Hoàng Sa và Trường Sa - Chủ quyền của Việt Nam-P1 (tiêp)

Lịch sử đã chứng minh, cho đến ngày bị thực dân Pháp đô hộ, các triều đại phong kiến Việt Nam đã thực sự thực thi chủ quyền và cai quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thế giới nhất quán coi các đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Một cuộc triển lãm Bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Lan Anh – TTXVN
Một cuộc triển lãm Bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” được tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Lan Anh – TTXVN

Thậm chí, các triều đại phong kiến Trung Quốc đã mặc nhiên công nhận quyền cai quản của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không những không phản đối mà có lúc còn giúp đỡ một số đội viên đội Hoàng Sa bị bão đánh dạt vào cảng Thanh Lam (đảo Hải Nam) và đưa họ trở về Thuận Hóa. Với công ước Pháp - Thanh Thiên Tân năm 1884, Trung Quốc đã công nhận quyền cai trị của Pháp ở Việt Nam. Trên cơ sở đại diện cho triều đình phong kiến An Nam, Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa bằng việc tiến hành tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra chiếm đóng trên các đảo. Để quản lý hành chính, chính quyền lúc đó đã sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa và thành lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, cho xây dựng nhiều công trình trên cả hai quần đảo.

Mãi đến đầu thế kỷ 20, năm 1909, trước sự đe dọa của Nhật Bản, nhà đương cục Trung Quốc mới bắt đầu chú ý đến quần đảo Hoàng Sa. Trong những năm 1928, 1932, Trung Quốc mới bộc lộ ý đồ tranh giành chủ quyền với chính quyền bảo hộ Pháp. Cho đến hết Chiến tranh thế giới thứ Nhất, đòi hỏi của nhà đương cục Trung Quốc cũng chỉ nhằm vào quần đảo Hoàng Sa. Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, với tư cách là quốc gia kế thừa, Pháp tiếp tục khẳng định quan hệ chủ quyền và phản đối những yêu sách của Trung Quốc. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã chiếm một số đảo trên dãy Hoàng Sa và Trường Sa (gọi là Shinnan Shoto) để làm căn cứ quân sự.

Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, lợi dụng danh nghĩa giải giáp quân đội Nhật Bản, năm 1947, quân đội Tưởng Giới Thạch đổ bộ lên đảo Phú Lâm (thuộc Nhóm Đông của quần đảo Hoàng Sa) và đảo Ba Bình (Itu Aba) của quần đảo Trường Sa, trong khi đó, quân đội Pháp đóng ở đảo Hoàng Sa (thuộc Nhóm Tây của quần đảo Hoàng Sa) và một số đảo khác của quần đảo Trường Sa. Ngày 8/3/1949, Pháp công nhận độc lập thống nhất của Việt Nam và ngày 14/10/1950, Pháp chính thức trao việc phòng thủ quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam. Ngày 6/9/1951, tại Hội nghị San Francisco, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng chính quyền Bảo Đại, trưởng phái đoàn Việt Nam lúc đó đã tuyên bố xác nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sau khi Nhật đã trả lại tất cả những lãnh thổ họ đã chiếm cứ trong Chiến tranh thế giới thứ Hai (1939-1945). Không có nước nào trong số 51 nước tham dự hội nghị phản đối sự tái xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, ngày 28/4/1956, quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, chính quyền Sài Gòn vẫn duy trì lực lượng đồn trú bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Năm 1957, các lực lượng thủy quân lục chiến của quân đội Sài Gòn đã được đưa ra quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ các quần đảo thay thế cho các đơn vị đồn trú trước đây. Năm 1963, chính quyền Sài Gòn đã cho dựng các bia chủ quyền trên các đảo Trường Sa, An Bang, Loại Ta, Thị Tứ, Song Tử Đông, Song Tử Tây.

Tháng 4/1956, khi Pháp rút quân khỏi Đông Dương, chính quyền Sài Gòn đã thay thế quân Pháp tại phần phía tây quần đảo Hoàng Sa, không ra kịp phần phía đông, cho nên phần này bị quân đội Trung Quốc chiếm giữ. Ngày 8/6/1956, Bộ trưởng Ngoại giao Sài Gòn tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chính quyền Sài Gòn đã quyết định sáp nhập quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên vào xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam và quyết định quần đảo Trường Sa được sáp nhập vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. Như vậy, từ sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương cho tới tháng 4/1975, chính quyền Sài Gòn và sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tiến hành những hoạt động thực hiện chủ quyền Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách thực sự, liên tục.

Tháng 1/1974 khi Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng nhóm đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa, chính quyền Sài Gòn đã ra tuyên bố lên án Bắc Kinh dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Nam Việt Nam, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Nam Việt Nam. Từ ngày 14/4/1975 đến ngày 29/4/1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã lần lượt giải phóng các hòn đảo trong quần đảo Trường Sa do Quân đội Sài Gòn đóng giữ gồm các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa và An Bang. Sau đó các đơn vị hải quân ta tiếp tục tổ chức việc bảo vệ quần đảo Trường Sa trên nhiều hòn đảo khác. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng và thống nhất đất nước, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa và đã ban hành nhiều văn bản thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này.

Ngày 1/8/2012, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã chính thức trưng bày tấm bản đồ Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do Triều Thanh, Trung Quốc xuất bản tại Thượng Hải năm 1904. Tấm bản đồ, do chính Triều Thanh, Trung Quốc đo đạc và xác định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không hề thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đây là bằng chứng không thể chối cãi về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam bởi chính Triều đại Nhà Thanh cũng đã tự khẳng định điều đó qua tấm bản đồ do họ vẽ.

Như vậy, qua nghiên cứu chứng cứ lịch sử, kể từ chế độ phong kiến đến khi Pháp rút khỏi Đông Dương cho đến ngày miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng, Nhà nước Việt Nam qua các thời đại đã tiến hành những hoạt động thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách thực sự và liên tục. Với những tài liệu và chứng cứ lịch sử đã nêu ở trên chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Chủ quyền đó cần phải được tôn trọng và thực thi theo luật pháp và tập quán quốc tế.

Theo: Báo Tin Tức