Khuyết hãm nghiêm trọng trong chính sách phát triển kỹ thuật không quân nhờ sao chép của Trung Quốc

VietTimes -- Việc Trung Quốc phát triển công nghiệp quốc phòng nhờ lấy cắp và sao chép công nghệ của các nước đã không còn là điều bí mật. Hành vi này được coi là phổ biến trong lĩnh vực công nghiệp hàng không và không gian của họ. Thế nhưng, việc Trung Quốc lợi dụng vào kỹ thuật lấy cắp được để phát triển không quân đã tạo nên khuyết hãm rất lớn.
Chiến đấu cơ tàng hình F-31 đang trong quá trình thử nghiệm của Trung Quốc bị coi là bản nhái công nghệ của F-35 (Mỹ)
Chiến đấu cơ tàng hình F-31 đang trong quá trình thử nghiệm của Trung Quốc bị coi là bản nhái công nghệ của F-35 (Mỹ)

Trang web “National Interest” (Lợi ích quốc gia) của Mỹ ngày 26/8 đã đăng bài của hai tác giả Tyler Lovell và Robert Farley chỉ ra rằng: toàn bộ phi đoàn máy bay chiến đấu hiện đại của Trung Quốc hầu như đều là “mượn để dùng” hoặc trực tiếp sao chép công nghệ theo mẫu máy bay của nước khác.

Trung Quốc sản xuất máy bay chiến đấu dựa vào lấy cắp và sao chép công nghệ

Theo bài báo thì, loại tiêm kích J-10 của Trung Quốc đã được chế tạo trên cơ sở các máy bay F-16 của hãng General Dynamics (Mỹ) và IAI Lavi của Israel; J-11 là bản copy từ nguyên mẫu Su-27 của Nga; JF-17 là bản nâng cấp từ Mig-21; J-20 giống F-22 của Mỹ đến kinh ngạc; còn J-31 thì dựa hẳn vào kỹ thuật của F-35.

Bryn Jones, cựu công trình sư của hãng Rolls-Royce của Anh bị cơ quan tình báo nước này bắt giữ vì bán bí mật về máy bay chiến đấu tàng hình F-35B của Mỹ cho Trung Quốc.
Bryn Jones, cựu công trình sư của hãng Rolls-Royce của Anh bị cơ quan tình báo nước này bắt giữ vì bán bí mật về  máy bay chiến đấu tàng hình F-35B của Mỹ cho Trung Quốc. 

Nhiều hãng truyền thông quốc tế, trong đó có Reuters đưa tin, hôm 12/6/2018, ông Bryn Jones, cựu công trình sư của hãng chế tạo xe hơi và động cơ máy bay nổi tiếng Rolls-Royce của Anh đã bị cơ quan tình báo nước này bắt giữ vì đã tiết lộ những cơ mật về loại máy bay chiến đấu tàng hình F-35B của Mỹ cho Trung Quốc.

Hãng tin Liên hợp Australia (AAP) hồi tháng 1/2015 đưa tin, các gián điệp Trung Quốc đã lấy được những tài liệu, dữ liệu cơ mật về máy bay chiến đấu tàng hình F-35 nhiều tới 50TB (1TB = 1.024GB). Sau khi có được những tài liệu này, Trung Quốc đã mang ứng dụng cho các loại máy bay J-20 và J-31.

Ngày 9/6/2016, Bộ Tư pháp Mỹ đã tuyên bố Mãn Văn Hà – một phụ nữ người Mỹ gốc Hoa đã bị Tòa án bang Florida phán quyết âm mưu né tránh đạo luật xuất khẩu của Mỹ, đưa về Trung Quốc những tài liệu mật về động cơ máy bay chiến đấu và máy bay không người lái mà bà ta có được một cách phi pháp.

Bài báo trên “National Interest” cho rằng, Trung Quốc trực tiếp lấy kỹ thuật công nghệ của người khác để rút ngắn thời gian và tiết kiệm tiền bạc dùng cho việc nghiên cứu, phát triển nhằm thực hiện hiện đại hóa lực lượng không quân (PLAAF) với một giá thành thấp. Tuy nhiên, do thiếu hẳn các số liệu thử nghiệm và sinh thái học công nghiệp nên sách lược này của Trung Quốc đã gặp phải những hạn chế về “kỹ thuật cổ bình” (Pinch Technology). Trung Quốc luôn gặp phải những khó khăn nghiêm trọng trong việc sản xuất các động cơ phản lực quốc nội chất lượng cao đã cho thấy rõ vấn đề này.

Bài báo cho rằng, về căn bản mà nói, vấn đề không ăn khớp kỹ thuật là bởi kỹ thuật lấy cắp được không có được những bí mật công nghệ và kỹ xảo về nhân lực của nhà sản xuất trong việc chế tạo và lắp ráp hệ thống. Phía lấy cắp phải nghiên cứu lại từ đầu quy trình chế tạo, phát triển; trong tình huống xấu nhất, hành vi này có thể dẫn tới các mô-đun không đạt quy cách, từ đó làm giảm công năng và độ tin cậy của cả hệ thống.

J-20 của Trung Quốc giống F-22 của Mỹ đến kinh ngạc
J-20 của Trung Quốc giống F-22 của Mỹ đến kinh ngạc 

Trung Quốc không thể sản xuất được động cơ máy bay chiến đấu mạnh

Từ lâu nay, Trung Quốc luôn coi tìm kiếm nâng cao công suất động cơ phản lực là trọng điểm để tăng cường ảnh hưởng quân sự. “National Interest” viết, từ những năm 1990 đến thời kỳ đầu thế kỷ 21, Trung Quốc nỗ lực sản xuất các động cơ phản lực theo mẫu của Nga có tuổi thọ ngắn, thiếu những động cơ công suất lớn. Cho đến tận bây giờ, động cơ phản lực vẫn là trở ngại lớn cho việc hiện đại hóa các máy bay chiến đấu của PLAAF, các máy bay thuộc giai đoạn đầu thế hệ thứ 5 của họ bộc lộ rõ vấn đề động cơ không mạnh.

