Mỹ đòi Hàn Quốc chi trả tăng gấp 5 lần tiền “bảo vệ phí”, dư luận Hàn Quốc phản đối kịch liệt

VietTimes -- “Quan hệ đồng minh Hàn Quốc - Hoa Kỳ là không thể phá vỡ, Hàn Quốc là một quốc gia giàu có, có thể và nên đóng góp chi phí nhiều hơn”. Ngày 15/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã công khai gây áp lực với đồng minh Hàn Quốc tại Seoul để yêu cầu họ gánh chịu nhiều hơn chi phí phòng vệ. Tuy nhiên, đề nghị này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Hàn.
Bộ trưởng Quốc phòng  Mỹ và Hàn Quốc tại Hội nghị an ninh Hàn Quốc - Mỹ thường niên lần thứ 51 hôm 15/11.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc tại Hội nghị an ninh Hàn Quốc - Mỹ thường niên lần thứ 51 hôm 15/11.

Mặc dù ông Mark Esper không trực tiếp “phát giá” tại cuộc hội đàm với phía chủ nhà, nhưng đài CNN hôm 15/11 đã đã đưa ra câu trả lời: Tổng thống Donald Trump sẽ tăng giá lên gần 500% cho việc quân đội Mỹ đóng ở Hàn Quốc, yêu cầu Hàn Quốc phải gánh chịu khoản chi phí lên tới 5 tỷ USD.

Đáng lưu ý rằng, trong khoản chi phí này, vào đầu năm nay Mỹ vừa mới tăng mức chi phía mà Hàn Quốc đảm nhận thêm 8,2%, tức khoảng 900 triệu USD. Từ 900 triệu USD nay Mỹ lại tăng đến 5 tỷ USD, việc tăng giá của Mỹ lần này quá lớn nên đã gây rúng động dư luận Hàn Quốc.

Theo trang tin Guancha, dư luận Hàn Quốc vừa tức giận vừa lo lắng về điều này và đặt câu hỏi liệu Hàn Quốc và Mỹ có còn là đồng minh của nhau hay không. Hơn 40 nghị sỹ Hàn Quốc ngay trong ngày 15 đã ra một tuyên bố chung, yêu cầu chính phủ không thể khuất phục trước sự uy hiếp của Mỹ. Nhưng tờ Hankyoreh phân tích nói, Mỹ mới đây đã bỏ rơi người Kurd ở Syria – những người đã sát cánh chiến đấu bên họ; nếu Hàn Quốc không móc túi chi đủ “phí bảo vệ”, thì việc Mỹ chơi con bài giảm bớt quân đội đồn trú ở Hàn Quốc là khả năng rất hiện thực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc tại cuộc họp báo chung hôm 15/11.
Bộ trưởng Quốc phòng  Mỹ và Hàn Quốc tại cuộc họp báo chung hôm 15/11.

CNN: Mỹ muốn tăng giá từ 900 triệu năm nay lên 5 tỷ USD năm 2020

Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap News, ngày 15/11, Hội nghị an ninh Hàn Quốc - Mỹ thường niên lần thứ 51 đã diễn ra tại Seoul, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã dẫn đầu hai đoàn đại biểu tham dự cuộc họp.

Tại cuộc họp báo sau cuộc họp, ông Esper nói rằng hai bên đã tiến hành thương thuyết về vấn đề đóng góp chi phí phòng vệ để tăng cường phòng thủ chung của Hàn Quốc và Mỹ. Phiên bản mới của thỏa thuận chia sẻ phí quốc phòng sẽ được ký trước khi kết thúc năm nay và phía Hàn Quốc đã cam kết tăng thêm mức đóng góp. Ông Mark Esper nói, tại hội nghị ông đã bày tỏ hy vọng các nước đồng minh có những đóng góp lớn hơn trong chi phí quốc phòng. Mỹ đã gửi thông điệp tương tự tới các nước ở châu Á, châu Âu và các khu vực khác.

