Triển vọng khả quan nhưng cần thêm thời gian
Ngay trong buổi lễ khai trương hoạt động giao dịch chứng khoán đầu Xuân Kỷ Hợi (ngày 12/2/2019) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra những mục tiêu phát triển TTCK Việt Nam.
Trong đó, người đứng đầu Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng “thị trường cận biên” lên hạng “thị trường mới nổi” (Emerging Markets) trên bảng xếp hạng của các tổ chức xếp hạng thị trường.
Đây là động thái cụ thể cho thấy quyết tâm của nhà điều hành về việc sớm đưa TTCK Việt Nam lên hạng “thị trường mới nổi”, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường trong nước có nhiều tiềm năng để đạt được mục tiêu này vào năm 2020.
Vào đợt đánh giá gần nhất (tháng 9/2018), FTSE Russell đã chính thức đưa TTCK Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp, với việc đã đạt 10/21 tiêu chí chất lượng. Dù vậy, xét về các tiêu chí định tính, TTCK Việt Nam mới chỉ đạt được 5 tiêu chí vào có tới 9 tiêu chí cần phải cải thiện.
Đánh giá về vấn đề này, các chuyên gia tại CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng triển vọng cải thiện và đáp ứng các tiêu chuẩn này rất khả quan.
Trong giai đoạn từ 9/2018 - 3/2020, FTSE Russell sẽ gửi các chính sách định hướng giúp Việt Nam hiểu rõ các bước cần làm để cải thiện đánh giá hiện tại và cũng sẽ là khoảng thời gian để tổ chức này đánh giá những thay đổi trước khi cân nhắc nâng hạng.
Lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam theo FTSE và MSCI theo kịch bản tích cực của các chuyên gia MBS (Nguồn: MBS)
|
Đối với MSCI, các tiêu chí để được công nhận là “thị trường mới nổi” sẽ khắt khe hơn FTSE Russell.
Theo các chuyên gia tại CTCP Chứng khoản Bảo Việt (BVSC), điều này có thể là do MSCI chỉ phân chia thị trường các nước thành 4 bậc: Phát triển, Mới Nổi, Cận Biên và Không phân loại (Standalone). Trong khi đó, FTSE Russell thì phân chia thị trường các nước thành 5 bậc: Phát triển, Mới Nổi Cao Cấp (sơ cấp), Mới Nổi hạng 2 (thứ cấp), Cận Biên và Không Phân Loại.
Cũng theo BVSC, khi cơ quan quản lý thị trường thực hiện các giải pháp nhằm đáp ứng được yêu cầu để FTSE Russell và MSCI nâng hạng thị trường Việt Nam, thì nhà đầu tư cần nhìn nhận trước các cơ hội ở những cổ phiếu cụ thể, những cổ phiếu có thể được xem xét vào rổ chỉ số thị trường mới nổi của các tổ chức này.
Dù rằng, việc dự báo dòng tiền sẽ đổ vào thị trường hay những cơ hội đầu tư ở các cổ phiếu cụ thể được nhận định là vẫn còn quá sớm.
1,2 tỷ USD, 4,5 tỷ USD và còn hơn thế nữa
Theo báo cáo cập nhật “Danh sách dự kiến cổ phiếu được mua vào khi FTSE và MSCI nâng hạng TTCK Việt Nam” vừa được công bố, BVSC cho rằng, nếu được cả 2 tổ chức này nâng hạng thì các quỹ đầu tư theo chỉ số liên quan có thể mua vào giá trị trên 1,2 tỷ USD cổ phiếu tại thị trường trong nước.
“Việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi không chỉ giúp thu hút dòng tiền đang đầu tư theo chỉ số FTSE và MSCI, trên thực tế dòng tiền ngoại rót vào thị trường còn có thể lớn hơn do sẽ có nhiều nhà đầu tư, quỹ mới quan tâm hơn tới thị trường Việt Nam” - Báo cáo của BVSC nhận định.
Các tiêu chí mà mã cổ phiếu cần phải thỏa mãn để có thể đưa vào các chỉ số FTSE Emerging Markets Index và MSCI Emerging Markets khá tương đồng nhau, bao gồm: vốn hóa, thanh khoản, room ngoại và tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (tổng vốn hóa tự do).
Theo thống kê của BVSC, có khoảng 94 quỹ ETF đang tiến hành đầu tư thụ động dựa theo chỉ số MSCI Emerging Markets với tổng số vốn hóa thị trường lên đến 200,26 tỷ USD. Trong đó, quỹ iShare Core Emerging Markets ETF là quỹ lớn nhất với vốn hóa lên tới 57,73 tỷ USD.
Nếu chính thức được MSCI nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, thì theo ước tính của BVSC, thị trường trong nước có thể sẽ đón nhận khoảng 857,76 triệu USD dòng vốn thụ động.
Đối với chỉ số FTSE Emerging Markets, BVSC cho biết hiện có khoảng 27 quỹ ETF đang đầu tư thụ động dựa theo chỉ số này, với tổng số vốn hóa lên tới 76,4 tỷ USD. Trong đó, quỹ ETF lớn nhất là quỹ Vanguard FTSE Emerging Markets với vốn hóa lên tới 61,19 tỷ USD.
Trường hợp Việt Nam được FTSE xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 vào tháng 3/2020, BVSC ước tính sẽ có khoảng ít nhất 375,34 triệu USD vốn đầu tư thụ động từ các quỹ ETF sẽ được rót vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong các kỳ các quỹ ETF tái cơ cấu danh mục sau tháng 3/2020.
Dự báo của BVSC về các mã cổ phiếu cụ thể trên TTCK Việt Nam sẽ được thêm vào trong tỷ trọng danh mục của MSCI và FTSE khi được nâng hạng (Nguồn: BVSC) |
Ở một góc nhìn khác, trong một dự báo được đưa ra trước đó, các chuyên gia MBS cho rằng tỷ trọng của Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI Emerging Markets sẽ phụ thuộc vào giá trị vốn hóa và thanh khoản thị trường tại thời điểm được xem xét nâng hạng. Do đó, vẫn còn quá sớm để ước tính khối lượng vốn sẽ chảy vào thị trường Việt Nam khi MSCI quyết định nâng hạng thị trường.
Tại thời điểm 28/12/2018, MBS ước tính tỷ trọng của thị trường Việt Nam trong rổ MSCI sẽ đạt khoảng 0,3%, thu hút dòng vốn có giá trị khoảng 4,5 tỷ USD vào thị trường. Trong đó, những cổ phiếu được các quỹ đầu tư phân bổ vốn là những cổ phiếu có triển vọng lọt rổ chỉ số thị trường mới nổi như: VNM, VIC, VHM, HPG, MSN, VRE …
Đối với FTSE Russell, các chuyên gia MBS ước tính giá trị dòng vốn thụ động vào TTCK Việt Nam từ 184 triệu USD đến 555 triệu USD khi được tổ chức này nâng hạng lên "thị trường mới nổi thứ cấp". Trong đó, những cổ phiếu có khả năng được hưởng lợi lớn nhất sẽ là những cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số FTSE Việt Nam, như: VNM, VIC, VHM, MSN, HPG, VRE.
Việc nâng hạng không chỉ giúp Việt Nam thu hút được thêm dòng vốn đầu tư từ các quỹ mới, hoạt động này còn góp phần cải thiện chất lượng TTCK, kết hợp với hệ thống tín dụng của ngân hàng tạo ra một cơ cấu thị trường vốn hiệu quả và cân đối hơn./.