Lần chết hụt kinh hoàng của viên phi công B52 Mỹ tham chiến tại Việt Nam

VietTimes -- Một tai nạn kinh hoàng của máy bay ném bom chiến lược B-52 đã ném Don Harten xuống Biển Đông trong siêu bão. Viên phi công Mỹ thoát chết một cách đáng kinh ngạc trên biển lớn, may mắn đã theo anh ta suốt cuộc chiến ở Việt Nam sau này.
Một chiếc F-105 trúng đạn bốc cháy dữ dội, phi công Mỹ nhảy dù trên bầu trời miền Bắc Việt Nam
Một chiếc F-105 trúng đạn bốc cháy dữ dội, phi công Mỹ nhảy dù trên bầu trời miền Bắc Việt Nam

Siêu bão Dinah là nguyên nhân chính cho những sai lầm kinh khủng trong phi vụ Arc Light đầu tiên của máy bay ném bom chiến lược B-52. Dưới quyền chỉ huy của cơ trưởng Jim Gehrig, chiếc B52 của Harten là một trong phi đội ba chiếc bay đến địa điểm tiếp nhiên liệu trên không - trên không phận bán đảo Luzon của Philippines - sớm nhất. Ngâm nước mưa 9 phút trên độ cao 9.000 mét không phải là việc dễ dàng cho B-52. Khi được tiếp nhiên liệu đầy đủ, máy bay có thể nặng đến 118 tấn, chưa kể 22 tấn bom.

Cách nhau khoảng một phút bay, các máy bay B-52 trong phi đội bắt đầu bẻ lái bên trái và thực hiện một vòng bay 360 độ, có chu vi 40km. Tuy nhiên, Harten phát hiện vấn đề lớn, sớm trước khi nó thành hiện thực.

Đó là chiếc B-52 của ông sẽ hoàn thành vòng bay tiếp dầu vào cùng khoảng thời gian với phi đội 3 chiếc B-52 tiếp theo sẽ đến khu vực tiếp dầu vào khoảng hai phút nữa.

Nếu tính toán của Harten (ông vội nói với hoa tiêu chiếc B-52) là đúng, tức là họ có nguy cơ va chạm với một chiếc B-52 tiếp theo với tốc độ đang bay là khoảng 700 km / h.

Thật không may, những dự cảm của phi công Harten lại đúng. Trong khi chiếc máy bay bay của phi đội thứ 2 bay đang cố tranh thủ thời gian để tránh một vụ đâm trực tiếp, cái đuôi lớn của chiếc B-52 này cắt đứt một phần cánh phải chiếc B-52 của Harten, xé mở thùng nhiên liệu. Hậu quả là bùng phát một vụ cháy nổ có thể nhìn thấy trên khoảng cách 320 km.

Những gì xảy ra tiếp theo là sự kinh hoàng của những cơn ác mộng hỗn loạn. Cơ trưởng Gehrig nhảy dù, nhưng có thể trong cơn tức giận, vội vàng, hoảng loạn hoặc là kết hợp của cả ba, ông quên không buộc chặt mình vào ghế lái, trong đó có dù và chiếc xuồng cứu sinh. Tương tự như chiếc B-52 mất kiểm soát, Gehrig cầm chắc cái chết khi bay từ 9.000 mét xuống Biển Đông trong cơn siêu bão lịch sử .

Hàng loạt các khả năng khác nhau lóe lên liên tiếp trong tâm trí của Harten, nhưng lựa chọn duy nhất của ông là nhảy dù. Sai lầm Gehrig là một lời nhắc nhở cần khóa chặt người vào ghế lái. Nhưng lần bấm dù đầu tiên xuất hiện trục trặc kỹ thuật, kích hoạt thiết bị phóng thất bại. Harten đang trên bờ vực của khả năng phải nhảy dù từ một trong những cửa máy bay (một khái niệm đồng nghĩa với tự tử, vì như thế có nghĩa là từ bỏ các thiết bị cứu sinh của minh), thì đột nhiên cơ chế phóng dù được kích hoạt trở lại và viên phi công may mắn bắn vào màn đêm dông bão.

Trận chiến tuyệt vọng của Harten để kích hoạt thiết bị phóng khiến viên phi công không ngồi đúng tư thế để chịu đựng 15 G vượt tải gây ra bởi thiết bị phóng dù. Theo đúng những tính toán ban đầu, Harten sẽ tử vong.

