Mỹ “bóp chết” Trung Quốc với liên hoàn trận tên lửa (II)

VietTimes -- Trong tình huống gia tăng căng thẳng và nguy cơ đe dọa bùng phát xung đột với các đồng minh Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines hoặc các nước khác, hệ thống các tên lửa đối hạm bố trí trên đất liền (không phải của Mỹ) sẽ được đưa vào một hệ thống chỉ huy hợp nhất do Mỹ dẫn đầu.
Chiến hạm Mỹ khai hỏa tên lửa trên biển
Chiến hạm Mỹ khai hỏa tên lửa trên biển

Với hệ thống tên lửa đối hạm của các nước khu vực từ đất liền và có thể từ trên biển tùy theo tình huống, các nước đồng minh khả năng khống chế tất cả các eo biển mà qua đó hải quân PLA có thể vào được Thái Bình Dương.

Khu vực được phong tỏa bằng tên lửa đất đối hạm của các nước trong vùng biển Hoa Đông và Biển Đông

Trong tình huống gia tăng căng thẳng, các hệ thống tên lửa đối hạm từ đất liền có thể đe dọa an ninh hàng hải của Trung Quốc tương tự như Trung Quốc đã từng đe dọa các nước láng giềng thông qua các cuộc diễn tập quân sự có bắn đạn thật.

Điều đó sẽ buộc Bắc Kinh phải gia tăng các hoạt động quân sự răn đe, đồng thời tăng cường ngân sách cho các loại vũ khí đánh chặn mới. Đơn cử như nếu Mỹ cung cấp các thông tin tình báo về các chiến hạm của PLA cho Việt Nam, tất cả các hạm tàu của PLA sẽ nằm trong tầm bắn của các tên lửa đối hạm từ bờ biển Việt Nam. Nguy cơ này buộc Trung Quốc phải phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa như Aegis khá tốn kém và phải dè chừng hơn trong các động thái gây căng thẳng.

 Trong trường hợp nổ ra các hoạt động quân sự, với sự hỗ trợ của thông tin tình báo, trinh sát và cũng như các hoạt động tác chiến điện tử, ưu thế số đông về phương tiện và hỏa lực sẽ suy giảm đáng kể và có thể Trung Quốc sẽ không đạt mục đích của mình nếu các eo biển đồng loạt bị các hệ thống tên lửa đối hạm bờ biển phong tỏa.

Phong tỏa các eo biển Malacca, Sunda và Lombok

Eo biển Malacca tương đối hẹp rất có ý nghĩa chiến lược. Các nước Indonesia và Malaisia có các đơn vị tên lửa đối hạm bố trí trên đất liền, đánh chặn hiệu quả các mục tiêu trên suốt chiều dài 730 km của eo biển này.

Mặc dù các khẩu đội tên lửa đối hạm có thể bị tiêu diệt, nhưng nếu thiếu sự tham gia của lục quân PLA, tiêu diệt các khẩu đội tên lửa rất khó khăn, do kích thước các bệ phóng rất nhỏ và có thể cơ động. Các tên lửa đối hạm bố trí trên đất liền có tầm bắn lớn như C-802 ASM của Indonesia (phiên bản tương đương YF-2 của Trung Quốc) có hiệu quả nhất.

Nhưng việc đóng cửa eo biển Malacca không bảo đảm phong tỏa đường biển của Trung Quốc. Để thực hiện sứ mệnh đó, cần áp dụng các biện pháp tương tự ở trên 2 eo biển Sunda và Lombok. Vì chiều rộng của các eo biển này không quá lớn, RAND không thấy có bất cứ khó khăn nào trong việc phong tỏa bằng tên lửa đối hạm bố trí trên đất liền.

Nhật Bản, Đài Loan và Philippines

Nếu Đài Loan và Philippines bị lôi kéo vào cuộc xung đột tiềm năng, các khẩu đội tên lửa đối hạm bố trí trên đất liền được triển khai trên lãnh thổ những nước này cũng sẽ trở thành phương tiện hạn chế tự do hành động của hải quân PLA.

Ví dụ, tên lửa đặt trên đảo Đài Loan có bán kính hoạt động 100 km kết hợp với những tên lửa có tầm tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 200 km sẽ bảo đảm kiểm soát được sự qua lại của tàu bè từ đảo Okinawa xuống phương Nam.

Một phương án khác bảo vệ khu vực này là bố trí tên lửa đối hạm có bán kính hoạt động 200 km trên đảo Ryukyu. Khoảng trống giữa Okinawa và Nhật có thể được khống chế bằng các tên lửa đối hạm có tầm bắn 100 km bố trí trên lãnh thổ Nhật Bản. Eo biển Luzon, khu vực đảo Borneo và Philippnes được phong tỏa bằng tên lửa đối hạm đặt trên đảo Đài Loan và lãnh thổ Malaisia hoặc Philippines.

Nhưng theo nhận định của các chuyên gia, trong trường hợp nói trên, vùng biển nằm giữa Australia và Indonesia sẽ không kiểm soát được. Vấn đề này có thể được giải quyết nếu sử dụng tên lửa đối hạm PJ-10 Brahmos phiên bản đất đối hải, bố trí trên lãnh thổ Indonesia hoặc Australia.

