Các chuyên gia Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội lại đề xuất phá giá tiền đồng tại Báo cáo kinh tế Việt Nam quý 4-2014 vừa được công bố.
Cụ thể, các chuyên gia cho rằng sau nhiều năm có lạm phát cao, việc neo giá trị VNĐ vào USD khiến VNĐ bị định giá cao đã gây bất lợi cho hàng xuất khẩu và hàng hoá trong nước trước hàng nhập khẩu. Ảnh hưởng này trong nửa cuối năm 2014 còn nhân lên khi đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới khiến VNĐ tiếp tục mạnh lên và hàng hoá nhập khẩu rẻ hơn. VEPR cho rằng Việt Nam điều chỉnh tỉ giá với biên độ hẹp trong nhiều năm gần đây là quá thận trọng và tiếp tục làm suy yếu khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Từ thực tế này, VEPR đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên chủ động phá giá tiền đồng từ 3-4% trong vòng 2-3 năm tới, thông qua một số bước với biên độ 1-1,5% để trả lại sức cạnh tranh cho hàng hoá nội địa.
VEPR là một trong số các đơn vị nghiên cứu từng nhiều lần khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước phá giá tiền đồng để không làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước trước hàng hoá nhập khẩu và hàng hoá trên thị trường quốc tế.
Năm 2014, tỉ giá chính thức được điều chỉnh tăng khoảng 1,4%, nằm trong giới hạn điều hành của Ngân hàng Nhà nước (1,53%), trong khi tỉ giá tự do tăng 2%. Riêng trong quý 4, tỉ giá chính thức tăng gần 1%, lên mức hơn 21.400 đồng/USD trong khi tỉ giá tự do là 21.600 đồng/USD. Tỉ giá giao động tương đối lớn buộc Ngân hàng Nhà nước phải 2 lần can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Theo NLĐ