Nếu nhìn lại hơn 30 năm lịch sử của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dù không phải nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên ở Việt Nam, nhưng Hàn Quốc đang là quốc gia dẫn đầu về FDI với 64 tỉ USD tổng vốn đăng ký tính đến cuối tháng 2 vừa qua. Hàn Quốc nổi lên là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam khi đứng thứ nhất về đầu tư FDI, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại.
Theo Cơ quan Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Việt Nam đã trải qua ba làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc. Trong làn sóng đầu tiên, Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện của các nhà đầu tư Hàn Quốc tiên phong chính là các tập đoàn xây dựng như Posco và Daewoo. Sau đó, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc trong lĩnh vực quần áo và dệt may đã đến Việt Nam trong làn sóng thứ hai. Và trong làn sóng thứ ba, Việt Nam đang đón nhận dòng vốn đầu tư lớn tập trung vào lĩnh vực điện tử và hàng tiêu dùng với sự hiện diện tiêu biểu của Samsung - doanh nghiệp đóng góp một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018.
Làn sóng đầu tư tiếp theo của Hàn Quốc tại Việt Nam là gì? Ông Phạm Hồng Hải, CEO ngân hàng HSBC Việt Nam và ông Eun-Young Jung, CEO ngân hàng HSBC Hàn Quốc cùng chia sẻ nhận định với tạp chí Nhà Quản Lý trong một phỏng vấn ngày 6.5.
Ông Phạm Hồng Hải cho rằng, niềm tin lạc quan của nhà đầu tư nước ngoài nói chung đối với Việt Nam đến từ các yếu tố cơ bản như dân số trẻ, chi phí nhân công cạnh tranh, điều kiện vĩ mô và chính trị ổn định. Bên cạnh đó, một điểm nhấn quan trọng khác đến từ sự cởi mở của Chính phủ, chào đón nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam.
CEO ngân hàng HSBC Việt Nam, Phạm Hồng Hải
“Có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam – Hàn Quốc, chẳng hạn như tính chăm chỉ và kỷ luật. Các nhà đầu tư Hàn Quốc cảm thấy an toàn khi đầu tư và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam”, ông Hải nói.
Ông Eun-Young Jung cho biết, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc, đặc biệt trong bối cảnh “Chính sách phương Nam mới” (New Southern Policy) của Hàn Quốc – chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nước ASEAN.
“Có ngày càng nhiều chuỗi cung ứng của Hàn Quốc dịch chuyển đến các quốc gia Đông Nam Á và trong đó tôi cho rằng, Việt Nam là thị trường quan trọng nhất”, CEO HSBC Hàn Quốc khẳng định. Thêm vào đó, căng thẳng thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở thành yếu tố thuận lợi biến Việt Nam trở thành “nơi trú ẩn an toàn” trong chiến tranh thương mại.
“Sản xuất - chế tạo vẫn là lĩnh vực đầu tư tiêu biểu nhất của Hàn Quốc tại Việt Nam và chúng ta còn thấy đầu tư đang ngày càng gia tăng ở lĩnh vực dịch vụ, như bán lẻ, bán buôn, tài chính và bất động sản”, ông Jung nói thêm.
CEO HSBC Hàn Quốc tiết lộ các công ty Hàn Quốc sẽ còn mở rộng đầu tư ở các lĩnh vực mới như nông nghiệp, thực phẩm, cơ sở hạ tầng và năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo trong xu hướng Việt Nam đang định hướng xây dựng những thành phố thông minh và sử dụng nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
Trong một phỏng vấn độc quyền gần đây với Nhà Quản Lý, ông Lee Chang-Hoon, CEO của tập đoàn Hyundai tại Campuchia chia sẻ về việc tập đoàn này đang nghiên cứu đầu tư nông nghiệp tại miền Nam Việt Nam, cụ thể đối với mặt hàng rau củ quả. Hyundai đã bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp từ năm 2011. Tại Đông Nam Á, tập đoàn này đã bắt đầu “câu chuyện đầu tư nông nghiệp” kể từ năm 2015 với mô hình trang trại xoài (mango farm) tại Campuchia.
CEO ngân hàng HSBC Hàn Quốc, Eun-Young Jung
Cùng với các khoản đầu tư trực tiếp, Hàn Quốc cũng tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua con đường mua bán và sáp nhập (M&A). Ông Jung điểm lại thương vụ tiêu biểu của SK khi mua cổ phần tập đoàn Masan – một tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu của Việt Nam
Tổng giám đốc ngân hàng HSBC Hàn Quốc cho rằng, một trong những mục tiêu của những thương vụ tương tự như vậy là nhằm thăm dò thị trường, thông hiểu cách vận hành địa phương trước khi mở rộng.
Ông Hải phân tích thêm, một cách tự nhiên các nhà đầu tư nước ngoài thường muốn tự điều hành công việc kinh doanh của mình và kiểm soát tất cả, như lĩnh vực chế tạo chẳng hạn. Tuy nhiên, đối với các ngành (đòi hỏi mức độ địa phương hóa cao) như bất động sản hay bán lẻ, các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải đi cùng các đối tác địa phương.
CEO HSBC Việt Nam chỉ ra cách thức các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu về thị trường thông qua hoạt động M&A: “Mua một tỉ lệ nhỏ cổ phần trước, để tìm hiểu thị trường, xây dựng mối quan hệ, trước khi mở rộng hơn nữa”.
Ông Hải cho rằng có một xu hướng có thể được quan sát trong thời gian tới: sau sự đổ bộ của các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, giờ đây chúng ta nhìn thấy làn sóng tiếp theo của các nhà cung ứng.
“Samsung và LG sẽ yêu cầu các nhà cung ứng Hàn Quốc đến thiết lập nhà máy ở Việt Nam. Hiệu ứng của đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ được nhân lên nhiều lần. Thay vì chỉ dừng lại ở một khoản đầu tư duy nhất, Việt Nam sẽ có nhiều nhà cung ứng đến đầu tư”.
Ông Hải nhấn mạnh: “Như vậy chúng ta có thể xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu ở Việt Nam và điều đó cũng khiến cho Việt Nam trở nên vô cùng cạnh tranh so với các quốc gia khác”.
Bên cạnh các doanh nghiệp vệ tinh đi cùng tập đoàn lớn của Hàn Quốc sang Việt Nam, một điều quan trọng nữa cần lưu ý đó là sự tham gia của các nhà cung ứng nội địa để có thể nâng cao tỉ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tổng giám đốc HSBC Hàn Quốc cho biết thêm.
Theo Nhà Quản Lý
Link gốc: http://www.nhaquanly.vn/lan-song-thu-tu-cua-dong-von-han-quoc-vao-viet-nam-d20190507102835942.html#