Liên tục tập trận lớn khắp 4 vùng biển, Trung Quốc đe dọa Đài Loan?

VietTimes – Trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ tiếp tục căng thẳng, quân đội Trung Quốc (PLA) mới đây đã liên tục công bố tin tức về các cuộc tập trận cùng lúc trên nhiều vùng biển. Các động thái quân sự mới có thể khiến Đài Loan phải chịu áp lực quân sự lớn hơn.
Các loại tàu chiến Trung Quốc diễn tập đổ bộ chiếm đảo ở vùng biển Hoàng Sa đầu tháng 7 (Ảnh: Đa Chiều).
Các loại tàu chiến Trung Quốc diễn tập đổ bộ chiếm đảo ở vùng biển Hoàng Sa đầu tháng 7 (Ảnh: Đa Chiều).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 24/8, chỉ trong hơn một tháng qua, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự lớn trên nhiều vùng biển. Các cuộc tập trận của PLA diễn ra tại tất cả 4 vùng biển: Bột Hải, Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông.

Theo trang web chính thức của Cục An toàn Hàng hải Sơn Đông và Cục An toàn Hàng hải Hải Nam, PLA sẽ tiến hành bắn đạn thật ở vùng biển phía đông Thanh Đảo đến Liên Vân Cảng ở Hoàng Hải từ ngày 22 đến 26/8 và từ ngày 24 đến 29/8 ở vùng biển đông nam tỉnh Quảng Đông.

Trước đó, tuần trước, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Reagan đã trở lại Biển Đông để tập trận; các máy bay trinh sát của Mỹ cũng đã nhiều lần áp sát Quảng Đông và Hong Kong, tiếp tục làm nóng thêm quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong hơn 1 tháng qua, Trung Quốc đã tiến hành 9 cuộc tập trận ở cả 4 vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông (Ảnh: Đa Chiều).
Trong hơn 1 tháng qua, Trung Quốc đã tiến hành 9 cuộc tập trận ở cả 4 vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông (Ảnh: Đa Chiều).

Điều đáng chú ý là, xét từ diễn biến trong tháng qua, PLA đã công bố ít nhất 9 hoạt động quân sự trong đó có các cuộc tập trận bắn đạn thật.

Trên Biển Đông, trang web chính thức của Cục An toàn Hàng hải Hải Nam thông báo, từ ngày 24 đến 29/8, các hoạt động huấn luyện quân sự sẽ được tiến hành tại vùng biển phía đông nam đảo Hải Nam. Trước đó, vào cuối tháng 7,  Chiến khu Miền Nam PLA đã tổ chức cho máy bay ném bom thực hiện các chuyến bay huấn luyện cường độ cao cả ngày lẫn đêm trên Biển Đông.

Vào ngày 20 tháng 8, theo trang wei bo chính thức của Thời báo Hoàn cầu, một phân đội tàu khu trục của Hải quân Chiến khu Miền Đông đã tổ chức cho các hạm tàu Hàng Châu, Thái Châu và Từ Châu tiến hành huấn luyện thực chiến nhiều khoa mục tại một khu vực trên biển Hoa Đông. Nội dung huấn luyện bao gồm chống trả tên lửa đối phương tấn công.

Trước đó, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ USS Mustin và tàu khu trục Ryotsuki của Nhật đã tổ chức cuộc tập trận chung ở biển Hoa Đông vào ngày 17/8.

Khu trục hạm USS DDG-89 Mustin của Mỹ hôm 18/8 cùng tàu chiến Nhật diễn tập trên biển Hoa Đông (Ảnh: Đông Phương).
Khu trục hạm USS DDG-89 Mustin của Mỹ hôm 18/8 cùng tàu chiến Nhật diễn tập trên biển Hoa Đông (Ảnh: Đông Phương).

Vào ngày 18/8, khu trục hạm USS Mustin lại đi qua eo biển Đài Loan và tái gia nhập nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Đáp lại, Trương Xuân Huy, người phát ngôn của Chiến khu miền Đông PLA, ngày 19/8 nói rằng các lực lượng của họ sẽ luôn duy trì cảnh giác cao độ và kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Theo thông tin trên trang mạng The Times của Anh ngày 21/8, Trung Quốc đã hoàn thành cuộc diễn tập bắn đạn thật kéo dài 3 ngày ở biển Hoa Đông. Tin nói, trong những tuần gần đây, quân đội ngày càng hùng mạnh của Trung Quốc đã tăng tần suất huấn luyện ở vùng biển gần Đài Loan. Khoảng một tuần trở lại đây, Trung Quốc liên tục tổ chức các cuộc tập trận thực chiến ở eo biển Đài Loan và hai đầu nam bắc, đồng thời nói các cuộc tập trận là lời cảnh báo đối với thế lực "Đài Loan độc lập".

