Theo hãng tin Reuters, quan chức trên cho biết hai ngoại trưởng đã đàm phán từ ngày 2/3 nhằm thảo luận về một thỏa thuận khung trước thời hạn chót vào ngày 30/3. Dự kiến, cuộc đàm phán song phương cấp ngoại trưởng tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 15/3 tại Geneva (Thụy Sĩ). Trước đó, ông Kerry dự kiến sẽ gặp các ngoại trưởng Pháp, Đức và Anh vào ngày 7/3 tại thủ đô Paris (Pháp).
Cùng ngày 4/3, từ Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Iran sẵn sàng minh bạch hơn nữa các chương trình hạt nhân của nước này, đồng thời khẳng định: "Iran muốn một thỏa thuận có thể giúp Iran, khu vực cũng như thế giới". Phát biểu tại cuộc họp chính phủ, người đứng đầu nhà nước Iran tuyên bố: "Nếu cuộc đàm phán đề cập đến việc tăng cường sự minh bạch các chương trình hạt nhân, Iran sẽ chấp nhận".
Tuy nhiên, ông Rouhani cũng nói rõ Iran sẽ không chấp nhận thêm điều kiện nào ngoài vấn đề này, và sẽ không bao giờ chấp nhận một thỏa thuận không thừa nhận quyền hợp pháp của Tehran trong việc sử dụng hạt nhân để phát triển khoa học và công nghệ.
Tổng thống Iran cho rằng Nhóm P5+1 (gồm Đức và năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) hy vọng đạt được một lập trường hợp lý trong đó tôn trọng lợi ích các nước và bảo đảm sự ổn định cho khu vực Trung Đông. Tổng thống Iran cũng bác bỏ cảnh báo mới đây của Thủ tướng Israel Benjamin Netaniahu, nói rằng một thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm P5+1 sẽ “mở đường cho Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Trong khi đó, ngày 4/3, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết một phái đoàn của IAEA do Phó Tổng giám đốc IAEA Tero Varjoranta dẫn đầu sẽ tiến hành cuộc họp kỹ thuật tại Tehran vào ngày 9/3 để thúc đẩy tiến trình thanh sát đang bị đình trệ về chương trình hạt nhân của Iran.
Trước đó, IAEA đã tiến hành hoạt động thanh sát định kỳ tại các cơ sở hạt nhân được công bố của Iran. Tuy nhiên, tiến trình trên đã bị đình trệ sau khi IAEA đòi Iran giải đáp những nghi vấn cho rằng nước này đã từng có những hoạt động nhằm tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân.
IAEA khăng khăng cho rằng việc làm sáng tỏ những quan ngại về các hoạt động hạt nhân trong quá khứ của Iran là một yếu tố quan trọng trong việc khôi phục lòng tin của các nước phương Tây với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Trong khi đó, Iran bác bỏ những nghi vấn của IAEA.
Theo: TTXVN/Tin tức