Mỹ dàn trận Biển Đông, vì sao Trung Quốc luôn “ngậm bồ hòn làm ngọt“?

VietTimes -- Nguyên nhân nào khiến Mỹ tích cực duy trì hoạt động tuần tra trên biển Đông? Nội hàm của hàng hải tự do mà Mỹ tuyên bố là gì? Tại sao Trung Quốc không dám mạnh tay đối phó mà “ngậm bồ hòn làm ngọt” hết lần này đến lần khác?
Tàu sân bay USS John C. Stennis và tàu khu trục của Mỹ trên Thái Bình Dương
Tàu sân bay USS John C. Stennis và tàu khu trục của Mỹ trên Thái Bình Dương

Mới đây, nhóm tàu sân bay của quân đội Mỹ gồm USS Stennis, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon, USS Stockdale và USS William P. Lawrence, cùng tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường USS Mobile Bay tuần tra trên biển Đông, mặc dù nhóm tàu sân bay này bị khá đông tàu chiến Trung Quốc bao vây với quy mô chưa từng có, thậm chí Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã từng đưa ra thông điệp “xua đuổi” trong thời gian thăm Mỹ: Không còn muốn tiếp tục nhìn thấy tàu chiến, chiến cơ Mỹ tiếp tục sang biển Đông!

Tuy nhiên từ việc Mỹ liên tiếp đưa tàu chiến, máy bay oanh tạc, thậm chí nhóm tàu sân bay sang vùng biển này có thể thấy, hành động tuần tra trên biển Đông của Mỹ được duy trì đều đặn trong thời gian qua. Mới đây, Tổng tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris đã có bài phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Washington và nhấn mạnh, quân đội Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra trên biển Đông.

Hai hạm đội tàu sân bay Mỹ tuần tra trên biển Đông

Nguyên nhân nào khiến Mỹ tích cực duy trì hoạt động tuần tra trên biển Đông? Nội hàm của hàng hải tự do mà Mỹ tuyên bố là gì? Tại sao Trung Quốc không dám mạnh tay đối phó mà “ngậm bồ hòn làm ngọt” hết lần này đến lần khác?

Theo nguồn văn kiện mà Bộ ngoại giao Mỹ đã công khai, Mỹ thực hiện chương trình hàng hải tự do nhằm mục đích đối phó với 6 loại “chủ trương quá đà trên biển” không phù hợp với Công ước luật biển của Liên hợp quốc – tức Mỹ muốn “dằn mặt” các nước duyên hải đưa ra những “chủ trương lợi ích quá đà” trên biển. Hay nói cách khác, Trung Quốc là quốc gia đưa ra chủ trương quá đà trên biển (yêu sách “đường lưỡi bò”) , tìm mọi cách quân sự hóa biển Đông, hòng biến biển Đông thành “ao nhà” (chủ trương lợi ích quá đà”). Do đó, Mỹ đã triển khai các hoạt động hàng hải tự do trên biển Đông để ngăn chặn những chủ trương phi lý và ngang ngược này của Trung Quốc.

Thứ nhất, trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - vấn đề trung tâm của các tranh chấp tại Biển Đông khi hàng loạt các quốc gia và khu vực gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều đưa ra tuyên bố chủ quyền về một phần hay toàn bộ hai quần đảo này. Điều này đồng nghĩa với việc, khu vực nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển chung, kể cả Mỹ cử lực lượng vũ trang tuần tra trên vùng biển này cũng không được phép hạn chế.

Thứ hai, khái niệm “thông qua vô hại” của Trung Quốc đối với tàu và máy bay quân sự của nước ngoài ở trong và ngoài lãnh hải ở một số nước (điển hình là Trung Quốc) không hoàn toàn thống nhất với Công ước luật biển Liên hợp quốc.