"Ba mươi phần trăm của tất cả các vụ nhảy dù từ máy bay chiến đấu là tử vong." Tác giả Collins nói.

4 phi công Mỹ may mắn thoát chết trong vụ va chạm của máy bay ném bom chiến lược B-52 trên Biển Đông, trung úy Don Harten người thứ 2 tính từ trái

Quá trình chịu vượt tải kéo dài đã khiến Harten phải chịu một chấn thương cổ nghiêm trọng, phá vỡ một đốt sống cổ. Không có thời gian để đau đớn, ngay phía dưới chân, chiếc B-52 rung chuyển bởi một loạt các vụ nổ.

Trong vụ nổ thứ ba, một mảnh đạn xuyên vào bắp chân trái Harten. Khi chiếc máy bay rơi xuống biển, 22 tấn nhiên liệu máy bay phản lực bùng phát ngọn lửa cực mạnh, buộc Harten phải điều khiển dù giảm độ cao nhanh chóng để tránh xa hơn đám cháy.

Chiếc dù cùng với Harten lao xuống Biển Đông với tốc độ kinh khủng. Cơn siêu bão lôi chiếc dù của viên phi công với tốc độ của một chiếc xuồng cao tốc. Bị kéo trên mặt biển đang dậy sóng, Harten lật ngửa để tránh đuối nước. Sau vài giây chiến đấu, viên phi công thoát ra khỏi một trong những cái khóa gắn bản thân với chiếc dù cứng đầu.  

Harten trèo lên chiếc xuồng cứu sinh bơm hơi hình bầu dục của mình. Chiếc xuồng có kích thước tương đương một chiếc bồn tắm cỡ trung bình, bị tung hứng dữ dội trong những đợt sóng cao như mái nhà.

Túi sinh tồn do tính quan liêu của quân đội Mỹ thực sự vô dụng, được thiết kế cho Chiến tranh lạnh với điều kiện Bắc Cực: tất găng len, một khẩu súng trường, túi ngủ ấm, mặt nạ trượt tuyết, một bản hướng dẫn để sống sót trong vùng lãnh nguyên. Các thiết bị hữu ích nhất - một đài radio và thiết bị cháy cấp cứu đã mất tích, có thể đã rơi mất trong quá trình ghế bay được phóng lên. Tác giả Collins kết luận: " Harten sống được trên Biển Đông chỉ với trí thông minh và niềm hy vọng".

Bình minh lên cùng với sự suy giảm của cơn bão, nhưng làm tăng cơn buồn nôn và cảm giác mệt mỏi cùng cực. Một tàu chở hàng màu cam khổng lồ đi qua vị trí của Harten chỉ khoảng 400 mét về hướng bắc mà không phát hiện ra ông. Thỉnh thoảng những cơn buồn nôn lại hành hạ. Nhưng chưa hết kinh hoàng, Harten bất ngờ bị lôi xuống nước bới chiếc dù, vẫn đang nối với viên phi công bằng sợi dây còn lại mà ông không nhận ra. Harten vớ lấy con dao và cắt một cách điên cuồng, chỉ có sự may mắn đã cứu anh ta khỏi bị chết đuối một lần nữa.

Đến lúc này, Harten đã mất khái niệm về thời gian. Thời tiết trở lên tốt hơn khi siêu bão Dinah di chuyển về phía Bắc Đài Loan, với sức gió 230km/h, cơn bão đã phá hủy 500 ngôi nhà. Nhưng Harten đã có thời gian để suy nghĩ: "anh ta sẽ sống trên biển được bao lâu? Một ngày? Hai ngày? ... Chết trên biển có giống như bị chết đuối? Không biết có đau đớn không? ... Họ có bao giờ tìm thấy thi thể của anh ta? "

Khi vừa có ý nghĩ rằng, ít nhất trên xuồng cứu sinh còn an toàn hơn ở dưới nước, Harten phát hiện một cái gì đó di chuyển nhanh trong phạm vi tầm nhìn. "Từ dưới làn sóng, một cái vây lớn cắt sóng và trồi lên mặt nước một lần nữa, đi lướt qua bên cạnh chiếc xuồng cứu sinh trước khi lướt ra khỏi tầm nhìn ..."Nguy cơ bị cá mập tấn công là nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất của ông - tác giả Midair, Collins nhận xét –  Harten đã nghĩ đến kế hoạch tự tử, dành một viên đạn cho ý nghĩ này.

