Sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền cách mạng là phải xây dựng một nền tài chính tiền tệ độc lập, tự chủ để góp phần vào công cuộc bảo vệ và kiến quốc. Ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam.
Ngay khi ra đời, Ngân hàng quốc gia được giao nhiệm vụ quan trọng là phát hành giấy bạc ngân hàng, thu hồi giấy bạc tài chính, thực hiện quản lý Kho bạc Nhà nước, góp phần thống nhất quản lý thu chi ngân sách, thực hiện tín dụng phục vụ lưu thông hàng hóa, tăng cường năng lực kinh tế quốc doanh và đấu tranh với địch trên mặt trận tiền tệ.
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, để phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng giao nhiệm vụ đặc biệt cho ngành ngân hàng là nhận và vận chuyển tiền tệ từ hậu phương miền Bắc, trong đó có khoản tiền tệ ủng hộ của bạn bè quốc tế chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong suốt quá trình thực hiện, các cán bộ ngân hàng có lúc phải trực tiếp tham gia chiến đấu và trong số đó đã có nhiều cán bộ hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.
Giai đoạn ngân hàng không khóa (1945 - 1954) được ông Vũ Kim Ngân, nguyên cán bộ Ngân hàng Quốc gia khu Tả Ngạn - sông Hồng kể lại khá xúc động. Ông cho biết, trong hậu địch lúc đó không có những kho xây bằng gạch, không có két bằng sắt, nên tất cả đều nhờ dân giữ hộ tiền.
Giai đoạn 1954 -1975, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong nhiệm vụ nhận viện trợ, sản xuất và phân phối tiền, dùng tiền mua vũ khí chuyển cho chiến trường miền Nam. Cũng từ đó một đường dây bí mật đã được hình thành.Câu chuyện mà vị cựu cán bộ ngân hàng thời chiến này nhớ nhất là lần nhờ đôi vợ chồng người nông dân địa phương giữ hộ hai gánh tiền cất trong một kho nhỏ dưới hầm nhà. Lúc ấy địch đang quây chặt, nguy cơ bị phát hiện là rất cao, để bảo quản tiền cho cách mạng, hai ông bà quyết định kéo đổ nhà rồi đốt bỏ luôn, thành ra tiền vẫn an toàn.
Ông Lê Hoàng, đại diện của Ngân hàng Ngoại thương Vietcombank tại Paris và các nước Bắc Âu, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, trong thời kỳ này, nhà băng ông được giao sứ mệnh lịch sử là quản lý quỹ ngoại tệ đặc biệt do các nguồn thu từ viện trợ quốc tế, kiều bào gửi ở nước ngoài về và các nhà hảo tâm nói chung hình thành quỹ ngoại tệ dặc biệt để chuyên trách phục vụ cho chiến trường.
Để thực hiện sứ mệnh này, hệ thống tổ chức gần giống như một ngân hàng bí mật hoạt động trong và ngoài nước phối hợp với nhau đảm bảo cung cấp ngoại tệ cho chiến trường với nguyên tắc tuyệt mật an toàn và cực nhanh.
Số tiền gần một tỷ đôla Mỹ chuyển vào Nam là một quá trình phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Quốc phòng, Tổng cục hậu cần với Vietcombank. Những nhu cầu chi tiêu theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng được Tổng cục hậu cần dùng ôtô vận tải của Ngân hàng Ngoại thương, nhận đôla, đóng vào hòm kẽm chống cháy, cho vào thùng gỗ ngụy trang, chở từ ngân hàng về Bộ Quốc phòng rồi tiếp tục đưa dọc theo đường Trường Sơn vào Nam.
|
Ông Lê Hoàng, Đại diện của Vietcombank tại Paris và các nước Bắc Âu, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước. |
Hành trình có khi hàng tháng trời mới tới được, có những lúc bị đối phương bỏ bom, đôla không bị cháy hẳn nhưng bị nung rục trong hòm kẽm. Đã có tới gần 4 triệu đôla bị hủy hoại, cùng hàng chục chiến sĩ hy sinh.
