và yêu cầu liên lạc trao đổi nhiều hơn trong chính phủ.
Bất chấp làn sóng nỗ lực mới này, ông Jacob Feldgoise, nhà phân tích nghiên cứu dữ liệu ở Đại học Georgetown cho biết vẫn rất khó để biết liệu các biện pháp chính sách của Mỹ cuối cùng có hiệu quả hay không và quá trình này còn ở giai đoạn rất sớm. Ông nói: “Có thể phải mất nhiều năm nữa chúng ta mới có thể thực sự xác định được những nỗ lực chính sách này thành công hay thất bại”.
Theo Creaders
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu