Kiev lạnh lùng ra tay, quân tình nguyện “chết lặng”

Kiev ra một thông báo khiến các đội quân tình nguyện choáng váng. Theo đó, những lực lượng này phải gia nhập vào Lực lượng Vũ trang Ukraine hay Lực lượng Bảo vệ Quốc gia Ukraine. Nếu không, Kiev sẽ dùng vũ lực tước vũ khí của các đội quân tình nguyện.
Tổng thống Poroshenko
Tổng thống Poroshenko

Một số quan chức của Bộ Quốc phòng Ukraine đã ủng hộ việc sử dụng vũ lực để tước vũ khí của phong trào nhóm Cánh Hữu theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan nếu các chiến binh của lực lượng này từ chối trở thành một phần của quân đội, website Vesti dẫn lời một nguồn tin quân sự cho hay.
 
Cuộc đối đầu giữa chính quyền Kiev và nhóm Cánh Hữu đang ngày càng leo thang, trang Vesti đưa tin.
 
Được biết, Kiev đã thông báo với thành viên của tất cả các tiểu đoàn tình nguyện rằng họ buộc phải gia nhập Lực lượng Vũ trang Ukraine và Lực lượng Bảo vệ Quốc gia. Hiện tại, Bộ Quốc phòng Ukraine đagn đàm phán với các lữ đoàn có vũ trang, trong đó có nhóm Cánh Hữu. Nếu các binh lính tình nguyện từ chối hạ vũ khí, họ sẽ bị tước vũ khí bằng vũ lực và được điều chuyển tới làm việc tại các cơ quan dân sự.
 
"Nếu họ phản đối, họ sẽ bị xử theo luật. Theo Luật Hình sự Ukraine, việc mang và sở hữu vũ khí, đạn dược mà không có sự cho phép chính thức của giới chức cầm quyền sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 7 năm”, nguồn tin trên cho biết.
 
Trước thông báo gần như là lời cảnh báo hay tối hậu thư lạnh lùng của Kiev nói trên, ông Dmitry Yarosh – lãnh đạo nhóm Cánh Hữu, hiện chưa đưa ra câu trả lời. Ông này cho biết, trung tâm huấn luyện các thành  phần cực đoan ở Ukraine sẽ vẫn đóng tại khu vực Desna bất chấp việc trung tâm này đã nhận được thông báo về việc nó sẽ được đưa vào xây dựng và được sử dụng để đào tạo các binh lính cho quân đội Ukraine.
 
Các đại diện của nhóm Cánh Hữu cho rằng họ là nạn nhân của một chiến dịch chính trị nhằm chống lại họ. Nhóm Cánh Hữu không ngại ngần lên tiếng cảnh báo về hậu quả của chính sách mà chính quyền Kiev đang dùng với các đội quân tình nguyện, nói rằng chính sách đó thật sự “tồi tệ và đáng bị lên án”.
 
Trước đó, giới chức Kiev đã ban hành đạo luật yêu cầu tất cả các tiểu đoàn tình nguyện đều phải trở thành một phần chính thức của Lực lượng Vũ trang Ukraine và Lực lượng Bảo vệ Quốc gia Ukraine.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak cho biết, tất cả các đơn vị vũ trang tham gia vào chiến dịch quân sự ở miền đông Ukraine đều đã gia nhập vào quân đội và hiện giờ không còn đội quân tình nguyện nào ở vùng Donbass (từ dùng để chỉ hai khu vực miền đông Donetsk và Luhansk).
 
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải đội quân tình nguyện nào cũng tuân theo mệnh lệnh của Kiev.
 
Hôm 29/4, các thành viên của nhóm Cánh Hữu đã kéo đến bao vây dinh Tổng thống Petro Poroshenko và dọa sẽ đốt cháy trụi biểu tượng của chính quyền Kiev này. Nhóm Cánh Hữu có phản ứng trên sau khi trước đó một ngày, các đơn vị quân đội Ukraine được cho là đã xông vào bao vây căn cứ của Quân đoàn Tình nguyện thuộc nhóm Cánh Hữu được dựng lên từ hồi năm ngoái. Căn cứ này nằm ở khu vực biên giới giữa hai vùng Dnipropetrovsk và Donetsk. Lực lượng Kiev được cho là đã tìm cách tước vũ khí của đội quân của nhóm Cánh Hữu.
 
Cuộc đối đầu trên saud dó đã được hóa giải. Tuy nhiên, nhóm Cánh Hữu vẫn khiến giới chức ở Kiev đau đầu vì những đòi hỏi đầy thách thức của họ. Mới đây, hôm 5/5, nhóm Cánh Hữu đã tuyên bố trên đài phát thanh Golos Stolytsi của Kiev rằng, họ có thể gia nhập vào Lực lượng Vũ trang Ukraine chỉ khi họ được trao một vị trí quan trọng như là một đơn vị chiến đấu tự trị.
 
Nhóm Cánh Hữu nổi lên là một liên minh của những thành phần chủ nghĩa dân tộc quá khích, cực đoan được thành lập năm 2013. Nhóm này đóng vai trò chủ chốt trong lực lượng thực hiện cuộc nổi dậy Maidan hồi đầu năm ngoái đồng thời cũng nổi danh là một trong những thành phần hung hăng nhất trong các cuộc giao tranh đường phố dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Yanukovych. Sau đó, nhóm Cánh Hữu cũng là thành phần chiến đấu ác liệt nhất ở miền đông Ukraine.
 
Tuy nhiên, nhóm này lại đang phải vật lộn để tìm chỗ đứng chính trị ở Ukraine sau sự kiện Maidan. Trong các cuộc biểu tình ở Maidan hay các cuộc giao tranh, đụng độ ở miền đông Ukraine, nhóm Cánh Hữu tỏ ra hữu dụng với chính quyền Kiev nhưng vào thời điểm hiện nay, khi Tổng thống Poroshenko củng cố chính quyền thì nhóm Cánh Hữu trở thành “cái gai” nhức nhối mà chính quyền đang muốn nhổ bỏ.
 
Hồi tháng 11 năm ngoái, Tòa án Tối cao Nga đã đưa nhóm Cánh Hữu vào danh sách các tổ chức cực đoan và bị cấm hoạt động ở Nga. Trước đó, Moscow cũng mở một cuộc điều tra hình sự nhằm vào lãnh đạo của nhóm Cánh Hữu – Yarosh với tội danh kích động chủ nghĩa khủng bố.
 
Nhóm Cánh Hữu theo tư tưởng chủ nghĩa dân tộc cực đoan khét tiếng bởi hàng loạt vụ thảm sát như thiêu sống và giết chết 48 người ở Odessa. Các chiến binh của nhóm này tham gia vào cuộc chiến ở Donbass, tấn công các thợ mỏ, bắt giữ những nhân chứng biết tội ác của chúng và đe dọa phá vỡ thỏa thuận hòa bình Minsk.

Theo: VnMedia