Nhà bình luận quân sự Tống Trung Bình nói trong một phân tích rằng một loạt các cuộc tập trận như vậy ở Chiến khu Miền Đông nhằm tăng cường chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh quân sự chống Đài Loan, đặc biệt là chuẩn bị đương đầu với sự can thiệp của những kẻ thù hùng mạnh. Cả eo biển Đài Loan và hai đầu phía bắc và nam đảo Đài Loan đều trở thành bãi tập trận, trên thực tế đã hình thành “cuộc diễn tập toàn diện” chống Đài Loan.

Máy bay trinh sát Mỹ tăng cường hoạt động trinh sát ở vùng biển Đông Nam tỉnh Quảng Đông (Ảnh: SCSPI).
Máy bay trinh sát Mỹ tăng cường hoạt động trinh sát ở vùng biển Đông Nam tỉnh Quảng Đông (Ảnh: SCSPI).

Ngoài tác dụng răn đe, các cuộc diễn tập quân sự thực tế còn có tác dụng quan trọng hơn là tiến hành các cuộc diễn tập thực hiện các phương án tác chiến trong điều kiện môi trường thực tế. Đó chính là bản chất của việc “luyện để chiến đấu, không phải để xem”.

Theo Đa Chiều, điều đáng lưu ý là, trước và sau khi Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar thăm Đài Loan hồi đầu tháng 8, Bắc Kinh đã đưa ra cảnh báo quân sự về các hành động thực tế. Giờ đây, một loạt các hành động quân sự mới diễn ra như đã báo có thể khiến Đài Loan phải hứng chịu thêm áp lực quân sự lớn hơn

Tính đến thời điểm hiện tại, các tỉnh Sơn Đông, Quảng Đông, Hà Bắc và Hải Nam đã liên tiếp thông báo rằng PLA sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở Hoàng Hải, Bột Hải và Biển Đông gần như đồng thời bắt đầu từ ngày 22/8.

Vị trí quan trọng của đảo Đông Sa trên Biển Đông và khoảng cách đến Sán Đầu, Hồng Kông, Đài Loan, Hải Nam, đảo Ba Bình, Philippines (tính bằng hải lý) (Ảnh: orchina).
Vị trí quan trọng của đảo Đông Sa trên Biển Đông và khoảng cách đến Sán Đầu, Hồng Kông, Đài Loan, Hải Nam, đảo Ba Bình, Philippines (tính bằng hải lý) (Ảnh: orchina).

Ngay từ đầu tháng 5, một bản tin độc quyền của Kyodo News dẫn các nguồn tin nói rằng vào tháng 8, PLA sẽ tổ chức một cuộc tập trận đổ bộ quy mô lớn ở Biển Đông gần đảo Hải Nam với mục tiêu giả tưởng là “đánh chiếm quần đảo Đông Sa thuộc quyền kiểm soát của Đài Loan”.

Vào thời điểm đó, Kyodo News đưa tin rằng cuộc tập trận do Chiến khu Miền Nam chịu trách nhiệm bảo vệ Biển Đông thực hiện, sử dụng các tàu đổ bộ, thủy phi cơ, trực thăng và lính thủy đánh bộ với quy mô “chưa từng có”. Có nhà bình luận người Đài Loan cho rằng quần đảo Đông Sa nằm trên tuyến đường từ đảo Hải Nam, nơi Hải quân PLA có căn cứ, đến Thái Bình Dương qua kênh Bashi giữa nam Đài Loan và Philippines, điều này rất quan trọng đối với PLA. Đặc biệt là với việc tàu sân bay Sơn Đông đã được triển khai ở Hải Nam vào tháng 12/2019, đảo Đông Sa ý nghĩa chiến lược quan trọng cho việc tàu này đi ra Thái Bình Dương; đồng thời, việc chiếm được đảo Đông Sa cũng có thể chuẩn bị cho việc hoạch định vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông. “Đối với PLA, việc kiểm soát Đông Sa thực sự là rất cần thiết”.

Mặc dù tính xác thực của thông tin này đã làm dấy lên sự nghi ngờ từ những người bên ngoài vào thời điểm đó, nhưng quân đội Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố khẩn cấp vào ngày 13/5 rằng họ “có thể đảm bảo được an ninh cho Đông Sa”.

Đảo Đông Sa với sân bay quân sự hiện đang do Đài Loan kiểm soát (Ảnh: news.ltn.com.tw).
Đảo Đông Sa với sân bay quân sự hiện đang do Đài Loan kiểm soát (Ảnh: news.ltn.com.tw).

