Người ta nói về nhiều nguyên nhân dẫn tới việc bán đảo Triều Tiên tiến sát đến miệng hố chiến tranh, nhưng ở đây, có một điều quan trọng hơn ẩn giấu liên quan tới Triều Tiên và đối tác thương mại chủ chốt cũng như đồng minh duy nhất - Trung Quốc (TQ).
Về lịch sử, khiTriều Tiênkhiêu khích Hàn Quốc, thường là để khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc hay thu hút sự chú ý của Bắc Kinh. Điều đó có khả năng đúng trong trường hợp lần này.
Các quan chức TQ và Triều Tiên đã từng có các cuộc hội đàm, chủ yếu ở khu vực biên giới hai bên thuộc tỉnh Liêu Linh vào giữa những năm 2000. Phần lớn các cuộc thảo luận đều liên quan tới việc TQ thúc giục hai miền Triều Tiên kiềm chế.
Thực tế mà nói, trong tình huống xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, hàng triệu ngườiTriều Tiên sẽ chạy sang TQ, nên TQ quan tâm nhất và có lợi ích đó là giúp đảm bảo hòa bình trên bán đảo.
Phần thương thảo cốt lõi cũng thường liên quan tới những gì Bình Nhưỡng muốn - không hẳn từ đối thủ phía nam mà từ chính TQ. Triều Tiên trông chờ vào TQ lương thực, vũ khí và năng lượng. TQ thì có xu thế sử dụng 'củ cà rốt' hơn là 'cây gậy' để đổi lấy sự hợp tác từ phía Triều Tiên.
Các diễn biến gần đây có lẽ xuất phát từ việc thiếu tiền mặt và lương thực. Trong khi vụ việc diễn ra ở khu phi quân sự hai miền, thì có quá nhiều điều phải làm trong mối quan hệ Bình Nhưỡng - Bắc Kinh hơn là quan hệ liên Triều.
Hạn hán hồi tháng 6 ở Triều Tiên đã ảnh hưởng tới sản lượng thu hoạch lương thực nhiều hơn cả những gì mà Chương trình Lương thực Thế giới ước tính. Bình Nhưỡng gần đây mô tả hạn hán 2015 là tồi tệ nhất trong 100 năm nay. Hơn thế nữa, việc Bình Nhưỡng đóng cửa biên giới vài tháng do dịch Ebola bùng phát đã khiến công nghiệp du lịch tổn thất lớn. Đây là ngành mang lại nguồn thu ngoại tệ cho Triều Tiên.
Thêm vào đó, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đến nay vẫn từ chối đề nghị một cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Thiếu tiền mặt, lương thực, lại cảm giác không nhận được nhiều sự ưu ái từ Bắc Kinh, hành xử vừa qua của Triều Tiên là không đáng ngạc nhiên.
Trong khi phần lớn cộng đồng quốc tế tập trung vào những sự kiện diễn ra ở Panmunjom (Bàn Môn Điếm) - ngôi làng ở giới tuyến phân cách hai miền Triều Tiên, nơi đóng vai trò cầu nối để quan chức hai miền họp bàn giảm căng thẳng - thì kinh nghiệm quá khứ cho thấy, nên mong chờ vào các hoạt động tại thị trấn Đơn Đông ở biên giới TQ với mạng lưới đường sắt và đường bộ dẫn vào Triều Tiên.
Sau cuộc đụng độ hải quân tháng 11/2009 giữa hai miền Triều Tiên, lương thực viện trợ (chủ yếu là ngũ cốc) đã được vận chuyển qua hệ thống đường sắt vào Triều Tiên. Các nhà quan sát khu vực dọc biên giới TQ với Triều Tiên cũng chứng kiến rất nhiều xe tải, thiết bị hạng nặng nước này hiện diện ở phía bên kia biên giới.
Thực tế tương tự cũng sẽ xảy ra vào thời điểm này: bằng cách khai hỏa với Hàn Quốc, Triều Tiên có thể có được viện trợ bổ sung từ phía TQ - như đã từng trong quá khứ.
Báo giới và các nhà phân tích thường tự hỏi, vì sao TQ - nước sản xuất ngũ cốc lớn thứ hai thế giới - lại phải nhập khẩu và tích trữ ngũ cốc. Không phải ngẫu nhiên và các kho dự trữ ngũ cốc lại nằm ở gần biên giới vớiTriều Tiên.
Trong khi nhiều người chú ý vào việc Mỹ và Hàn Quốc quản lý các vấn đề với Triều Tiên thế nào, thì ít ai để tâm tới một thực tế rằng, TQ là nước bảo trợ chính cho sự ổn định của Triều Tiên, cung cấp phần lớn lương thực và hơn 90% năng lượng cho nước này.
TQ phản ứng có chút khác biệt với các sự kiện gần đây so với quá khứ. Khi căng thẳng trên bán đảo leo thang, có thông tin nước này đã điều động một số lượng lớn tài sản quân sự tới thành phố Diên Cát, cách biên giới Triều Tiên 30km. Thực tế là chính phủ TQ cho phép báo chí chụp hình, đăng tải những hình ảnh về động thái này.
Một phần là do so với trước, TQ quan tâm hơn đến sự ổn định của chính quyền Bình Nhưỡng. Họ muốn truyền tải thông điệp, trong trường hợp Triều Tiên cần sự đảm bảo của quân đội nước ngoài, thì TQ sẽ là đầu tiên.
Cuối cùng, hãy trở lại chuyện lương thực và nhiên liệu. Sau cuộc đối mặt căng thẳng giữa hai miềnTriều Tiên, Bắc Kinh sẽ cung cấp cho Bình Nhưỡng những gì họ thực sự muốn.
Thái An theo Dân Trí