“Thông qua vô hại” là một quyền lợi cổ xưa trong luật Biển, năm 1982 được chính thức đưa vào Công ước luật biển Liên hợp quốc. Theo chương ba thuộc phần hai của Công ước, trong điều kiện không làm tổn hại đến hòa bình, trật tự và an ninh của quốc gia ven biển, tàu thuyền nước ngoài có thể ‘nhanh chóng và liên tiếp đi qua lãnh hải của nước ven biển mà không cần thông báo trước hoặc được nước sở tại cho phép”. Tuy nhiên ở đây chỉ đưa ra quy định tổng thể về “tàu thuyền nước ngoài”, không phân biệt tàu quân sự và tàu dân dụng. Do đó trong vấn đề tàu quân sự có quyền thông qua vô hại hay không, các nước đã nảy sinh nhiều ý kiến bất đồng.

Trung Quốc bồi đắp trái phép đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh Reuters)

Mỹ chủ trương chỉ cần tàu chiến Mỹ thỏa mãn quy định của điều số 18 trong công ước, hoàn toàn dừng mọi chức năng quân sự (như dừng vận hành hệ thống radar điều khiển hỏa lực , chỉ cần duy trì năng lực di chuyển trên biển là có thể tiến hành “thông qua vô hại” mà không cần thông báo với nước ven biển. Trung Quốc và hơn 20 quốc gia khác lại chủ trương, muốn “thông qua vô hại”, trước hết tàu quân sự nước ngoài phải thông báo và được phê chuẩn từ trước, đồng thời xây dựng điều luật có liên quan.

Hay nói các khác, về vấn đề thông qua vô hại, hai nước Mỹ và Trung Quốc tồn tại cách lý giải khác nhau, đây chính là sự bất đồng mang tính quốc tế chứ không phải là sự bất đồng của riêng hai nước Trung – Mỹ. Trung Quốc đã nghiễm nhiên coi vùng biển mà tàu chiến Mỹ đi qua thuộc lãnh hải của họ (thực chất không phải như vậy) và áp dụng điều thứ 10 trong Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của quốc gia này: “Yêu cầu tàu thuyền lập tức rời khỏi lãnh hải”, mọi tổn thất, thiệt hại đều yêu cầu phía đối phương tự phụ trách.

Thứ hai, tại biển Đông, ngoài vùng biển chung, lãnh hải, còn có một khái niệm khác là vùng đất nửa chìm nửa nổi (low tide elevation). Đảo và bãi đá đều nổi trên mặt nước khi thủy triều lên và thủy triều xuống, nhưng vùng đất nửa chìm nửa lổi chỉ nổi trên mặt nước trong thời điểm thủy triều xuống, khi thủy triều lên thì chìm hẳn trong nước biển. Điều 13 trong Công ước quy định, nếu vùng đất nửa chìm nửa nổi nằm trong phạm vi 12 hải lý tính từ đất liền hoặc đảo thì 12 hải lý xung quanh vùng đất nửa chìm nửa nổi cũng là lãnh hải; Ngược lại sẽ không có lãnh hải. Đảo xây dựng nhân tạo không có lãnh hải.

Ở biển Đông, các đảo, bãi đá và vùng đất nửa chìm nửa nổi phân bố đan xen, khoảng cách không đều, do đó, xét trên góc độ địa lý hay pháp lý, việc Trung Quốc tiến hành bồi đắp đảo trái phép ở các vùng đất nửa chìm nửa nổi đều khó có cơ sở, không phải là vùng cấm quân đội Mỹ không được phép đi vào.

Nếu Trung Quốc đối phó kịch liệt chắc chắn sẽ phải đối liệt với lời chất vấn “có sở hữu chủ quyền hay không”, tuy nhiên sách lược mơ hồ của Trung Quốc hiện nay khiến dư luận nghi ngờ việc có thể Trung Quốc sẽ xây dựng các đảo nhân tạo mới bồi đắp thành các đảo có lãnh hải. Trước khi Trung Quốc đưa ra lời tuyên bố rõ ràng, Mỹ vẫn có không gian có thể phát huy.

Có thể khẳng định, do những yêu sách về chủ quyền và hành vi bồi đắp đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên biển Đông là hoàn toàn vô lý, do đó, đứng trước hành động Mỹ đưa tàu chiến vào biển Đông, Trung Quốc chỉ có thể tìm cách đối phó mà không thể ngăn chặn. Trung Quốc có thể cảm thấy khó chịu và phản cảm, nhưng không có quyền phản đối, hay nói cách khác đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà thôi.

Đ.Q