Nguyên nhân quan hệ Mỹ - Saudi Arabia rạn nứt
Trong suốt 60 năm qua, quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia được xây dựng dựa trên nền tảng lợi ích song phương, trong đó, Mỹ sẽ là nhà bảo trợ cho an ninh của Saudi Arabia - như trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, để đổi lại việc Saudi Arabia đảm bảo nguồn cung dầu mỏ đều đặn nhằm giữ thị trường năng lượng thế giới ổn định, với giá dầu ở mức chấp nhận được.
Tuy nhiên, quan hệ đồng minh Mỹ - Saudi Arabia dường như đang lung lay trước rất nhiều biến cố tại khu vực và các ưu tiên chính sách mới của Mỹ. Đó là khi “Mùa xuân Arab” quét qua khu vực khiến những đồng minh lâu đời của Saudi Arabia sụp đổ, song không nhận được sự quan tâm thích đáng của Mỹ. Trên thị trường năng lượng, Mỹ đã dần làm chủ được công nghệ khai thác dầu đá phiến, tự chủ được về nguồn cung dầu mỏ, thậm chí dự đoán sẽ vượt Saudi Arabia trở thành nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Đó cũng là khi Mỹ thay đổi cách tiếp cận đối với hồ sơ hạt nhân Iran, nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận cuối cùng với Tehran. Đây chính là những động lực khiến Saudi Arabia phải đánh giá lại chiến lược với khu vực, xem lại các tham số của mối quan hệ song phương với Mỹ.
Mặc dù tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ trên một số mặt trận - trong đó có việc không kích các thành trì của IS tại Syria, trong hai năm qua, Mỹ và Saudi Arabia đã xuất hiện những khác biệt trong cách thức tiếp cận trên nhiều vấn đề. Do đó, không phải tự nhiên mà các quan chức Saudi Arabia đã lên tiếng cảnh báo về một “sự dịch chuyển quan trọng” trong quan hệ với Mỹ. Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Barack Obama đã thay đổi đáng kể các ưu tiên và cam kết an ninh với khu vực, Saudi Arabia bắt đầu thấy cần phải phát triển năng lực quân sự riêng nhằm tự mình đối phó với các mối đe dọa an ninh, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ.
Quyết tâm trên của Saudi Arabia càng được củng cố khi tháng 8/2013, Mỹ quyết định phản đối không kích nhằm vào Syria ngay cả khi Tổng thống nước này Al - Assad được cho là đã vượt “ranh giới đỏ” sử dụng vũ khí hóa học. Saudi Arabia và Mỹ đều cam kết tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng song Saudi Arabia đã tuyên bố rằng “chừng nào Tổng thống Al - Assad còn tại vị và chính quyền Damascus tiếp tục tàn sát người Sunni, thì lực lượng các phiến quân IS sẽ còn có nguồn bổ sung quân dồi dào”.
Tuy nhiên, Iran mới là nhân tố quan trọng nhất gây bất đồng giữa Mỹ và Saudi Arabia. Iran và Saudi Arabia từ lâu vẫn luôn đối đầu với nhau trên tất cả các vấn đề khu vực, từ cuộc nội chiến tại Syria, tới Iraq, Liban và nay là khủng hoảng ở Yemen. Khi Mỹ xích lại gần Iran qua việc cùng với các cường quốc khác trong nhóm P5+1 thương lượng tìm kiếm thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Tehran, Saudi Arabia hiểu rằng vị thế của mình bị đe dọa. Các nước Arab lo ngại việc Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc sẽ mở đường để Phương Tây dỡ bỏ lệnh cấm vận. Iran sẽ trỗi dậy và xích lại gần Mỹ hơn, và không loại trừ khả năng hai bên có thỏa thuận ngầm với nhau bất chấp lợi ích của các quốc gia Arab. Cho tới khi Tehran mở rộng tầm ảnh hưởng tới Yemen, quốc gia láng giềng của Saudi Arabia, Riyadh xem đó chính là “giới hạn đỏ”.
Ngược lại lịch sử, kể từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, người Saudi Arabia đã từng có thời gian dài can dự vào nhiều cuộc xung đột tại Yemen. Riyadh thường tận dụng các mối liên hệ rộng rãi về chính trị và các yếu tố bộ tộc để giải quyết bất đồng thông qua thương lượng hoặc chọn đứng về một bên rồi hỗ trợ tài chính, cung cấp vũ khí, song không đưa quân sang tham chiến trực tiếp tại Yemen.
Người Saudi Arabia đã bỏ ra hàng triệu USD nhằm duy trì ảnh hưởng tại Yemen, xây dựng một hàng rào an ninh hiện đại dọc tuyến biên giới phía Nam, giáp với Yemen. Nhưng tình hình tại Yemen bị chi phối bởi nhiều lực lượng khác nhau. Ngoài phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shiite, Yemen còn bị các phần tử khủng bố Al Qaeda tại Bán đảo Arab (AQAP) hoành hành. Tháng 6/2014, nhóm khủng bố này đã vượt qua biên giới Yemen và tìm cách sát hại một số nhân viên an ninh của Saudi Arabia. Thêm “gia vị” vào mớ hỗn độn tại Yemen còn có IS, lực lượng đã thiết lập được sự hiện diện tại quốc gia này và tiến hành nhiều vụ đánh bom đẫm máu vào các thánh đường Hồi giáo dòng Sunni tại Sanaa hồi tháng 3 vừa qua.
Tổng thống Obama đã hội đàm riêng với Quốc vương Saudi Arabia Salman tại Nhà Trắng vào ngày 13/5 nhằm tìm cách đối phó với các biến động chính trị đang diễn ra tại Trung Đông. Chủ đề chính trong cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo này là về năng lực hạt nhân của Iran, cuộc xung đột tại Yemen, nơi Saudi Arabia và Iran đang có mâu thuẫn về lợi ích. Cuộc hội đàm tay đôi giữa hai nguyên thủ diễn ra ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ với 6 quốc gia thuộc GCC tổ chức tại Nhà Trắng và Trại David. Cuộc gặp này nhằm trấn an đồng minh Saudi Arabia về những ưu tiên của Mỹ với khu vực, đồng thời tìm kiếm sự đồng thuận từ Riyadh trong cách xử lý các vấn đề khu vực trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Tổng thống Obama vẫn khẳng định tình hình Trung Đông sẽ xấu hơn nếu các cuộc đàm phán nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran thất bại. Về cuộc xung đột tại Yemen, Chính quyền của Tổng thống Obama cho biết Washington ngày càng quan ngại về chiến dịch can thiệp quân sự do Saudi Arabia đứng đầu tại Yemen mặc dù vẫn cung cấp thông tin tình báo và hỗ trợ hậu cần cho chiến dịch. Theo các quan chức Mỹ, hiện ngày càng xuất hiện nhiều quan ngại về số dân thường thương vong sau 1 tháng triển khai chiến dịch không kích do Saudi Arabia chỉ huy nhằm vào phiến quân Houthi tại Yemen. Nhà Trắng cũng lo ngại về việc các chuyến hàng vũ khí do Saudi Arabia và các đối tác trong liên minh các nước Arập cung cấp cho lực lượng thân Chính phủ Yemen có thể rơi vào tay các nhóm khủng bố.
Theo: Báo Tin Tức