Giờ đây, sắp đến cuối tháng 8, Cục An toàn Hàng hải Hải Nam của Trung Quốc ngày 21/8 bất ngờ thông báo rằng PLA sẽ tiến hành các hoạt động huấn luyện quân sự ở vùng biển phía đông nam đảo Hải Nam từ ngày 24 đến 29 và vùng biển này chính là tiếp giáp với đảo Đông Sa nói ở trên.

Theo Cục An toàn Hàng hải Hải Nam, Trung Quốc ra lệnh cấm hàng hải từ 0 giờ ngày 24 đến rạng sáng ngày 29/8, các tàu bè bị cấm đi vào khu vực mà PLA tiến hành huấn luyện quân sự. Tuy nhiên, PLA cho đến nay vẫn chưa tiết lộ gì về lực lượng tham gia hoạt động và nội dung cuộc huấn luyện quan trọng này.

Đồng thời, đối với nhiệm vụ huấn luyện quân sự bí mật kéo dài 6 ngày này, giới quan sát bên ngoài cũng cho rằng nó có liên quan đến một loạt hoạt động quân sự gần đây của Mỹ ở Biển Đông. Thực tế, theo cơ quan nghiên cứu chiến lược Trung Quốc có tên "Chương trình Nhận thức Tình hình Chiến lược Biển Đông" (SCSPI), các máy bay trinh sát của quân đội Mỹ đã tiến hành áp sát quan sát chặt chẽ bờ biển đông nam Trung Quốc trong hàng chục ngày liên tục.

Giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh quan hệ Trung - Mỹ hiện rất xấu, các hành động quân sự của Mỹ trên bờ biển đông nam Trung Quốc vừa là hành động khiêu khích, vừa là sự mở đường để gây sự trong vấn đề Đài Loan và vấn đề Biển Đông nhằm cản trở Bắc Kinh. Trước đó, PLA đã tiến hành một cuộc “giằng co” kéo dài với quân đội Mỹ theo hướng từ eo biển chiến lược Bashi ra vào Thái Bình Dương; đảo Đông Sa là một điểm trọng yếu và Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép nó trở thành cái nêm mà Mỹ và Đài Loan liên kết chốt chặt lối đi này.  

Tất nhiên, xét từ mặt khác, khi quan hệ hai bờ eo biển đã xấu đi và thậm chí "thuyết thống nhất vũ lực" được thổi phồng lên, liệu đại lục có nhân đó thực hiện bước đi bằng vũ lực đầu tiên để kiềm chế ý định "bác bỏ tái thống nhất" của Đài Loan? Điều này thực sự có thể xảy ra, nhưng đảo Đông Sa nhỏ bé nằm phía bên ngoài cửa sông Châu Giang có lẽ không nên là một mục tiêu chiến lược. Một số trang mạng Trung Quốc đã ám chỉ đến việc PLA thừa cơ tập trận để đoạt lấy Đông Sa, nhưng cũng có ý kiến cho rằng khả năng này khó có thể xảy ra.

Quần đảo Đông Sa với đảo Đông Sa (trái) nhìn từ vệ tinh (Ảnh: njepr.com).
Quần đảo Đông Sa với đảo Đông Sa (trái) nhìn từ vệ tinh (Ảnh: njepr.com).

Điều đáng chú ý là trước và sau chuyến thăm Đài Loan của ông Azar, Chiến khu Miền Đông của PLA đã triển khai lực lượng nhiều quân binh chủng theo nhiều hướng thành một hệ thống, liên tục tổ chức các cuộc tập trận thực binh ở eo biển Đài Loan và hai đầu phía bắc và nam, nhằm phong tỏa eo biển Đài Loan để gây sức ép với Đài Loan và đe dọa thế lực “Đài Loan độc lập”.

Vào thời điểm đó, khi trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: “Gần đây, cường quốc cá biệt (ám chỉ Mỹ) liên tục có động thái tiêu cực về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, gửi tín hiệu sai lầm nghiêm trọng tới thế lực “Đài Loan độc lập”; đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Các lực lượng của Chiến khu sẽ luôn duy trì cảnh giác cao độ, thực hiện mọi biện pháp cần thiết, kiên quyết chống lại mọi hành động khiêu khích gây chia rẽ đất nước, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”.

Đa Chiều cho rằng, có thể thấy, điều kiện "phần cứng" để Bắc Kinh tiến hành bước đi quân sự đầu tiên để “thống nhất bằng vũ lực” không có vấn đề gì, thậm chí giúp tăng thêm tích lũy "kinh nghiệm" trong các hoạt động đổ bộ; sự chú ý hiện tại của họ không chỉ giới hạn ở "chiến tranh tâm lý" mà thôi.