Trong khi đó, cùng ngày, với một giọng điệu gay gắt khác thường cho thấy sự rạn nứt trong quan hệ giữa hai nước đồng minh, Nhà Trắng đã lên tiếng cảnh báo Israel cần chấm dứt việc chiếm đóng vùng đất của người Palestine, qua đó bác bỏ nỗ lực của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm thực hiện các cam kết gây tranh cãi trong chiến dịch tranh cử trước đó.
Phát biểu của Ngoại trưởng Kerry đưa ra sau một ngày hội đàm với Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani và Nhà điều hành cấp cao Abdullah Abdullah tại Camp David, bang Maryland, được xem là một dấu hiệu phản ánh rõ sự cải thiện nhanh chóng trong mối quan hệ hữu nghị Mỹ - Afghanistan “đã được làm sống lại và trở nên gần gũi nhất sau 14 năm cùng chia sẻ mất mát”. Một trong những bằng chứng của mối quan hệ hữu nghị này là việc Ngoại trưởng Kerry thông báo khoản viện trợ 800 triệu USD của Mỹ cho các chương trình cải cách và phát triển của Afghanistan.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ tiếp tục vận động Quốc hội cấp thêm tiền để tài trợ cho 352.000 lính của Lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan đến hết tài khóa 2017 nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược và phát triển giữa Washington và Kabul.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, Washington đang tìm kiếm việc mở rộng cam kết tài chính có trị giá 4 tỷ USD hàng năm để các lực lượng an ninh Afghanistan có thể duy trì quân số ở mức 352.000 người. Washington hiện đang rất muốn thấy chính quyền mới ở Kabul là đáng tin cậy và có khả năng giải quyết vấn đề dưới sự giúp đỡ của Mỹ.
Về phần mình, Tổng thống Ghani cũng khẳng định mối quan hệ đối tác với Mỹ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Afghanistan, đồng thời cảm ơn binh lính Mỹ đã hi sinh vì đất nước của ông và hi vọng một ngày nào đó các quân nhân Mỹ có thể đến thăm Afghanistan với tư cách là khách du lịch để “người dân nơi đây có thể cảm ơn từng cá nhân một, bắt tay và thiết đãi người lính tại nhà riêng”.Người tiền nhiệm của Tổng thống Ghani, ông Hamid Karzai, lên nắm quyền từ năm 2001 sau khi Mỹ đưa quân vào nước này, nhưng lại có quan điểm không hề mặn mà với Washington trong những năm qua. Ông Karzai từ chối kí hiệp ước với Mỹ và NATO trước khi rời nhiệm sở vào tháng 9/2014, trong khi đó Tổng thống mới Ghani đã kí một loạt thỏa thuận chỉ một vài ngày sau khi nhậm chức.
Trước đó, phát biểu với báo giới trước khi rời Kabul sang thăm Mỹ, Tổng thống Ghani thừa nhận đà rút quân là một vấn đề nội bộ rất nhạy cảm của Mỹ, nhưng bày tỏ mong muốn quân đội Mỹ tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ cố vấn và huấn luyện cho các lực lượng của Afghanistan nhằm bảo vệ những thành quả của hơn 14 năm qua.
Trong khi đó, cùng ngày, phát biểu trong một cuộc họp với nhóm vận động cánh tả Israel, Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis McDonough, một trong những cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Barack Obama, tuyên bố “ách chiếm đóng kéo dài gần 50 năm qua cần phải chấm dứt”. Ông McDonough nói: “Israel không thể duy trì kiểm soát quân sự người khác vô thời hạn. Người Palestine có quyền được sống và quản lý nhà nước tự chủ của riêng mình”.
Ông McDonough cũng chỉ trích cam kết trước bầu cử của Thủ tướng Netanyahu về việc ngăn cản thành lập một nhà nước Palestine, mục tiêu cuối cùng của các cuộc hòa đàm vô vọng kéo dài hàng chục năm qua.
Ông McDonough nói: “Chúng ta không thể đơn giản giả vờ rằng những bình luận này chưa bao giờ được đưa ra hoặc chúng không làm dấy lên các câu hỏi về cam kết của Thủ tướng Netanyahu trong việc đạt được hòa bình qua thương lượng trực tiếp. Người dân Palestine phải có quyền được sống và tự quản lý trên chính quốc gia của mình”.
Chánh văn phòng McDonough cũng tái khẳng định cam kết của Tổng thống Obama về một nhà nước Palestine độc lập, cho biết Tổng thống Mỹ “sẽ đi đến cùng với giải pháp hai quốc gia”. Trước khả năng chính phủ mới của Israel sẽ đơn phương sáp nhập các vùng đất ở Bờ Tây, ông McDonough cảnh báo đây là một hành động “sai trái, bất hợp pháp” và Mỹ sẽ “phản đối việc này”.
Hạ viện Mỹ “ép” Tổng thống Obama cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine
Ngày 23/3, với tỷ lệ ủng hộ 348/48, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết tăng cường sức ép lên chính quyền của Tổng thống Obama nhằm chấm dứt tình trạng chậm trễ trong việc cung cấp vũ khí và các thiết bị quân sự hạng nặng khác cho lực lượng Ukraine. Thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Eliot Engel tuyên bố, cung cấp vũ khí cho Kiev không có nghĩa là Mỹ dấn thân vào một cuộc chiến mới. Ông Eliot Engel cũng nhấn mạnh, cuộc nội chiến ở Ukraine là “mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh châu Âu kể từ Thế chiến II kết thúc và chúng ta không nên coi nhẹ, không nên làm ngơ và không nên để các nước khác phải bảo cho chúng ta biết điều chúng ta nên làm”.
Theo: An ninh Thế giới