Kỳ 1: Mỗi nguy hại bị lãng quên

Khủng bố đáy biển - cuộc chiến của tương lai - Kỳ 1

Trong những năm gần đây, giới chức Mỹ tỏ ra đặc biệt quan ngại về mối đe dọa an ninh mạng, một loại hình chiến tranh mới có thể làm sụp đổ hạ tầng cơ sở và gián đoạn hoạt động của các thị trường.
Sửa chữa cáp quang biển
Sửa chữa cáp quang biển

Năm 2010, William Lynn, lúc đó là Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã viết rằng tấn công không gian mạng cần được xem là “đặc biệt quan trọng, giống như các chiến dịch quân sự trên bộ, trên biển, trên không và trong không gian vũ trụ”. Còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cũng lên tiếng cảnh báo về một vụ “Trân Châu cảng trên mạng” và tới năm 2013, Giám đốc tình báo quốc gia James Clapper đã xếp tấn công mạng vào vị trí hàng đầu trong các mối đe dọa xuyên quốc gia.

Sơ đồ hệ thống đường cáp quang toàn cầu dưới đáy biển được công khai trên nhiều trang mạng.
Sơ đồ hệ thống đường cáp quang toàn cầu dưới đáy biển được công khai trên nhiều trang mạng.

Trong khi hiện nay nhiều  nước đã rót hàng tỷ USD để nâng cao năng lực phòng thủ trên không gian mạng, họ lại quên đi một hạ tầng phần cứng cho phép các cuộc tấn công mạng được tồn tại và triển khai trên thực tế. Ngày nay, gần 95% hoạt động truyền tải viễn thông xuyên lục địa, gồm thư điện tử, điện đàm, chuyển tiền… không được truyền qua không gian mà dưới lòng các đại dương, thông qua hệ thống cáp quang dài gần 1 triệu km. Tuy nhiên, phần lớn hệ thống kết nối thế giới lại với nhau này lại thiếu những biện pháp bảo vệ cơ bản nhất, kể cả ở dưới đáy biển, cũng như những điểm kết nối gần bờ. Những trục trặc ngày càng nhiều ở quy mô nhỏ đối với hệ thống cáp quang đang tiềm ẩn những thiệt hại ở quy mô khủng khiếp hơn trong tương lai.

Một cơ sở hạ tầng dưới đáy biển quan trọng khác chưa được thực sự chú ý tới là các giàn khoan dầu khí nước sâu. Ngày nay, các mỏ dầu khí ngoài khơi Vịnh Mexico chiếm khoảng 25% tổng sản lượng dầu khí của Mỹ và theo ước tính của Bộ Năng lượng Mỹ, tới năm 2040 con số này sẽ tăng lên 40%. Trên phạm vi toàn cầu, sản xuất dầu khí từ các mỏ nước sâu đã “nhảy” từ 1,5 triệu thùng/ngày năm 2000 lên 6 triệu thùng/ngày năm 2014. Trong khi cơ sở hạ tầng dầu khí ngoài khơi ngày càng phức tạp và mở rộng hơn thì đây cũng trở thành một mục tiêu cho các cuộc tấn công mà hậu quả của nó hứa hẹn sẽ lớn hơn so với thảm họa nổ giàn khoan và tràn dầu trên Vịnh Mexico năm 2010 - sự cố môi trường lớn nhất trong lịch sử Mỹ.

Mặc dù hoạt động của con người dưới nước được nhiều tổ chức quốc tế giám sát, nhưng vẫn chưa có một tổ chức chuyên biệt nào có thẩm quyền và khả năng đi đầu trong hoạt động này. Tại Mỹ, Lực lượng Bảo vệ bờ biển chịu trách nhiệm thực hiện các kế hoạch an ninh tại các giàn khoan ngoài khơi lớn nhất và bảo vệ các cấu trúc dưới đáy biển tại một số hải cảng. Tuy nhiên, cũng chưa có cơ quan nào của chính phủ chịu trách nhiệm bảo vệ toàn bộ cơ sở hạ tầng cáp quang và khai thác năng lượng dưới đáy biển. Do vậy, viễn thông và năng lượng - hai lĩnh vực then chốt của nhiều nền kinh tế, vẫn có thể dễ dàng là con mồi của một âm mưu khủng bố tinh vi hoặc các vụ tấn công của nước ngoài.

Năm 1850, các kỹ sư người Anh là những người trải tuyến đường dây điện tín đầu tiên dưới đáy biển qua Kênh đào Anh, trên biển Manche, nối Anh với Pháp. Tám năm sau, một nỗ lực được nhà tài phiệt người Mỹ Cyrus Field tài trợ đã giúp nối một đường dây điện tín xuyên Đại Tây Dương, giữa Ailen với Newfoundland, với tốc độ đường truyền là 8 từ/phút. Sau khi Alexander Graham Bell phát minh ra điện thoại năm 1876, tuyến cáp đầu tiên đặt dưới đáy biển đã ngay lập tức ra đời, cho phép những người ở hai bên bờ Vịnh San Francisco nói chuyện được với nhau.

Mặc dù số đường dây cáp nhảy vọt nhưng tốc độ và khả năng truyền tải của nó chỉ có bước đột phá khi ứng dụng hai phát minh quan trọng trong những năm 1920 và 1930: lõi đồng đồng trục và vật liệu cách nhiệt polyêtilen. Đây là những phát minh cho phép các cáp đơn truyền được nhiều kênh âm thanh và tăng sự ổn định của chúng. Trong những thập kỷ sau đó, khả năng này được nâng lên đáng kể, từ việc truyền 36 kênh tiếng mỗi cáp những năm 1950 lên con số 4.000  kênh những năm 1970. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt và bảo trì vẫn rất cao khiến truyền tín hiệu qua vệ tinh trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn đối với mảng viễn thông. Cho tới thập niên 1980, số lượng đường truyền viễn thông qua vệ tinh đã nhiều gấp 10 lần so với hệ thống cáp dưới đáy biển với chi phí đầu tư rẻ hơn 10 lần. 

Theo: Báo Tin tức