Mỹ chỉ trích PLA tự ý bỏ không tham dự hội nghị trực tuyến MMCA, Trung Quốc nói trách nhiệm do Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngày 17/12, quân đội Mỹ thông báo trên Twitter rằng quân đội Trung Quốc (PLA) đã tự ý vắng mặt tại một hội nghị trực tuyến 2 bên được ​​tổ chức trong tuần này theo kế hoạch. Tướng Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, gọi đây “là một ví dụ khác về việc Trung Quốc không tuân thủ thỏa thuận của chính họ". Phía Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ sự chỉ trích này

Đoàn đại biểu Mỹ có mặt để dự hội nghị trực tuyến MMCA, nhưng đoàn PLA đã không tham dự (Ảnh: pacom).
Đoàn đại biểu Mỹ có mặt để dự hội nghị trực tuyến MMCA, nhưng đoàn PLA đã không tham dự (Ảnh: pacom).

Theo trang tin Đa Chiều, Cục Sự vụ Công cộng của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ ngày 17/12 đã đưa ra một bản tweet trên tài khoản Twitter chính thức, tuyên bố rằng Trung Quốc nên tham gia Hội nghị cấp cao về Cơ chế Tham vấn An ninh Quân sự trên biển (Military Maritime Consultative Agreement, MMCA) Mỹ - Trung họp trực tuyến từ ngày 14 đến ngày 16/12. Mục đích của Hội nghị là tăng cường an ninh quân sự trên biển và cải thiện an toàn cho các hoạt động trên biển và trên không nhằm giảm thiểu rủi ro giữa hai quân đội. Hội nghị này là một hoạt động giao lưu đã được hai bên thống nhất trong “Kế hoạch trao đổi quốc phòng Trung Quốc - Hoa Kỳ năm 2020”.

Trang Twitter của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ đưa về vụ việc (Ảnh chụp màn hình).

Trang Twitter của Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ đưa về vụ việc (Ảnh chụp màn hình).

Cục Sự vụ Công cộng của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ cho biết, phía Mỹ kể từ năm 1998 đã định kỳ tổ chức các cuộc đối thoại cấp cao về Cơ chế Tham vấn An ninh Quân sự trên biển Mỹ - Trung với PLA. Cuộc đối thoại năm 2020 được đổi thành tổ chức với hình thức trực tuyến do sự bùng phát đại dịch COVID-19, nhưng phía PLA đã không tham gia. Tướng Davidson nói: “Việc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ chối tham gia MMCA là một ví dụ khác cho thấy Trung Quốc không tôn trọng các thỏa thuận của mình và điều này sẽ là một lời nhắc nhở đối với tất cả các quốc gia khi họ theo đuổi các thỏa thuận với Trung Quốc trong tương lai”. Ông Davidson nói, quân đội Mỹ vẫn cam kết thực hiện MMCA và kêu gọi PLA "triệu tập đối thoại MMCA theo phương thức phù hợp với Hiến chương MMCA và lấy đó làm mục đích của đối thoại về an ninh hoạt động".

Mục đích của MMCA là xem xét các sự cố quân sự không an toàn đã xảy ra giữa các lực lượng Mỹ và PLA; đánh giá các quy tắc ứng xử giữa Mỹ và Trung Quốc về an toàn trên không và trên biển và thảo luận về các cách tiếp cận hoạt động nhằm cải thiện an toàn hoạt động trên biển và trên không giữa hai quân đội phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ông Davidson nói: “Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục tìm kiếm một mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định và hướng tới kết quả với PLA và sẽ giải quyết các mối quan tâm của PLA tại diễn đàn thích hợp. Các ưu tiên của chúng tôi là ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng, giảm thiểu rủi ro cho các lực lượng hoạt động gần nhau và hợp tác khi lợi ích phù hợp”.

Hai biên rrooij tàu sân bay Mỹ tập trận trên Biển Đông tháng 7/2020 (Ảnh: USNavy).

Hai biên rrooij tàu sân bay Mỹ tập trận trên Biển Đông tháng 7/2020 (Ảnh: USNavy).

