Bloomberg dẫn nguồn tin từ những người tham dự cuộc họp giữa đại diện các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Mỹ với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết, nhiều khả năng Washington đã yêu cầu công ty ASML của Hà Lan, các nhà sản xuất thiết bị chip Nhật Bản như Tokyo Electron Limited (TEL), Nikon Corp. và Canon Corp. tuân thủ quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ để ngăn chặn hoàn toàn Trung Quốc tiếp cận những công nghệ bán dẫn tiên tiến.
Bà Raimondo trong một cuộc phỏng vấn khác của CNBC cho biết, Mỹ đã kêu gọi các quốc gia đồng minh tuân theo quy định kiểm soát xuất khẩu và đưa ra những hạn chế tương tự. Bộ trưởng Raimondo nói: “Đây là quy định được nhắm mục tiêu rõ ràng,… Những hạn chế này có sức mạnh, được nhắm mục tiêu để hoàn thành sứ mệnh bảo vệ an ninh quốc gia, chứ không phải để trừng phạt các công ty Mỹ.
Mặc dù vậy, những nỗ lực để đạt được thỏa thuận với các đồng minh về những hạn chế xuất khẩu có thể mất 9 tháng, nhưng các nhà sản xuất chất bán dẫn Mỹ như Applied Materials, KLA và Lam Research đã phải xin giấy phép cung cấp thiết bị cho Trung Quốc theo những quy định mới, được công bố vào đầu tháng 10.
Trung Quốc đóng góp hơn 30% doanh thu cho Applied Materials, KLA và Lam Research. Điều đó khiến các nhà sản xuất công cụ sản xuất chip Mỹ phải chịu tổn thất về phía mình.
Các doanh nghiệp cung cấp công cụ sản xuất chip dự báo suy giảm doanh thu từ Trung Quốc. Ảnh Bloomberg |
Các công ty Mỹ phàn nàn rằng, những đối thủ cạnh tranh nằm ngoài nước Mỹ có khả năng lấy đi thị phần các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc trong khi những nhà sản xuất của quốc gia này bị ràng buộc bởi những hạn chế kiểm soát xuất khẩu. Điều đó thúc đẩy chính phủ Mỹ phải gây áp lực lên các đồng minh như Hà Lan và Nhật Bản. Ngoài ra còn có những nhà cung cấp công cụ sản xuất thiết bị bán dẫn tiên tiến ở Đức và Hàn Quốc. Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ sự không mong muốn tách khỏi Trung Quốc bằng cách dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp lớn trong chuyến công du tới Bắc Kinh vào ngày 4/11 ngay sau Đại hội Đảng của quốc gia này.
Matt Sheehan, thành viên thuộc tổ chức tư vấn về các vấn đề quốc tế phi đảng phái Carnegie Endowment for International Peace viết: "Những hạn chế gần đây của Mỹ thể hiện một cách tiếp cận mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ với tổng bằng 0 để đối đầu với Trung Quốc, một phương pháp tiếp cận không thuyết phục đối với những quốc gia, không muốn thấy đất nước bị trói buộc trong cuộc chiến trở thành siêu cường thống trị toàn cầu".
Ông Sheehan cho rằng, các công ty sẽ hướng tới việc giảm bớt các trang thiết bị của Mỹ để chỉ chịu quyền phủ quyết của chính phủ quốc gia chứ không phải của Mỹ. Điều đó có thể khiến nhiều công ty Mỹ thua lỗ nặng nề hơn.
Theo Digitimes Asia