Theo Itar-Tass, hôm qua Bộ trưởng Giao thông Nga Maksim Sokolov đã đến Ai Cập với một nhóm chuyên gia để hỗ trợ cuộc điều tra. “Không có gì bất thường trước khi máy bay gặp nạn. Nó bất thình lình biến mất khỏi màn hình rađa” - Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ai Cập Hossam Kamel mô tả.
Dưới đây là các kịch bản có thể đã xảy ra.
IS bắn rơi máy bay
Các chuyên gia quốc tế bác bỏ khả năng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bắn rơi chiếc máy bay trên độ cao 9.000m. “IS không có khí tài đủ mạnh để bắn máy bay ở độ cao này” - AFP dẫn lời chuyên gia Gerard Feldzer, cựu giám đốc Viện Bảo tàng hàng không và không gian Pháp. Để làm được điều này, hung thủ cần có trong tay hệ thống rađa di động và tên lửa tầm xa. Đây là những thứ IS không có.
Chuyên gia Jean-Paul Troadec, cựu giám đốc Cơ quan Điều tra hàng không Pháp (BEA), cũng cho biết để bắn phá máy bay ở độ cao 9.000m, hung thủ cần loại tên lửa “khó sử dụng”. “Một cuộc tấn công như vậy đòi hỏi quá trình đào tạo nhân lực và những thiết bị mà IS không thể có” - ông Troadec nhấn mạnh.
Khả năng máy bay hạ độ cao và bị tên lửa bắn rơi cũng được đưa ra, nhưng các chuyên gia cho rằng đây là chuyện khó xảy ra. Cả chính phủ Nga và Ai Cập đều bác bỏ khả năng IS dùng tên lửa bắn hạ máy bay.
Máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi ở Ukraine từ độ cao 10.000m, nhưng hệ thống tên lửa BUK đòi hỏi phương diện vận chuyển. Các chuyên gia đánh giá IS chỉ sở hữu các hệ thống tên lửa phòng không di động đủ để tấn công máy bay ở độ cao thấp hơn.
Nhưng việc một số hãng hàng không tuyên bố tránh đường bay trên bầu trời bán đảo Sinai cho thấy đây vẫn là một khả năng có thể xảy ra.
Tấn công khủng bố
Các chuyên gia hàng không khẳng định không thể loại trừ khả năng khủng bố đã đặt bom trên máy bay. “Một quả bom dù lớn hay nhỏ nếu nổ ở độ cao 10.000m cũng có thể khiến chiếc máy bay vỡ tan thành từng mảnh vì áp suất không khí quá lớn” - AFP dẫn lời một chuyên gia quân sự Pháp.
“Nhưng nếu có kẻ trên máy bay buộc phi công giảm độ cao khẩn cấp và một động cơ có thể phát nổ khi máy bay giảm độ cao” - chuyên gia này cho biết.
Trước đó RIA Novosti dẫn lời một nhân viên điều tra Nga khẳng định các bằng chứng cho thấy máy bay vỡ vụn trên không trung, các mảnh vỡ nằm rải rác trên một vùng rộng lớn.
Theo nguồn tin Reuters, hiện trường cho thấy phần đuôi máy bay bị vỡ khỏi phần thân và cháy. Đó là dấu hiệu của một vụ nổ.
Giới chuyên gia hàng không chỉ ra rằng ở các sân bay Ai Cập, nhân viên an ninh thường không kiểm tra hành lý của hành khách một cách kỹ càng. Hoàn toàn có khả năng khủng bố mang quả bom lên máy bay một cách êm thấm.
Lỗi kỹ thuật
Một quan chức Cơ quan Kiểm soát không lưu Ai Cập tiết lộ cơ trưởng máy bay than phiền rằng thiết bị liên lạc trong buồng lái bị trục trặc. Kênh Russian TV cũng dẫn lời vợ của cơ phó Sergei Trukhachev khẳng định con gái của hai người đã gọi cho ông trước khi máy bay cất cánh. Và ông Trukhachev than phiền điều kiện kỹ thuật của máy bay là “có rất nhiều vấn đề”.
Cũng có tin cơ trưởng đã đề nghị hạ cánh khẩn cấp ngay sau khi máy bay cất cánh. Tuy nhiên nhà chức trách Ai Cập khẳng định không có điều gì bất thường xảy ra.
Hãng hàng không Kogalymavia cũng nhấn mạnh máy bay đã được kiểm tra an toàn định kỳ hồi năm ngoái. Cơ quan Hàng không Nga (Rosaviatsia) tuyên bố: “Không có lý do nào để tin rằng nguyên nhân tai nạn xuất phát từ lỗi kỹ thuật hay con người”.
CNN dẫn lời chuyên gia Peter Goelz, cựu giám đốc Ủy ban An toàn giao thông Mỹ, cho biết việc máy bay bị vỡ trên không cho thấy có thể bình xăng máy bay bị nổ.
“Phía Nga sẽ phải kiểm tra lại toàn bộ lịch sử bảo dưỡng máy bay để xác định xem liệu mọi điều kiện bảo dưỡng có được đáp ứng đầy đủ hay không” - ông Goelz nhấn mạnh.
Lỗi của con người
Khả năng cuối cùng là các phi công có thể đã mắc sai sót dẫn đến thảm họa. Theo Hãng Kogalymavia, cơ trưởng Valery Nemov là một người rất giàu kinh nghiệm, đã bay hơn 12.000 giờ, bao gồm 3.860 giờ bay loại máy bay Airbus A321. Ngoài ra, điều kiện thời tiết trên bán đảo Sinai ở Ai Cập lúc xảy ra tai nạn cũng rất bình thường.
Theo Tuổi Trẻ