Ông Esper nói, quan hệ đồng minh Hàn Quốc - Mỹ là không thể phá vỡ, Hàn Quốc là một quốc gia giàu có có thể và cần phải chịu thêm phí quốc phòng. 90% phí quốc phòng mà Hàn Quốc đóng góp sẽ chảy trở lại Hàn Quốc, vì vậy Mỹ liên tục yêu cầu Hàn Quốc và các bạn bè, đồng minh khác tăng mức đóng góp chi  phí quốc phòng.

Ông Jeong Kyeong-doo cho rằng, các bên Hàn Quốc - Mỹ chia sẻ số tiền chi phí quốc phòng trên nguyên tắc công bằng và công nhận lẫn nhau; đạt được hiệp định lần thứ 11, trước khi hết hạn hiệp định lần thứ 10. Ông nói, hai bên đã phân bổ khoản phí quốc phòng để đảm bảo rằng lực lượng quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc có được điều kiện sống tốt. Hàn Quốc và Mỹ từ trước đến nay đã có mức phân bổ chi phí quốc phòng hợp lý để duy trì hòa bình trên bán đảo. Hai bên từ nay về sau sẽ tiếp tục phấn đấu để xác định mức phân chia số tiền đóng góp hợp lý trên nguyên tắc công bằng, công nhận lẫn nhau để thúc đẩy quan hệ đồng minh Hàn - Mỹ tiếp tục phát triển.

Ngày 15/11, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, cuộc đàm phán vòng 3 để ký kết Hiệp định lần thứ 11 bản thỏa thuận chia sẻ chi phí phòng vệ giữa Hàn Quốc và Mỹ sẽ được tổ chức tại Seoul vào hai ngày 18, 19/11.

Ông Mark Esper không công khai số tiền cụ thể mà Mỹ đòi hỏi, chỉ nói “Mỹ yêu cầu Hàn Quốc gia tăng đáng kể chi phí quân sự”, nhưng đài CNN đã đưa ra câu trả lời trong bản tin cùng ngày 15.

CNN cho biết một quan chức chính phủ và một phụ tá nghị sĩ quốc hội Mỹ xác nhận: Tổng thống Trump đã đề xuất Hàn Quốc tăng mức độ lớn chi phí cho việc quân đội Mỹ đóng ở Hàn Quốc lên gần 500% trong năm 2020, lên tới 5 tỷ USD.

Năm nay Hàn Quốc phải trả cho Mỹ 900 triệu USD, nhưng năm tới số tiền Washington đòi hỏi lên tới 5 tỷ USD.
Năm nay Hàn Quốc phải trả cho Mỹ 900 triệu USD, nhưng năm tới số tiền Washington đòi hỏi lên tới 5 tỷ USD.

“Hàn Quốc đã trả đủ mức, chính phủ không được khuất phục trước sự uy hiếp của Mỹ”

Yêu cầu này của ông Trump thậm chí đã làm các quan chức Lầu Năm Góc thất vọng và khiến các nghị sĩ hai đảng lo ngại sâu sắc. Nhưng Bộ Ngoại giao và Lầu năm góc sau đó đã thuyết phục ông Trump giảm nhẹ mức giá yêu cầu xuống còn 4,7 tỷ USD.

Một phụ tá nghị sĩ quốc hội cho biết, để chứng minh tính hợp lý của việc tăng giá, các quan chức Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc đã mở rộng phạm vi chi phí Hàn Quốc phải gánh chịu từ “xây dựng căn cứ, cấp thoát nước, các dự án thông thường” phát triển sang cả “chuẩn bị phòng vệ”. Điều này có nghĩa rằng Mỹ yêu cầu Hàn Quốc phải gánh vác chi phí cho các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ - Hàn, bao gồm cả chi phí cho các lực lượng Mỹ không đồn trú tại Hàn Quốc, nhưng luân phiên tới Hàn Quốc.