Sự lựa chọn rõ nhất của Trung Quốc là chế tạo một loại động cơ nội địa mạnh. Năm 2016, Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 nêu rõ tầm quan trọng của việc nâng cao tính năng của động cơ phản lực quốc nội và phát triển ngành công nghiệp  hàng không và không gian. Xem ra bước đầu họ đã đạt được một số thành công, loại J-20 đã được lắp động cơ WS-10 nâng cấp; nghe nói loại động cơ này mạnh hơn loại động cơ AL-31 của Nga. Tuy nhiên do thiếu những thông tin chung về loại động cơ quốc nội này của Trung Quốc nên chất lượng thực tế của nó ra sao khó có thể xác định được.

Một phương pháp đơn giản hơn là Trung Quốc đặt mua các loại máy bay chiến đấu có động cơ tiên tiến của nước ngoài, ví dụ như Su-35 của Nga. Su-35 được lắp các động cơ AL-41F1S (còn có tên khác ALS-117S), là loại động cơ cực mạnh. Lúc đầu Trung Quốc rất hứng thú với việc đặt mua riêng loại động cơ này, nhưng sau khi xem xét lại quá khứ bất hảo của Trung Quốc trong việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, Nga đã từ chối bán riêng động cơ cho họ. Ngay trong trường hộ dù có được động cơ ALS-117S thì theo lời một chuyên gia Nga, “Trung Quốc không thể có được lõi động cơ để nghiên cứu trừ phi họ đập tan nó”.

Mãn Văn Hà – một phụ nữ người Mỹ gốc Hoa đã bị Tòa án bang Florida xét xử vì đưa về Trung Quốc những tài liệu mật về động cơ máy bay chiến đấu và máy bay không người lái có được một cách phi pháp
Mãn Văn Hà – một phụ nữ người Mỹ gốc Hoa đã bị Tòa án bang Florida xét xử vì đưa về Trung Quốc những tài liệu mật về động cơ máy bay chiến đấu và máy bay không người lái có được một cách phi pháp 

Trung Quốc lấy cắp bản quyền trở thành tiêu điểm tranh cãi

Đối với thị trường phương Tây, “National Interest” viết, Mỹ và các công ty châu Âu hạn chế chặt chẽ trong vấn đề chuyển nhượng kỹ thuật nên áp lực chính trị và vấn đề lấy cắp bản quyền khiến các hãng hàng không phương Tây xa lánh. Hiện nay vấn đề lấy cắp bản quyền đã trở thành tiêu điểm tranh cãi, có thể làm gia tăng thêm căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ và đổ thêm dầu vào lửa trong cuộc Chiến tranh thương mại hai bên. Vì vậy, mục tiêu nỗ lực mở rộng và hiện đại hóa cơ sở công nghiệp của Trung Quốc gặp trở ngại lớn.

Ngoài ra, Mỹ và EU cũng tăng cường phòng chống việc Trung Quốc lấy cắp bản quyền sở hữu trí tuệ. Mỹ một mặt tăng cường thực thi luật pháp về vấn đề này, mặt khác siết chặt việc thẩm định các hạng mục đầu tư từ Trung Quốc để ngăn chặn việc xuất khẩu kỹ thuật tới Trung Quốc.

Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã công bố một bản báo cáo điều tra dài 200 trang về vấn đề Trung Quốc lấy cắp bản quyền tri thức. Báo cáo nêu các công ty Mỹ tố cáo Trung Quốc đã sử dụng sức ép các loại, bao gồm các thủ đoạn giữ lại giấy phép kinh doanh, trì hoãn thẩm định cấp phép…để ép các công ty Mỹ chia sẻ kỹ thuật. Sau đó, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã lấy lý do an ninh quốc gia để tiến hành điều tra đối với Trung Quốc theo Khoản 301 Đạo luật Thương mại 1974 của Mỹ cho phép Tổng thống Mỹ có thẩm quyền rộng lớn trong việc áp thuế quan đối với hàng hóa nước ngoài, cho dù hành động đơn phương như vậy hiếm khi được Mỹ sử dụng kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập vào năm 1995.

Ông Donald Trump ký lệnh điều tra đối với Trung Quốc theo Khoản 301 Đạo luật Thương mại 1974 của Mỹ
Ông Donald Trump ký lệnh điều tra đối với Trung Quốc theo Khoản 301 Đạo luật Thương mại 1974 của Mỹ

Các nước Đức và Anh cũng bắt đầu sửa đổi các đạo luật liên quan đến việc nước ngoài thu mua các công ty của họ mà báo chí cho rằng hành động này nhằm vào Trung Quốc.

Hãng tin Bloomberg cho rằng, Trung Quốc phát triển khoa học kỹ thuật không có gì sai, nhưng lại không hành xử theo quy tắc; họ mong có được thị trường và kỹ thuật của nước khác nhưng lại không mở cửa thị trường của mình. Nỗ lực khoa học công nghệ của Trung Quốc thường dựa vào những phương thức khả nghi, thậm chí trắng trợn, từ việc lấy cắp các bí mật thương mại, cơ mật về quân sự đến đi ngược lại tinh thần WTO.