Mỹ công bố biện pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động sản xuất chất bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Một số ước tính dự đoán rằng Mỹ sẽ thiếu 90.000 kỹ thuật viên vào năm 2030 - khi quốc gia này đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 1/5 số chip tiên tiến nhất thế giới.

Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang khởi động một chương trình đào tạo lực lượng lao động sản xuất chip máy tính trong nước nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng thiếu hụt lao động có nguy cơ làm suy yếu ngành sản xuất chất bán dẫn của quốc gia này.

Được biết, chương trình này sẽ sử dụng một phần trong số 5 tỉ USD trong quỹ liên bang dành riêng cho Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia (NSTC). Theo đó, Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia có kế hoạch trao các khoản tài trợ cho tới 10 dự án phát triển lực lượng lao động với ngân sách từ 500.000 USD đến 2 triệu USD.

Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia cũng sẽ triển khai các quy trình nộp đơn bổ sung trong những tháng tới và các quan chức sẽ xác định tổng mức chi tiêu sau khi tất cả các đề xuất được xem xét.

Số tiền này đến từ Đạo luật Khoa học và Chips năm 2022, một đạo luật mang tính bước ngoặt dành riêng 39 tỉ USD cho các khoản tài trợ để thúc đẩy sản xuất chip của Mỹ, cộng với 11 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn. Các công ty đã cam kết đầu tư nhiều hơn 10 lần để đáp ứng các ưu đãi - một đợt tăng đột biến sẽ định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu cho chất bán dẫn. Được biết, chương trình mới này chính là nỗ lực đầu tiên của Đạo luật Khoa học và Chips nhằm tài trợ tập trung vào lực lượng lao động tại Mỹ.

Các quan chức chính phủ và ngành công nghiệp đã cảnh báo rằng những nhà máy mới này có thể sẽ thất bại nếu không có khoản đầu tư đáng kể vào lao động. Một số ước tính dự đoán rằng Mỹ sẽ thiếu 90.000 kỹ thuật viên vào năm 2030 - khi quốc gia này đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 1/5 số chip tiên tiến nhất thế giới.

Michael Barnes, giám đốc cấp cao các chương trình phát triển lực lượng lao động tại Natcast, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập để vận hành Trung tâm Công nghệ Bán dẫn Quốc gia, cho biết: "Điều bắt buộc là chúng ta phải phát triển một hệ sinh thái lực lượng lao động bán dẫn trong nước có thể hỗ trợ cho sự tăng trưởng dự kiến ​​của ngành".

Kể từ khi Tổng thống Biden ký Đạo luật Chips cách đây 2 năm, hơn 50 trường cao đẳng cộng đồng đã công bố các chương trình giảng dạy liên quan đến chất bán dẫn và các công nghệ xung quanh.

Được biết, 4 khoản đầu tư lớn nhất của Đạo luật Chips dành cho Intel, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co, Samsung Electronics và Micron Technology. Theo đó, mỗi khoản đầu tư này trị khoảng từ 40 triệu USD đến 50 triệu USD cho các nhà sản xuất này đạo tạo lực lượng lao động chuyên dụng.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 1/7 cũng đã công bố khoản tài trợ 6,7 triệu USD dành cho Rogue Valley Microdevices. Số tiền đó sẽ hỗ trợ một nhà máy mới ở Florida tập trung vào chip với các ứng dụng quốc phòng và y sinh.

Theo SCMP