Nền kinh tế bị tàn phá bởi các lệnh trừng phạt, nhưng tầm ảnh hưởng của Iran lại tăng cao (Ảnh: Times of India)
Nền kinh tế bị tàn phá bởi các lệnh trừng phạt, nhưng tầm ảnh hưởng của Iran lại tăng cao (Ảnh: Times of India)

E-magazine Iran thách thức Mỹ, vượt cấm vận để trở thành cường quốc quốc tế như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran sẽ phải tiếp quản một nền kinh tế bị tàn phá bởi các lệnh trừng phạt, nhưng bên cạnh đó là sức mạnh: Tehran có nhiều ảnh hưởng trên trường quốc tế hơn.

Iran, dưới sự lãnh đạo của Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei, đã vượt qua hàng thập kỷ áp lực của Mỹ và nổi lên sau nhiều năm bị cô lập, chủ yếu bằng cách liên kết với Nga và Trung Quốc, từ bỏ hội nhập với phương Tây và hợp tác với hai cường quốc trong bối cảnh họ đối đầu với Washington.

Nền kinh tế Iran vẫn bị tàn phá bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng việc bán dầu cho Trung Quốc và các thỏa thuận vũ khí với Nga đã mang lại sức sống cho tài chính và ngoại giao của nước này.

Iran cũng khai thác một cách hiệu quả những sai lầm kéo dài nhiều thập kỷ của Mỹ ở Trung Đông và những thay đổi lớn trong chính sách của Nhà Trắng đối với khu vực này sau mỗi lần thay đổi chính quyền.

Biện pháp ứng phó linh hoạt

Ngày nay, Tehran tạo ra mối đe dọa lớn hơn đối với các đồng minh và lợi ích của Mỹ ở Trung Đông hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi nước Cộng hòa Hồi giáo được thành lập vào năm 1979.

Dấu ấn quân sự của Iran ngày càng rộng và sâu hơn bao giờ hết. Các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn đã tấn công các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi bằng tên lửa và làm tê liệt hoạt động vận tải toàn cầu ở Biển Đỏ. Họ đã thống trị chính trị ở Iraq, Lebanon, Yemen và Syria, đồng thời phát động cuộc tấn công tàn khốc nhất vào Israel trong nhiều thập kỷ.

Iran đã phát động cuộc tấn công quân sự trực tiếp đầu tiên từ đất nước này vào Israel vào tháng 4 năm nay. Các quan chức phương Tây cho biết, nước này cũng đã dàn dựng các cuộc tấn công nhằm vào các đối thủ ở châu Âu và xa hơn nữa.

Việc Iran cung cấp máy bay không người lái (UAV) để Nga sử dụng trên chiến trường Ukraine, mối đe dọa từ lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn, việc Tehran mở rộng chương trình hạt nhân gần đây...sẽ vẫn là những vấn đề cấp bách bất kể ai chiến thắng vòng hai trong cuộc bầu cử Iran vào ngày 5/7 hay cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11.

12.jpg
Phụ nữ Iran xếp hàng bỏ phiếu tại một điểm bỏ phiếu ở Tehran (Ảnh: Reuters)

“Xét trên nhiều khía cạnh, Iran mạnh hơn, có sức ảnh hưởng hơn, nguy hiểm hơn, đe dọa hơn so với 45 năm trước”, Suzanne Maloney, giám đốc chương trình chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, người đã tư vấn cho chính quyền đảng Dân chủ và Cộng hòa về chính sách Iran, nhận định.

Những lựa chọn về chính sách đối ngoại của Iran cũng khiến họ phải trả giá. Nền kinh tế của nước này tụt hậu xa so với tốc độ tăng trưởng và mức sống của các đối thủ ở vùng Vịnh như Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Sự ủng hộ của công chúng cũng giảm đi, với nhiều cuộc biểu tình nổ ra.

Nhưng sức mạnh ngày càng tăng của Iran đánh dấu sự thất bại của phương Tây. Kể từ khi Jimmy Carter làm Tổng thống Mỹ, việc tìm ra một chiến lược hiệu quả để kiềm chế Iran đã là thách thức lớn của các nhà hoạch định chính sách đối ngoại phương Tây.

Công cụ chính sách mà phương Tây sử dụng là các biện pháp trừng phạt đã trở nên kém hiệu quả hơn trong việc cô lập Tehran trên trường quốc tế. Các nhà phân tích cho biết, Iran đã phản ứng bằng cách tăng cường trục với Nga và Trung Quốc, khiến quan hệ ngoại giao với Tehran thậm chí còn phức tạp hơn. Bên ngoài Trung Đông, ngành công nghiệp UAV của Iran đã hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến Iran thiệt hại hàng tỉ USD, “nhưng mục tiêu là gì?”, Seyed Hossein Mousavian, cựu quan chức chính sách đối ngoại lâu năm của Iran, hiện là học giả nghiên cứu tại Đại học Princeton, đặt câu hỏi. “Iran có ảnh hưởng lớn hơn bao giờ hết trong khu vực...Trung Quốc đã nắm bắt nền kinh tế Iran và Iran đã xích lại gần Nga hơn”.