Hàn Quốc và Nhật Bản

Hải quân PLA cũng có thể sử dụng eo biển giữa Hàn Quốc  và Nhật Bản để quá cảnh tàu bè. Có thể dễ dàng ngăn chặn eo biển nhờ sử dụng tên lửa đối hạm bố trí trên đất liền có bán kính hoạt động 100-200 km, đặt trên lãnh thổ hai nước này. Theo nhận định của các chuyên gia, để đạt được mức độ an toàn tối ưu của eo biển này cần phải đồng thời sử dụng tên lửa đối hạm bố trí trên đất liền có trong trang bị của hai nước nói trên.                       

 Phương án bố trí tên lửa đối hạm tối ưu

Các chuyên gia cho rằng, bố trí tên lửa đối hạm đặt trên đất liền tại tất cả các lãnh thổ nói trên không quá khó khăn. Hơn thế nữa, triển khai cố định tên lửa đất đối hạm sẽ gây ra cảm giác bất an từ phía Trung Quốc và sẽ tạo ra áp lực trong những cuộc đàm phán quốc tế về Biển Hoa Đông và Biển Đông lên Bắc Kinh.

Mỹ “bóp chết” Trung Quốc với liên hoàn trận tên lửa (II) ảnh 2

Để tên lửa đối hạm bố trí trên đất liền hoạt động như những phương tiện kiềm chế, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ với các quốc gia triển khai các lực lượng tên lửa.

Phương án tối ưu để bố trí các tên lửa đối hạm là các chuyên gia quân sự Mỹ sẽ tư vấn những địa điểm chiến lược trên lãnh thổ các quốc gia châu Á đồng thời cung cấp cơ sở dữ liệu tình báo về các hoạt động của lực lượng hải quân PLA.

Nhiều loại tên lửa đối hạm có thể bố trí được không chỉ trên đất liền mà còn theo những phương án khác, cho phép sử dụng chúng linh hoạt hơn tương tự như tổ hợp tên lửa Club – K của Nga sản xuất. Điều đó sẽ khiến kẻ thù tiềm năng gặp khó khăn rất lớn trong việc theo dõi các khẩu đội tên lửa và giảm thiểu nguy cơ bị tiêu diệt. Các tổ hợp tên lửa đất đối hạm cũng phải được bảo vệ bằng các lực lượng phòng không, phòng thủ tên lửa.

Đánh giá ảnh hưởng của khu vực tới chiến lược sử dụng tên lửa đối hạm bố trí trên đất liền để kiềm chế hải quân PLA, các nhà phân tích RAND cho thấy, không phải tất cả các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều là các nước đồng minh và hoặc đối tác đầy đủ của Mỹ. Ví dụ rõ nhất là Indonesia, mặc dù được cung cấp viện trợ quân sự Mỹ, nhưng đang củng cố các mối quan hệ với Trung Quốc.

Việc thuyết phục các nước tham gia vào một hệ thống tên lửa đối hạm trên đất liền là vấn đề lớn của chính sách đối ngoại Washington trong khu vực. Mỹ buộc phải đi tiên phong trong lĩnh vực tự do hàng hải và làm rõ những lợi ích mà các quốc gia có thể có được trong hệ thống tên lửa đối hạm khu vực này. 

Mỹ “bóp chết” Trung Quốc với liên hoàn trận tên lửa (II) ảnh 3
Hai tuyến phong tỏa biển theo khái niệm Tác chiến Không - Hải Mỹ

Sự hợp tác trong khuôn khổ việc xây dựng một hệ thống phòng thủ chung bằng tên lửa đối hạm bố trí trên đất liền có thể cải thiện đáng kể mối tương tác giữa Mỹ và các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia. Trong một trường hợp khác, ví dụ như Philiphines không có tên lửa đất đối hạm, trên cơ sở hiệp ước đồng minh, Mỹ sẽ phải cung cấp các tên lửa đối hạm cho quân đội Philiphines loại vũ khí này, ví dụ như tổ hợp pháo phản lực – tên lửa đạn đạo HIMARS.

Nhưng có một vấn đề mang tính thời sự là, liệu các nước này có thể sử dụng hiệu quả tên lửa đối hạm bố trí trên đất liền để phong tỏa hải quân PLA hay không. Nhiều chuyên gia cho rằng việc hợp tác với các nước châu Á trong lĩnh vực này có thể sẽ vấp phải khó khăn đáng kể.

Tên lửa đối hạm bố trí trên đất liền, triển khai ở địa hình khó tiếp cận có khả năng cải thiện đáng kể hệ thống kiềm chế Trung Quốc của Mỹ mà không phải dùng đến trang thiết bị quân sự đắt tiền. Hệ thống tên lửa liên minh có thể làm cho nhiệm vụ tuần tra của lực lượng không quân và hải quân Mỹ trở nên nhẹ nhàng hơn. Hệ thống các tổ hợp tên lửa đối hạm trên lãnh thổ những quốc gia - đồng minh và đối tác trong khuôn khổ Tác chiến Không – Biển (Air Sea Battle) cho phép Mỹ có được giải pháp đối phó hiệu quả với chiến lược chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc.

Theo RAND