Gần đây, Trung Quốc không ngừng khoe rằng họ có tên lửa đạn đạo với mệnh danh “sát thủ tàu sân bay", trong đó, nổi bật nhất là tên lửa chống hạm tầm trung Đông Phong-21D (DF-21D) và Đông Phong-26 (DF-26).
Vì thế, khi đánh giá về sức chiến đấu của Trung Quốc, nhiều nhà quan sát, gồm các nhân viên làm việc lâu dài ở Lầu Năm Góc tin rằng quân đội Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ lớn.
Nhưng kể từ khi cái tên DF-21D và DF-26 xuất hiện, không có bất cứ một bức hình hay đoạn video nào cho thấy chúng đã được phóng thử để xác nhận rằng chúng có thể kết hợp với hệ thống định vị vệ tinh, vọt lên tầng khí quyển trước khi quay lại bổ nhào đánh trúng tàu sân bay như đã được tuyên truyền hay không.
Vì thế, rất nhiều chuyên gia nghi ngờ về uy lực thực sự, thậm chí là sự tồn tại của DF-21D và DF-26!
Trong trường hợp Trung Quốc thực sự sở hữu DF-21D và DF-26, việc sử dụng chúng để đánh chìm một tàu sân bay có ý nghĩa chiến lược rất lớn.
Nếu tàu sân bay bị đánh chìm là của Mỹ, việc này đồng nghĩa với quyền lực của Mỹ ở vùng biển quốc tế sẽ gặp rất nhiều bất lợi.
Tuy nhiên, việc đánh chìm một tàu sân bay Mỹ mang theo 70 máy bay và 6.000 binh sĩ sẽ gây ra hậu quả chính trị và quân sự tương tự như hành động đột kích Trân Châu Cảng của Nhật Bản năm xưa, có thể gây ra chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Theo tờ “Tin tức Thế giới” ngày 11/6, những thứ vũ khí như “sát thủ tàu sân bay” dù có thì cũng giống như vũ khí hạt nhân chỉ có thể đóng vai trò răn đe, một khi sử dụng chỉ gây ra sự tương tàn, khiến thế giới lâm vào chiến tranh hoặc thảm họa đại chiến hạt nhân.
Do vậy, Mỹ vẫn tăng cường tàu sân bay tiến vào Biển Đông, không hề run sợ trước sự răn đe của tên lửa DF-21D hay DF-26, bên cạnh tàu USS John C. Stennis (CVN-74) đang hoạt động trên Biển Đông còn có kế hoạch điều tàu USS Ronald Reagan (CVN-76)tới đây.
Báo Tin tức TTXVN