Vài giờ tiếp theo trôi qua những cơn buồn nôn và quan sát xem có cá mập hay không. Niềm hy vọng cũng đến, sau một thời gian chờ đợi là nhìn thấy một chiếc máy bay tiếp nhiên liệu của Không quân Mỹ bay ngang bầu trời. Nhưng ngay cả niềm hy vọng cũng bị thiên tai vùi dập. Chiếc xuồng cứu sinh bất ngờ thoát hơi nhanh chóng, hất viên phi công xuống nước và biến mất trong những cơn sóng.

Cuối cùng, niềm hy vọng cũng thành sự thực, bằng cách nào đó người ta đã tìm ra Harten đang trôi nổi trên Biển Đông, chiếc máy bay cứu hộ gần như đã bị rơi khi tìm cách cứu viên phi công, cuối cùng cũng cứu được anh ta. Harten lạnh cứng, hoàn toàn kiệt sức được vận chuyển đến nơi an toàn trên một chiếc tàu chở hàng (tàu của Na Uy có tên gọi là Argo) mà ông đã thoáng nhìn thấy trước đó.

Phi công Don Harten trở về căn cứ Andersen trên đảo Guam

Don luôn nói rằng một trong những điều khiến cho nhiều người thiệt mạng ở Việt Nam là do họ đã quá hoảng loạn và sợ hãi. Vụ tai nạn với chiếc B-52 cho ông quan điểm đó và tôi cho rằng ông đã thoát ra khỏi cái chết một cách vinh quang

                                                                                                                        Craig Collins

Trong khi Harten đang giành giật sự sống trên vùng nước Biển Đông, phi đoàn B-52, lúc đó còn lại 27 chiếc (một chiếc máy bay khác buộc phải hạ cánh ở Philippines vì lý do kỹ thuật) đã kết thúc vụ không kích.

1.200 quả bom phá hủy một diện tích rừng rộng 1,6km dài 3km của huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương. Hóa ra sứ mệnh Arc Light khó khăn hơn dự kiến. Lầu Năm Góc tuyên bố cuộc không kích thành công dù không có bất cứ bằng chứng về sự thiệt hại của Quân Giải phóng.

Theo tác giả Craig Collins, Harten luôn tin rằng kế hoạch tấn công Hà Nội bằng một cuộc không kích ồ ạt, sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 là giải pháp tốt nhất nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến tranh.

Một vụ không kích ồ ạt bằng B-52 vào Hà Nội, buộc miền Bắc Việt Nam chấm dứt chiến tranh sẽ khiến không quân Mỹ không phải tiến hành 129,000 phi vụ không kích khác với tổn thất khổng lồ về sinh lực và phương tiện bay mà Harten cũng tham gia sau này.

Don Harten không chấp nhận được thực tế Mỹ đã thua trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Tình huống may mắn sống sót trên Biển Đông cho viên phi công tài năng này một quan điểm khác về cuộc sống và cái chết.

Dù sau này, Harten bay rất nhiều trên máy bay cường kích F-105 xâm nhập bầu trời Miền Bắc Việt Nam, thần chết vẫn quay lưng lại với anh ta trong khi bắt kịp rất nhiều các phi công Mỹ khác. Don Harten luôn cho rằng, ông ta đã quá hiểu các khẩu đội pháo phòng không của miền Bắc Việt Nam.

Camera theo dõi ghi lại hình ảnh một quả tên lửa đuổi theo chiếc F-105 của Harten và phát nổ phía sau đuôi, bên cạnh chiếc phi cơ. Harten thoát chết thần kỳ

Cho đến lúc này, ở độ tuổi 75, ông vẫn sống Nevada không xa căn cứ không quân Nellis để thường xuyên được nghe tiếng máy bay phản lực gầm rít trên đỉnh đầu, ông ta không bao giờ hòa nhập được vào cuộc sống dân sự, không thể tin rằng Mỹ đã thất bại. Viên cựu phi công may mắn nhất của Không lực Mỹ luôn sống trong hào quang quá khứ và có niềm tin không lay chuyển rằng, chính các nhà chính trị Mỹ đã làm thất bại cuộc chiến ở Việt Nam, mặc dù Linebacker II tháng 12.1972 chính là phiên bản mở rộng của kế hoạch LaMay năm 1965.

TTB