Người này nói: “Nếu máy bay ném bom Mỹ tới bán đảo để phô trương sức mạnh, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ bắt người Hàn Quốc trả tiền cho nó, giống như tài xế Uber mở cửa xe”. Ông nói thêm, “người Hàn Quốc tất sẽ hỏi, các ông bây giờ là lính đánh thuê hay sao? Đây có phải là sự sắp đặt kinh doanh hay không?”.  

Phó giáo sư Vipin Narang ở Học viện Massachusetts Institute of Technology (MIT), một chuyên gia về vấn đề bán đảo Triều Tiên nói: “Tống tiền không phải là cách để thể hiện sự thân mật”. Bruce Klinner, một nhà nghiên cứu cao cấp tại The Heritage Foundation (Quỹ Di sản Mỹ) nói, nhiều người Hàn Quốc rất bất bình và nghi ngờ liệu Mỹ có còn là đồng minh của Hàn Quốc nữa hay không.

Hiện nay Mỹ có 28.500 quân đóng tại Hàn Quốc để giúp bảo vệ nước này và Hàn Quốc phải trả một phần chi phí cho sự có mặt của đội quân này.
Hiện nay Mỹ có 28.500 quân đóng tại Hàn Quốc để giúp bảo vệ nước này và Hàn Quốc phải trả một phần chi phí cho sự có mặt của đội quân này.

Theo hãng tin News1 của Hàn Quốc, ngày 15/11, hơn 40 nhà lập pháp Hàn Quốc đã cùng nhau ra tuyên bố, yêu cầu chính phủ Trump chấm dứt đe dọa. Song Yong-ji, một nghị sĩ của Đảng Dân chủ cộng đồng cho biết trong một cuộc họp báo chiều 15/11: “Mục đích của việc chia sẻ chi phí quân sự là nhằm duy trì và củng cố liên minh quân sự Hàn - Mỹ; nhưng phía Mỹ hiện yêu cầu Hàn Quốc phải tăng gấp 5 lần mức chi phí quân sự, nếu không quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Hàn Quốc. Lập luận như thế thật kỳ quặc và các tin liên quan đều là sự đe dọa nghiêm trọng. Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc không chỉ vì lợi ích của Hàn Quốc, mà cũng là vì lợi ích của Mỹ, là căn cứ tiền tiêu để họ kiềm chế ngăn chặn các nước láng giềng. Hàn Quốc đã trả đủ tiền và chính phủ quyết không được khuất phục trước sự đe dọa của Mỹ”.

Tuy nhiên, tờ Hankyoreh ngày 15/11 phân tích nói, Mỹ năm nay đã nâng mức yêu cầu chính phủ Hàn Quốc chia sẻ chi phí cho việc đóng quân Mỹ ở Hàn Quốc lên tới 5 tỷ USD, điều này rất khó để coi là vấn đề đem thương lượng. Giống như việc họ dễ dàng rút quân đội Mỹ khỏi Syria mà không cần bất kỳ cơ chế bảo vệ nào đối với người Kurd; nếu Hàn Quốc không chi trả khoản chi phí phòng vệ khổng lồ, Mỹ sẽ sẵn sàng chơi con bài giảm bớt quân đồn trú ở Hàn Quốc, quan điểm này là rất hiện thực. Đây là đặc điểm của “thời đại Donald Trump” và Mỹ đã bước vào thời kỳ đo lường “giá trị đồng minh” bằng tiền. Bài báo cho rằng yêu cầu quá đáng này sẽ chỉ khiến liên minh Mỹ - Hàn lâm nguy.

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, hiện có khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc. Kể từ khi hai nước ký thỏa thuận chia sẻ phí quốc phòng đầu tiên vào năm 1991, Hàn Quốc và Mỹ cho đến nay đã ký 10 bản hiệp định. Theo Hiệp định lần thứ 10 ký kết hồi tháng 3 năm nay, Hàn Quốc cam kết đảm nhận khoản chi phí phòng vệ 1,04 nghìn tỷ won (900 triệu USD) trả cho phía Mỹ trong năm 2019, tăng 8,2% so với năm 2018.

Theo Guancha