Theo đó, HPG dự kiến sẽ chi ra 2.236,4 tỉ đồng để thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỉ lệ 5%, tức mỗi cổ phiếu sẽ được nhận 500 đồng. Nguồn chi trả tiền mặt được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính được kiểm toán năm 2021.
Cùng với đó, HPG sẽ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 30%. Với 4,47 tỉ cổ phiếu đang lưu hành, tập đoàn này dự kiến sẽ phát hành thêm 1,34 tỉ cổ phiếu cho đợt trả cổ tức này, từ đó nâng quy mô vốn điều lệ lên tới 58.147 tỉ đồng.
Thời gian chi trả cổ tức dự kiến từ tháng 6 – 8/2022.
HPG là một trong những doanh nghiệp có số lượng cổ đông lớn bậc nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ở thời điểm chốt danh sách họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 (AGM 2022), tập đoàn này có tới 160.000 cổ đông.
Như VietTimes từng đề cập, tại AGM 2022, nhiều cổ đông đã đề nghị ban lãnh đạo HPG tăng chia cổ tức bằng tiền mặt hoặc tăng tỉ lệ chia cổ tức năm 2021 lên mức 40%.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Kim Oanh – Giám đốc tài chính HPG, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính của công ty mẹ là hơn 17.000 tỉ đồng, tương ứng với mức chia cổ tức tối đa trên vốn điều lệ là 38%. Do quy mô vốn của công ty mẹ quá thấp so với các thành viên, nên tập đoàn này đề xuất việc chia cổ tức 35%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HPG Trần Đình Long cho biết tập đoàn cũng rất cần vốn để duy trì hoạt động. Trong đó, HPG cần duy trì ít nhất 20.000 tỉ đồng ‘tiền lỏng’ để đảm bảo khả năng thanh toán.
Lãnh đạo HPG cũng cho biết, tập đoàn này lên kế hoạch tương đối thận trọng cho năm 2022 trước những khó khăn của ngành thép. Những khó khăn này có thể sẽ được thể hiện trong các báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, quý 3 và cả năm 2022.
“Tuy nhiên, trong bất cứ khó khăn nào, Hoà Phát vẫn sẽ là công ty tốt nhất trong ngành thép”, Chủ tịch HPG Trần Đình Long nhấn mạnh./.