13.jpg
Một nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn hô khẩu hiệu ở Tikrit, Iraq, năm 2015 (Ảnh: AP)

Chính sách dài hạn nhất quán của Iran

Trong hơn hai thập kỷ, chính sách của phương Tây đối với Iran đã không có sự thay đổi. Các đời Tổng thống Mỹ liên tục thay đổi sự cân bằng giữa ngoại giao và vũ lực, tiếp cận và nỗ lực cô lập.

Trường hợp điển hình: Khi Mỹ thực hiện chiến dịch ở Afghanistan vào năm 2001, Washington đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Iran và nhận được hỗ trợ quân sự cũng như thông tin tình báo để giúp lật đổ Taliban. Nhiều tháng sau, Tổng thống Bush coi Iran là một phần của “Trục ma quỷ”, cùng với Iraq và Triều Tiên – một cú quay lưng mà người Iran coi là sự xúc phạm mang tính đe dọa.

Trong khi đó, Iran trong nhiều thập kỷ qua đã tuân theo một chiến lược dài hạn nhất quán mà nước này gọi là “phòng thủ trước”, ngăn chặn các cuộc tấn công của kẻ thù đồng thời xây dựng mạng lưới dân quân trung thành.

Chính sách của Mỹ đôi khi đã vô tình góp phần tạo nên sức mạnh của Iran. Việc lật đổ Saddam Hussein năm 2003 đã loại bỏ kẻ thù không đội trời chung khỏi biên giới Iran. Thất bại của Washington trong việc ổn định Iraq thời hậu chiến càng củng cố thêm ảnh hưởng của Tehran.

Sau khi Mỹ lật đổ Taliban vào năm 2001, sức mạnh của Mỹ ở Trung Đông rất đáng gờm. Theo các quan chức Mỹ, vài tháng sau khi chính quyền Bush tấn công Iraq vào năm 2003, viện dẫn cáo buộc chính quyền Saddam Hussein phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, Tehran đã tạm dừng phần lớn công việc bí mật chế tạo vũ khí nguyên tử. Họ cũng bắt đầu đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, cuộc chiến ở Iraq đã bắt đầu đảo ngược vận mệnh của Mỹ mà vẫn mang lại lợi ích cho Iran. Ảnh hưởng của Iran xét về chính trị và mạng lưới dân quân chỉ ngày càng tăng lên. Sự chiếm đóng kéo dài của Mỹ tại Iraq – trong đó gần 4.500 binh sĩ Mỹ và hàng trăm nghìn thường dân Iraq đã thiệt mạng – đã khiến công chúng Mỹ phản đối các cuộc chiến dai dẳng trong khu vực.

Iran vẫn chưa đạt được mục tiêu đẩy Mỹ ra khỏi khu vực có hàng nghìn binh sĩ Mỹ và một loạt liên minh, với cả Israel và các nước Arab. Washington vẫn là nhà môi giới quyền lực nổi tiếng ở Trung Đông. Nhưng với Nga và Trung Quốc, Iran giờ cũng có hai đồng minh nặng ký có tham vọng đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ trên toàn thế giới.

14.jpg
Các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào các vị trí của Taliban ở tỉnh Kunduz, Afghanistan, năm 2001 (Ảnh: AP)

Không bước qua “lằn ranh đỏ”

Iran dần dần xây dựng sức mạnh trong khu vực trong khi vẫn tránh xa các “lằn ranh đỏ” có thể khiến Mỹ đưa ra hành động quân sự trực diện. Chính sách nhất quán này có thể thực hiện được là nhờ các vấn đề an ninh quốc gia – bao gồm chương trình hạt nhân và chiến lược quân sự – được quyết định không phải bởi Tổng thống Iran mà bởi các cơ quan không được bầu cử, chủ yếu là văn phòng Lãnh tụ tối cao và Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), vốn ngày càng trở nên hùng mạnh.

Kế hoạch dài hạn của Tehran cũng được thể hiện rõ qua những nỗ lực trong nước nhằm bảo vệ chế độ giáo sĩ. Theo một báo cáo mới của các nhà nghiên cứu tại United Against Nuclear, trong 5 năm qua, một đơn vị bí mật thuộc IRGC, được gọi là Trụ sở Baqiatallah, đã dẫn đầu các nỗ lực của chế độ nhằm đẩy lùi chủ nghĩa thế tục và những gì họ coi là ảnh hưởng ăn mòn của phương Tây.

Bên trong Iran, các chính sách không phải được ủng hộ một cách tuyệt đối. Từ lâu đã có sự chia rẽ giữa những người ôn hòa, những người ủng hộ việc hợp tác với phương Tây và những người có quan điểm cứng rắn.

Cuộc tranh luận đó lại nổi lên trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran, cuộc đối đầu giữa ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách Masoud Pezeshkian và người theo đường lối cứng rắn Saeed Jalili sau khi cả hai đều không giành được đa số trong vòng bỏ phiếu đầu tiên với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp. Cuộc bầu cử đang được tổ chức sau cái chết của Tổng thống Ebrahim Raisi trong một vụ tai nạn trực thăng vào tháng trước.