Trước sự chỉ trích của phía Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có phản hồi trong ngày 17/12. Tại cuộc họp báo chiều 17/12, khi được một phóng viên hỏi về việc phía Mỹ nói Trung Quốc đã tự ý không tham dự hội nghị trực tuyến về Cơ chế Tham vấn An ninh Quân sự trên biển Mỹ - Trung năm 2020, ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã trả lời: “Qua tìm hiểu, trách nhiệm của việc quân đội Trung Quốc và Mỹ không tổ chức cuộc họp Cơ chế Tham vấn An ninh Quân sự trên biển Mỹ - Trung năm 2020 hoàn toàn thuộc về phía Mỹ. Những cáo buộc của quân đội Mỹ là hoàn toàn không đứng vững và vô trách nhiệm”. Uông Văn Bân còn nói: “Về tình hình cụ thể, đề nghị tham khảo ý kiến ​​của Bộ Quốc phòng Trung Quốc”.

Chiều 17/12, ông Lưu Văn Thắng, người phát ngôn báo chí Hải quân Trung Quốc đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc phía Mỹ nói Trung Quốc từ chối tham gia cuộc họp của Cơ chế Tham vấn An ninh Quân sự trên biển Mỹ - Trung.

Theo trang tin Guancha, Trung Quốc, phóng viên đặt câu hỏi: “Theo tin các báo, Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Mỹ đã đưa ra tuyên bố nói PLA từ chối tham gia cuộc họp trực tuyến về Cơ chế Tham vấn An ninh Quân sự trên biển Mỹ - Trung dự kiến ​​tổ chức với trụ sở Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương từ ngày 14 đến 16/12/2020. Ông có bình luận gì về điều này?”

Ông Lưu Văn Thắng trả lời: “Lời lẽ của Mỹ hoàn toàn đảo lộn phải trái trắng đen, gây hiểu lầm. Nguyên nhân khiến hội nghị không được tổ chức như dự kiến ​​là Mỹ đã không tuân thủ nhận thức chung giữa hai bên, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Mỹ.

Hải quân Trung Quốc ngày càng tăng cường hoạt động ở biển Tây Thái Bình Dương, thậm chí tập trận gần đảo Guam (Ảnh: Dwnews)

Hải quân Trung Quốc ngày càng tăng cường hoạt động ở biển Tây Thái Bình Dương, thậm chí tập trận gần đảo Guam (Ảnh: Dwnews)

Theo thỏa thuận giữa Bộ Quốc phòng hai nước, Trung Quốc và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc họp của Nhóm Cơ chế Tham vấn An ninh Quân sự trên biển Trung – Mỹ và Hội nghị Thường niên cấp tướng. Vào ngày 18/11, Trung Quốc đã trao cho Mỹ những đề nghị của Trung Quốc về các chủ đề và sắp xếp của hội nghị. Tuy nhiên, Mỹ kiên quyết đơn phương xúc tiến chương trình nghị sự của họ, tự ý rút ngắn thời lượng cuộc họp thường niên, thay đổi tính chất hội nghị, thậm chí định ép Trung Quốc tham gia hội nghị khi hai bên chưa đạt được thỏa thuận về các chủ đề. Hành vi thiếu chuyên nghiệp, không hữu nghị và không mang tính xây dựng này của Mỹ thể hiện phong cách bắt nạt nhất quán của nước này, vi phạm các thông lệ quốc tế và vi phạm "Hiệp định về thiết lập cơ chế tham vấn để tăng cường an ninh quân sự trên biển" do cơ quan quốc phòng Trung Quốc và Mỹ ký năm 1998, làm tổn hại đến lòng tin giữa Hải quân Trung Quốc và cơ quan Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ”.

Ông Lưu Văn Thắng nói thêm: “Trung Quốc hy vọng phía Mỹ thực sự tôn trọng nội dung của Hiệp định, không “hợp thì dùng, không hợp thì bỏ”, chỉ trích cho người khác, trốn tránh trách nhiệm của mình, thực sự đi cùng Trung Quốc, sớm đạt được nhất trí với Trung Quốc về các vấn đề liên quan và thúc đẩy hội nghị diễn ra thuận lợi.

Có ý kiến cho rằng việc Trung Quốc bỏ không tham dự Hội nghị MMCA vào thời điểm này sẽ khiến quan hệ giữa giới quân sự hai nước tiếp tục xấu thêm.