Mỹ chế tạo tàu ngầm răn đe hạt nhân thế hệ mới

Tàu ngầm hạt nhân mới với các cải tiến về vũ khí và công nghệ giúp Mỹ duy trì khả năng răn đe hạt nhân chiến lược tối thiểu tới năm 2085.
Tàu ngầm lớp Ohio của hải quân Mỹ. Ảnh: Scout
Tàu ngầm lớp Ohio của hải quân Mỹ. Ảnh: Scout

Hải quân Mỹ đã bắt đầu thiết kế và chế tạo một mẫu tàu ngầm tên lửa hạt nhân thế hệ mới nhằm thay thế tàu ngầm lớp Ohio (ORP) để duy trì khả năng răn đe hạt nhân của nước này, theo Scout.com.

Tàu ngầm răn đe hạt nhân thế hệ mới này dự kiến bắt đầu được chế tạo vào năm 2021. Công tác chuẩn bị, chi tiết kỹ thuật và đóng nguyên mẫu ban đầu đã được tiến hành ở nhà máy đóng tàu General Dynamics Electric Boat.

Loại tàu ngầm mới này sẽ có chiều dài 170,6 m, trang bị 16 tên lửa đạn đạo Trident II D5. ORP sẽ được thiết kế tàng hình, có khả năng răn đe hạt nhân công nghệ cao để lặng lẽ tuần tra dưới lòng đại dương trên toàn thế giới.

"Tàu ngầm mới này được thiết kế để phục vụ trong vòng 42 năm và có thể duy trì tới những năm 2080. Nó cũng sẽ có khả năng sống sót và răn đe đáng tin cậy. Việc chế tạo tàu ngầm đầu tiên loại này sẽ hoàn thành vào năm 2028 và tiến hành tuần tra tác chiến lần đầu vào năm 2031", David Goggins, quản lý dự án ORP, nói.

Hải quân Mỹ hi vọng sẽ đóng và vận hành 12 tàu ngầm hạt nhân ORP mới để đưa vào biên chế đầu thập niên 2040 cũng như kéo dài thời hạn phục vụ của nó đến thập niên 2080. 

Các quan chức hải quân Mỹ cho biết một trong số những nhiệm vụ chính của tàu ORP là răn đe hạt nhân. Loại tàu ngầm mới này được thiết kế để âm thầm tuần tra dưới lòng đại dương và sẽ có vai trò răn đe chiến lược quan trọng nhằm đảm bảo khả năng trả đũa của Mỹ trong trường hợp bị tấn công hạt nhân.

Hải quân Mỹ dự tính chỉ đóng 12 tàu ORP mới thay thế cho 14 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio hiện nay do tàu mới có lò phản ứng hạt nhân cải tiến, giúp duy trì hoạt động lâu hơn.

"Nhờ tuổi thọ của lò phản ứng hạt nhân trên tàu mới, chúng ta sẽ không cần tiếp liệu giữa chừng trong 42 năm hoạt động của tàu. Điều này khiến 12 tàu ngầm mới sẽ duy trì thời gian hiện diện trên biển ngang với 14 tàu hiện nay, và mỗi chiếc sẽ tiết kiệm được 40 tỷ USD chi phí mua sắm và bảo dưỡng không cần thiết", Goggins cho biết.

Tàu ORP sẽ có một loạt công nghệ mới, phần nhiều trong số này kế thừa từ tàu ngầm tấn công lớp Virginia. Việc cải tiến công nghệ và vũ khí trên các tàu ngầm tấn công hiện có giúp tàu ngầm ORP tiết kiệm chi phí phát triển mà vẫn được trang bị các hệ thống mới nhất, Goggins giải thích.

Hệ thống điều khiển điện tử trong tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia. Ảnh: US Navy

Đặc biệt, tàu ORP sẽ tận dụng hệ thống điều khiển điện tử và hệ thống thủy âm mảng pha hình cung tầm xa. Hệ thống thủy âm này hoạt động bằng cách phát ra một sóng âm sau đó phân tích sóng dội lại để xác định vị trí và kích thước của một mối đe dọa dưới lòng biển.

Hệ thống tác chiến của tàu ngầm tấn công lớp Virginia cũng được tích hợp vào loại tàu ngầm mới ORP gồm hệ thống trinh sát điện tử, kính tiềm vọng dùng cáp quang và màn hình điện tử, radio và hệ thống máy tính.

Tàu ngầm mới hiện cũng có một động cơ điện tử mới sử dụng thanh trục và cánh quạt trong hệ thống đẩy. Động cơ mới giúp tàu ngầm ORP có lực đẩy hiệu quả hơn và có khả năng mang lại những lợi thế chiến thuật, Goggins giải thích.

Chi phí chế tạo chiếc đầu tiên trong hạm đội 12 tàu ngầm ORP mới dự kiến vào khoảng 12,4 tỷ USD. Hải quân Mỹ hi vọng những tàu ngầm sau này sẽ có giá thành 4,9 tỷ USD mỗi chiếc.

Theo Vnexpress