IMG Group: Ông chủ kín tiếng của tổ hợp Artemis số 3 Lê Trọng Tấn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TCty Xây dựng công trình hàng không ACC được biết đến là chủ đầu tư tổ hợp Artemis số 3 Lê Trọng Tấn, song chỉ là cổ đông thứ yếu, đứng sau CTCP Đầu tư IMG tại doanh nghiệp dự án.

Mỗi khi dừng đèn đỏ tại ngã tư sầm uất Lê Trọng Tấn - Trường Chinh (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội), bao tài xế và người đi đường lại ngước trông về Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis.

Dự án tọa lạc tại số 3 Lê Trọng Tấn này còn có tên gọi khác là “Tổ hợp công trình hỗn hợp, công cộng: Dịch vụ thương mại, văn phòng, căn hộ cho thuê, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, nhà trẻ, cây xanh” do Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC làm chủ đầu tư.

Theo quy hoạch chi tiết xây dựng quận Thanh Xuân (Hà Nội) tỉ lệ 1/2000, khu đất số 3 Lê Trọng Tấn vốn nằm trong ô quy hoạch có ký hiệu số 16, được xác định chức năng đất công cộng, với chỉ tiêu quy hoạch bao gồm: mật độ xây dựng 50%, tầng cao trung bình 2,5 tầng.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2013, khu đất này đã được điều chỉnh cục bộ quy hoạch, từ chức năng đất công cộng sang xây dựng tổ hợp công trình hỗn hợp, công cộng, bao gồm: dịch vụ thương mại, văn phòng, căn hộ cho thuê, rạp chiếu phim, nhà văn hóa, nhà trẻ và cây xanh. Trong đó diện tích đất xây dựng khoảng 4.717,3m2, tổng diện tích sàn xây dựng 60.346m2, công trình gồm 24 tầng nổi và 2 tầng hầm, chiều cao tối đa 97m, quy mô dân số khoảng 1.080 người.

Toà nhà Artemis tại số 3 Lê Trọng Tấn (Hà Nội)

Toà nhà Artemis tại số 3 Lê Trọng Tấn (Hà Nội)

Chủ tổ hợp Artemis số 3 Lê Trọng Tấn là ai?

Theo tìm hiểu của VietTimes, doanh nghiệp dự án được thành lập từ tháng 1/2008, với tên gọi CTCP ACC – Thăng Long (ACC Thăng Long). Được biết đến là chủ đầu tư tổ hợp số 3 Lê Trọng Tấn, Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC (ACC) cũng tham gia góp vốn, là cổ đông sáng lập.

Tuy nhiên, tới đầu năm 2018, cổ đông Nhà nước chỉ nắm giữ 30% vốn điều lệ của doanh nghiệp dự án. Trong khi đó, CTCP Đầu tư IMG (IMG) và một pháp nhân khác có liên quan là CTCP MT Gas (MT Gas) sở hữu lần lượt 50% và 9,44% vốn điều lệ ACC Thăng Long. Số cổ phần còn lại, tương đương 10,56% vốn điều lệ ACC Thăng Long, do nhà đầu tư nước ngoài SIMG. Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) đứng tên.

Đến ngày 13/2/2018, cơ cấu cổ đông của ACC Thăng Long tiếp tục biến động. MT Gas đã triệt thoái vốn, còn ACC giảm tỉ lệ sở hữu xuống 10% vốn điều lệ.

Ở chiều hướng ngược lại, IMG trở thành cổ đông chi phối khi nâng tỉ lệ sở hữu lên 60,044%. Ngoài ra, ACC Thăng Long cũng ghi nhận thêm sự góp mặt của nữ cổ đông sinh năm 1991 Trương Thị Vân Anh với tỉ lệ sở hữu 19,4% vốn.

Nắm cổ phần chi phối, nhóm IMG cũng thể hiện vai trò cầm cương tại tổ hợp Artemis. Ông Lê Tự Minh – Chủ tịch HĐQT IMG – có nhiều năm làm người đại diện pháp luật của ACC Thăng Long, đảm nhiệm các chức vụ Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc tại doanh nghiệp này.

Từ tháng 2/2019 tới nay, vị trí giám đốc của ACC Thăng Long có nhiều thay đổi, lần lượt do ông Đoàn Thành Nhân (SN 1973), ông Trần Quang Huy (SN 1982) và nay là ông Tô Văn Chương (SN 1985) đảm nhiệm. ACC Thăng Long, vào tháng 10/2020, cũng đã đổi tên thành CTCP Đầu tư MHL (MHL), chuyển địa chỉ trụ sở chính tới toà nhà văn phòng Athena, toạ lạc tại số 146 – 148 Đường Cộng Hoà, phường 12, quận Tân Bình, Tp. HCM.