Do hành trình này vừa hao người, lại tốn của, sau đó Ngân hàng Ngoại thương nghiên cứu, cải tiến để hạn chế tổn thất. Đến năm 1967, trong suốt thời gian 4 năm có đường hàng không Air France của Pháp trên tuyến Hà Nội - Quảng Châu - Phnompenh, ngân hàng chuyển qua cách cho đôla vào cặp ngoại giao, bề ngoài đóng giả là cán bộ ngoại giao, mang theo cặp Diplomat lên máy bay Air France, bay 3 tiếng đến Phnompenh, để từ đây lấy ôtô biển đỏ ngoại giao của sứ quán Việt Nam chạy thêm 3 tiếng nữa đem đến chiến khu Tây Ninh.
Phương thức vận chuyển này đã giúp rút ngắn thời gian giao nhận từ 30 ngày đêm xuống còn 6 tiếng đồng hồ. Nhưng cách chuyển tiền đó cũng chỉ duy trì được 4 năm, vì LonNol ở Phnompenh đảo chính, đường bay lại tắc, khiến đôla không vào kịp chiến trường, gây nhiều khó khăn.
Sau khi bị cúp đường bay, lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương có sáng kiến thay phương thức chuyển tiền mặt thô sơ (AM) sang FM. Ông Phạm Hùng, Uỷ viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng đã duyệt phương án chọn một tư sản Sài Gòn tin cậy để quan hệ, giúp ta chuyển tiền vào chiến trường.
Phương thức này sử dụng chính hệ thống ngân hàng của thế giới và của chế độ Sài Gòn cũ để chuyển tiền cho miền Nam, gọi là phương thức chuyển khoản hai chiều: nhận và trả. Để thực hiện FM phải có một hệ thống tổ chức rất tinh vi. Tại Hà Nội, bộ phận B.29 thuộc Vietcombank dùng các mật mã, điện đài để liên lạc với miền Nam và liên lạc với các ngân hàng trên thế giới nhận và gửi các lệnh chi tiền, chuyển tiền.
Ở trong Nam, một bộ phận có bí danh là N.2683 phụ trách. Cơ sở này trực thuộc Trung ương Cục, gọi là Ban Công tác đặc biệt. Đây là đối tác đặc biệt của B.29. Đầu mối và cũng là cơ sở của N.2683 là những chủ kinh doanh lớn có khả năng chi tiền mặt, rồi theo thông báo của N.2683, B.29 lại chi trả cho họ bằng cách chuyển ngân vào tài khoản của họ ở các ngân hàng nước ngoài (các chủ kinh doanh này đều có tài khoản tại các ngân hàng thương mại nước ngoài và ở Sài Gòn)
Theo đó, ông Phạm Hùng cử Lữ Minh Châu, một tài năng vừa tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng ở Liên Xô sang Campuchia để học tiếng Khmer, rồi về Sài Gòn, được biệt phái vào công tác trong một ngân hàng của đối phương. Tại đây, Lữ Minh Châu đã móc nối với một tư sản Sài Gòn biệt danh là Tư Trần An (tư sản kinh doanh vàng, chuyên nhập vàng từ Hongkong, Singapore và các nước châu Á).
Sau đó, Lữ Minh Châu cầm tiền Sài Gòn để chi trả cho các chiến trường, mỗi lần cần lại gõ cửa Tư Trần An. Ông An công khai rút tiền mệnh giá lớn ở ngân hàng giao cho ông Châu, lập một số kho ở Sài Gòn. Ngoài ra, ông Châu còn xây dựng nhiều đoàn ôtô vận tải, tàu thủy để phục vụ công tác vận chuyển tiền, bề ngoài được ngụy trang chở nước ngọt, bia. Mỗi khi ông Tư trần An nhập khẩu vàng ở một số nơi, ông Lữ Minh Châu sẽ mật điện ra Hà Nội thông báo, từ đây Hà Nội lại công khai gọi sang Hongkong yêu cầu trả thanh toán tiền, chỉ 30 phút sau là xong.
Sau 10 năm, tính đến tháng 4/1975, lượng tiền chi viện chuyển cho chiến trường miền Nam đạt khoảng một tỷ USD, hàng tỷ tiền Sài Gòn và một khối lượng lớn tiền Campuchia, Lào, Thái Lan…
Tối 17/4, tại Dinh Thống Nhất, TP HCM đã diễn ra chương trình truyền hình trực tiếp: "Huyền thoại con đường tiền tệ". Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những cống hiến của các thế hệ cán bộ ngân hàng trong những năm chiến tranh khắc nghiệt, góp phần lớn vào sự thắng lợi chung của dân tộc.
Theo: VnExpress