Israel có thể đơn độc phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi không có sự hỗ trợ từ Mỹ, các nhà phân tích cho rằng không quân Israel sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện một chiến dịch thành công.

Một cuộc không kích đơn độc vào các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ là rủi ro lớn đối với Israel (Ảnh: FT)
Một cuộc không kích đơn độc vào các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ là rủi ro lớn đối với Israel (Ảnh: FT)

Khi được hỏi liệu chính quyền Washington có ủng hộ Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định rõ ràng trong hôm thứ Tư tuần này: “Câu trả lời là không!”.

Mặc dù vậy, một số phe phái ở Israel vẫn đang thảo luận về việc liệu không quân nước này có nên tiến hành cuộc tấn công để đáp trả vụ phóng 180 tên lửa đạn đạo mà Tehran đã phóng vào Israel trong tuần này.

Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ từ Mỹ, một cuộc tấn công đơn phương của Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran sẽ cực kỳ rủi ro và, theo các nhà phân tích, chỉ có thể làm chậm lại chứ không thể tiêu diệt hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran.

Vì sao chiến dịch của Israel sẽ gặp nhiều khó khăn?

Trở ngại đầu tiên là khoảng cách. Khoảng cách từ Israel đến các cơ sở hạt nhân chính của Iran lên tới hơn 1.600 km. Để đến được đó, máy bay Israel sẽ phải bay qua không phận của Arab Saudi, Jordan, Iraq, Syria và thậm chí có thể cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Vấn đề tiếp theo là nhiên liệu. Theo một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS), việc bay đến mục tiêu và quay trở về sẽ tiêu tốn gần như toàn bộ khả năng tiếp nhiên liệu trên không của Israel, khiến họ gần như không được mắc bất kỳ một sai sót nào.

Yếu tố thứ ba là hệ thống phòng không của Iran. Các cơ sở hạt nhân chủ chốt của Iran được bảo vệ rất nghiêm ngặt, và các máy bay ném bom của Israel sẽ cần được máy bay chiến đấu bảo vệ. Để thực hiện điều này, lực lượng tấn công cần khoảng 100 máy bay, theo báo cáo của CRS — tức chiếm khoảng 1/3 trong tổng số 340 máy bay chiến đấu của không quân Israel.

Các cơ sở hạt nhân của Iran được bảo vệ như thế nào?

Việc tiêu diệt hai cơ sở hạt nhân quan trọng nhất của Iran sẽ là một thách thức lớn mà Israel phải đối mặt. Cơ sở làm giàu tại Natanz được xây dựng sâu dưới lòng đất, trong khi cơ sở lớn thứ hai tại Fordow lại nằm ẩn mình trong một ngọn núi. Để phá hủy chúng, Israel cần có loại vũ khí có khả năng xuyên qua hàng chục mét đất đá và bê tông cốt thép trước khi phát nổ.

2.png
Các cơ sở hạt nhân của Iran

Israel có bom phá boongke, như loại bom GBU-31 nặng 2.000 pound mà không quân của họ đã sử dụng để tấn công 4 tòa nhà ở Beirut nhằm tiêu diệt thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tuần trước. Tuy nhiên, theo các báo cáo từ Israel, vụ tấn công đã sử dụng tới 80 quả bom – và khó có khả năng một cuộc tấn công với quy mô tương tự có thể phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran, vốn được bảo vệ nghiêm ngặt hơn rất nhiều.

Theo các nhà phân tích, chỉ có một loại vũ khí có thể thực hiện nhiệm vụ này: bom GBU-57A/B Massive Ordnance Penetrator (MOP). Đây là một quả bom khổng lồ, với khả năng dẫn đường chính xác, có chiều dài khoảng 6 m, nặng 30.000 pound (13,6 tấn) và có thể xuyên qua 60 m đất trước khi phát nổ, theo quân đội Mỹ.

3.png
Một GBU-57, hay bom xuyên bom khổng lồ, nặng khoảng 30.000 pound (Ảnh: AP)

Israel có tự phát triển bom phá boongke?

Hiện chưa rõ liệu Israel có sở hữu loại vũ khí này hay không. Một số cựu chính trị gia Mỹ đã từng đề xuất Washington nên cung cấp chúng cho Israel. Tuy nhiên, theo ông Ehud Eilam, một cựu nghiên cứu viên tại Bộ Quốc phòng Israel, kể cả khi Israel có được MOP, “các máy bay ném bom F-15, F-16 và F-35 của Israel cũng không thể mang theo chúng”.

Hơn nữa, ông Eilam cho rằng không có “cơ hội” nào để Israel có thể mua được máy bay ném bom chiến lược của Mỹ, như B-2 Spirit, loại cần thiết để triển khai loại bom này. Về lý thuyết, Israel có thể sử dụng một trong những máy bay vận tải C-130J Hercules để thả bom MOP từ khoang hàng của chúng. Tuy nhiên, bom MOP không được thiết kế cho phương pháp thả này.

4.png
Máy bay ném bom tàng hình B-2 của Mỹ (Ảnh: Getty)

Israel còn lựa chọn nào khác?

Máy bay của Israel có thể làm tê liệt các cơ sở hạt nhân bằng cách tấn công vào hệ thống thông gió và các cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác. Điều này có thể làm gián đoạn hoạt động của các máy ly tâm cần độ chính xác cao để làm giàu uranium, nhưng sẽ không phá hủy hoàn toàn các cơ sở này.

Phương án cuối cùng là phá hoại. Năm 2021, một vụ mất điện đã làm tê liệt hệ thống cung cấp điện cho các máy ly tâm tại Natanz. Vào năm 2010, Mỹ và Israel cũng được cho là đã làm chậm chương trình hạt nhân của Iran bằng cách sử dụng virus máy tính Stuxnet. Tuy nhiên, các cuộc tấn công này không thể ngăn chặn dự án của Iran.

Cuối cùng, quy mô lực lượng cần thiết để gây tổn thất lớn cho các cơ sở hạt nhân chính của Iran “sẽ đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Mỹ, nếu không muốn nói là phải trực tiếp tham gia”, theo bài viết của Darya Dolzikova và Matthew Savill từ Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI). Và ngay cả khi có sự tham gia của Mỹ, cũng “không thể đảm bảo sự phá hủy hoàn toàn”.