Trước khi đổi tên, ACC Thăng Long đã báo lãi 4 năm liên tiếp. Doanh thu của công ty này đạt đỉnh vào năm 2018, với giá trị ghi nhận đạt 1.064,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, doanh thu của ACC Thăng Long giảm tới 44%, xuống mức 595,4 tỉ đồng. Doanh thu sụt giảm, song kết quả kinh doanh của ACC Thăng Long lại thăng hoa vào năm 2019 với khoản lãi ròng 43 tỉ đồng, cao gấp 4,5 lần so với năm trước.

Được biết ACC Thăng Long cũng là đơn vị phát triển toà chung cư cao tầng tại 448 Nguyễn Tất Thành, Quận 4, Tp. HCM, dự kiến khởi công năm 2021.

IMG Group của ‘đại gia’ Lê Tự Minh lớn cỡ nào?

Trên trang img.vn, tự nhận là của IMG, vị doanh nhân sinh năm 1959 (quê quán Thừa Thiên – Huế) được giới thiệu là cử nhân khoa Kinh tế chính trị Đại học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp năm 1983. Giai đoạn 1983 – 1987, ông Lê Tự Minh là giáo viên của Trường sỹ quan Pháo phòng không, nay là Học viện Phong không – Không quân.

Từ năm 1987 – 1995, ông Minh là học viên của Học viện Quân chính Lê-nin, nghiên cứu sinh tại Viện hàn lâm Liên bang Nga tại Moscow. Cũng trong khoảng thời gian này, ông Minh bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, khởi đầu với việc buôn bán thiết bị dầu khí.

Ông Lê Tự Minh - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư IMG

Ông Lê Tự Minh - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư IMG

Năm 1996, ông Lê Tự Minh trở về Việt Nam, thành lập hãng Gili Taxi Vũng Tàu. Sau đó, vị doanh nhân sinh năm 1959 đẩy mạnh sang lĩnh vực bất động sản, đầu tư một loạt dự án như: Khu đô thị Petro Quảng Ngãi, Khu đô thị Trường Xuân (Quảng Ngãi), đầu tư khách sạn Gerbera Huế (đã chuyển nhượng).

Tới tháng 12/2007, công ty IMG được thành lập, là pháp nhân lõi trong hệ sinh thái của doanh nhân Lê Tự Minh. Cập nhật tới tháng 6/2018, IMG có quy mô vốn 520 tỉ đồng. Trong đó, ông Lê Tự Minh góp 519,5 tỉ đồng, nắm chi phối với tỉ lệ sở hữu 99,9% vốn điều lệ.

IMG là công ty mẹ của CTCP Đầu tư IMG Huế (IMG Huế) – chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới An Cựu (An Cựu City), có quy mô 33ha, toạ lạc tại phường An Đông, thành phố Huế.

Bên cạnh đó, IMG cũng là cổ đông sáng lập, từng nắm giữ tới 80,23% vốn của CTCP IMG Phước Đông (IMG Phước Đông) – chủ đầu tư Khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông quy mô 129ha tại tỉnh Long An. Cập nhật đến ngày 11/12/2015, IMG Phước Đông có quy mô vốn 372,6 tỉ đồng, song IMG chỉ còn sở hữu 23,7% vốn điều lệ trong khi số cổ phần quá bán thuộc về nhóm cổ đông khác chưa được tiết lộ rõ danh tính.

Dẫu vậy, mối quán hệ giữa IMG – IMG Huế - IMG Phước Đông vẫn khá bền chặt. Ngày 8/1/2021, IMG Huế đã thực hiện chào bán 400 tỉ đồng trái phiếu không chuyển đổi, được bảo đảm bằng tài sản, kỳ hạn 60 tháng, lãi suất danh nghĩa 10%/năm.

Số tiền thu về dự kiến chia làm 2 phần. Trong đó, IMG Huế sẽ dành 200 tỉ đồng để góp vốn hợp tác thực hiện dự án Khu công nghiệp cầu cảng Phước Đông; 200 tỉ đồng để đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị mới An Cựu.

Tuy nhiên, IMG Huế chỉ chào bán thành công một nửa số trái phiếu đăng ký. Trái chủ là một nhà đầu tư tổ chức trong nước chưa rõ danh tính. Biết rằng, thương vụ được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán MB (MBS) và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank).

Báo cáo riêng lẻ cho thấy, IMG bất ngờ ghi nhận khoản lỗ 20 tỉ đồng vào năm 2019. Trong các năm trước đó, kết quả kinh doanh của công ty cũng có dấu hiệu đi xuống. Cụ thể, sau khi báo lãi 40,4 tỉ đồng vào năm 2016, IMG chỉ còn báo lãi lần lượt 5,1 tỉ đồng và 4,8 tỉ đồng vào các năm 2017 và 2018.

Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của IMG đạt 1.529,9 tỉ đồng, cao gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu./.