Chương trình hạt nhân của Iran cho thấy Tehran đã thành thạo như thế nào trong việc khai thác chính sách đang dao động của Mỹ.

Chính quyền Barack Obama nhận thấy một giải pháp cho vấn đề hạt nhân Iran là cần thiết để giảm bớt sự can dự của Mỹ vào Trung Đông sau hơn một thập kỷ chiến tranh. Năm 2015, Iran và 6 cường quốc bao gồm cả Mỹ, Nga và Trung Quốc, đã đồng ý một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động hạt nhân của Iran trong ít nhất 10 năm. Đổi lại, Tehran được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã vận động trong những năm trước.

Những người ủng hộ coi đây là sự minh chứng cho chính sách kép của họ về áp lực và can dự. Họ hy vọng nó sẽ dẫn đến việc ngăn chặn lâu dài chương trình hạt nhân của Iran và giảm bớt căng thẳng trong khu vực.

Những người phản đối lại cho rằng thỏa thuận này cho phép Iran đợi 10 năm và tiếp tục công việc phát triển vũ khí hạt nhân khi hầu hết các lệnh trừng phạt quốc tế đã được dỡ bỏ. Một số người chỉ trích thỏa thuận này không ngăn chặn được các hoạt động quân sự trong khu vực của Iran.

15.jpg
Một nhóm binh sĩ thiệt mạng ở Iraq được trao trả cho Mỹ vào tháng 4/2004 (Ảnh: Zuma Press)

Tầm ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh

Trong khi đó, dấu ấn của Iran trong khu vực ngày càng tăng. Sự hỗ trợ của Iran đã giúp Tổng thống Syria Bashar al-Assad sống sót sau “Mùa xuân Arab” và cuộc nội chiến. Iran đã giành được ảnh hưởng sâu sắc hơn ở Syria và thiết lập một hành lang trên bộ dẫn từ Tehran đến bờ biển Địa Trung Hải của Syria thông qua Iraq, nơi nước này sử dụng để vận chuyển vũ khí và nhân sự. Iran cũng bố trí lực lượng dân quân đồng minh sát biên giới Israel, ở Syria và Lebanon.

Ở Syria, Iran cũng đã thiết lập mối quan hệ đối tác với Nga, nước đã hỗ trợ chính quyền Assad vào năm 2015. Mối quan hệ này tiếp tục phát triển sau khi chiến sự Ukraine bùng phát, trong đó Iran cung cấp UAV cho Nga.

Lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn đã chiếm ưu thế về mặt chính trị ở Lebanon, Iraq và Yemen, nơi phiến quân Houthi năm 2014 nắm quyền kiểm soát thủ đô San'a. Arab Saudi và UAE – những đối tác an ninh khu vực quan trọng đối với Washington – đều vướng vào cuộc chiến ở Yemen.

Israel, nơi chính phủ nhận thấy mối đe dọa từ Iran đang gia tăng, đã không thực hiện đòn tấn công các địa điểm hạt nhân của Iran như đã đe dọa. Chính quyền Obama, chính phủ Israel và một số quốc gia Arab ở vùng Vịnh bất đồng công khai liên quan đến chính sách Trung Đông của Mỹ.

16.jpg
Tổng thống Obama coi thỏa thuận hạt nhân với Iran là cần thiết để giảm sự can dự của Mỹ vào Trung Đông (Ảnh: Reuters)

Robert Einhorn, cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ và là người xây dựng thỏa thuận hạt nhân Iran dưới thời chính quyền Obama, cho biết: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã quá bận tâm đến vấn đề hạt nhân và chưa đủ quan tâm đến các vấn đề khu vực”.

Einhorn cho rằng Tổng thống Obama đã đúng khi giữ cho tầm ảnh hưởng khu vực của Iran tách biệt khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân và đẩy lùi mạnh mẽ các hoạt động gây bất ổn khu vực của Iran bên ngoài các cuộc đàm phán đó. “Vấn đề là ông ấy đã không làm đến cùng điều đó”, Einhorn nói.

Năm 2018, Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt chính sách trừng phạt “gây sức ép tối đa” đối với Iran, trừng phạt các công ty nước ngoài làm ăn với nước này và gần như đã giết chết việc khôi phục thương mại của châu Âu với Iran.

Bất chấp những khó khăn kinh tế mới xuất hiện, Iran từ chối bị ép buộc tham gia các cuộc đàm phán mới. Tổng thống Joe Biden coi việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân là mục tiêu chính sách đối ngoại hàng đầu, nhưng các cuộc đàm phán mới đã sụp đổ vào tháng 8/2022 khi Tehran từ bỏ thỏa thuận.

Kể từ đó, Iran đã xây dựng lại chương trình hạt nhân của mình, tiến xa hơn nhiều so với thời điểm ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và đạt đến ngưỡng phát triển vũ khí một cách hiệu quả - điều mà họ nói rằng họ không cố gắng thực hiện.

Theo Wall Street Journal