Hoàn Cầu đe cho Nhật Bản “biết tay” nếu tuần tra Biển Đông

VietTimes -- Thời báo Hoàn Cầu xúi giục Bắc Kinh quân sự hóa, lập ADIZ, cho máy bay dọa tàu chiến Nhật, gây sức ép với Nhật ở đảo Senkaku... để cho Nhật Bản "biết tay".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada. Ảnh: Japantimes
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada. Ảnh: Japantimes

Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 18/9 đăng bài xã luận có tiêu đề là “Trung Quốc có nhiều chiêu đáp trả Nhật Bản tuần tra Biển Đông”, cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada ngày 15/9 tuyên bố Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ tuần tra liên hợp với Quân đội Mỹ ở Biển Đông.

Bà Tomomi Inada cho hay Nhật Bản sẽ thông qua tuần tra liên hợp với Hải quân Mỹ và tổ chức tập trận song phương và đa phương với hải quân các nước trong khu vực, cung cấp viện trợ cho một số nước, tăng cường sự can dự của Nhật Bản ở Biển Đông. Đây là động thái mới của Nhật Bản.

Mỹ luôn mời các nước ngoài khu vực Biển Đông như Nhật Bản, Australia cùng với các nước trong khu vực như Philippines tiến hành tuần tra liên hợp ở Biển Đông.

Các nước như Australia, Philippines bày tỏ thái độ thận trọng, mơ hồ. Tokyo trước đây cũng cho biết không có kế hoạch tham gia tuần tra liên hợp ở Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada vừa đến thăm Mỹ. Ảnh: Vidalatinasd
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada vừa đến thăm Mỹ. Ảnh: Vidalatinasd

Tháng 6/2016, tại Đối thoại Shangri-La, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Tôn Kiến Quốc cho biết nếu Nhật Bản và Mỹ tiến hành tuần tra liên hợp hoặc các hành động quân sự khác ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ không bàng quan đứng nhìn.

Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đưa ra tại Mỹ có thể được cho là đã đụng tới cái gọi là "giới hạn" của Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo tổ chức với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter ngày 15/9, nhiều phóng viên liên tục hỏi về quyết định này của Nhật Bản, bà Tomomi Inada đã không giải thích nhiều, điều này cho thấy bản thân bà và dư luận thế giới đều biết, hành động này có tính "kích động" đối với tình hình Biển Đông - báo Đảng của Trung Quốc bình luận.

Thời báo Hoàn Cầu còn nhấn mạnh, sau khi Tokyo hạ quyết tâm điều tàu chiến đến Biển Đông tham gia tuần tra chung, những nỗ lực làm dịu quan hệ song phương của Trung Quốc và Nhật Bản xem ra hầu như đều bị triệt tiêu.

Hải quân Mỹ và Nhật Bản tiến hành tập trận chung ở biển Hoa Đông (ảnh tư liệu)
Hải quân Mỹ và Nhật Bản tiến hành tập trận chung ở biển Hoa Đông (ảnh tư liệu)

Ngoài ra, tình hình Biển Đông có thể sẽ nổi sóng lớn hơn do Mỹ và Nhật Bản tiến hành tuần tra chung. Trung Quốc không có cách nào khác là áp dụng các biện pháp đáp trả mạnh mẽ - báo Trung Quốc đe dọa.

Một khi tuần tra chung giữa Mỹ và Nhật Bản ở Biển Đông chính thức bắt đầu, điều này có nghĩa là thực hiện họ "chính sách pháo hạm mới" đối với Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Trong tình hình này, báo Trung Quốc xúi giục nước này rằng cần tiến hành triển khai quân sự hóa (phi pháp) đối với các đảo đá ở Biển Đông (thuộc chủ quyền của Việt Nam và các nước khác), tăng cường khả năng đối đầu với tàu chiến của Mỹ và Nhật Bản một cách không do dự.

Trung Quốc cũng cần thông báo trước phản ứng như vậy với các nước ASEAN, để cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn ngọn nguồn của leo thang tình hình Biển Đông - báo Trung Quốc muốn đánh tráo khái niệm, đánh lừa thiên hạ về chủ quyền ở Biển Đông và ngọn nguồn của căng thẳng Biển Đông.

Hạm đội liên hợp Mỹ-Nhật trong một cuộc tập trận chung (ảnh tư liệu)
Hạm đội liên hợp Mỹ-Nhật trong một cuộc tập trận chung (ảnh tư liệu)

Nếu như Mỹ và Nhật Bản liên tiếp tuần tra chung hoặc có nhiều nước hơn tham gia, “quấy rối nghiêm trọng” trật tự bình thường của khu vực Biển Đông, Trung Quốc cần tuyên bố thiết lập cái gọi là Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông - Thời báo Hoàn Cầu xúi giục Bắc Kinh.

Bài viết còn cho rằng một khi tạo ra được cục diện như vậy, Trung Quốc sử dụng hệ thống tổng thể với nhiều đảo đá bị quân sự hóa và vùng nhận dạng phòng không để đáp trả tàu chiến Mỹ, Nhật Bản. Nhìn về lâu dài, Trung Quốc hoàn toàn sẽ không "mất phần" về chiến lược.

Tàu chiến Nhật Bản đến Biển Đông sẽ trở thành mục tiêu chủ yếu chống phá của Trung Quốc. Máy bay quân sự Trung Quốc có thể áp dụng các hành động tiếp cận như bay lướt qua tàu chiến Nhật Bản, tăng cường sức ép đối với Nhật Bản.

Ngoài áp dụng các hành động trên ở Biển Đông, Trung Quốc có thể tăng cường gây sức ép với Nhật Bản ở hướng đảo Senkaku, tăng tần suất hoạt động ở đảo Senkaku.

Tokyo hiện là bên nhiệt tình nhất với vấn đề Biển Đông, tính tích cực của họ trên phương diện này không chỉ vượt các nước ở xung quanh Biển Đông, thậm chí còn hơn cả Mỹ.

Một trong những động cơ làm như vậy của Nhật Bản là muốn sử dụng vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc, để họ chủ động hơn ở biển Hoa Đông - Thời báo Hoàn Cầu bình luận.

Hạm đội liên hợp Mỹ-Nhật trong một cuộc tập trận chung (ảnh tư liệu)
Hạm đội liên hợp Mỹ-Nhật trong một cuộc tập trận chung (ảnh tư liệu)

Xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản vốn giới hạn ở vấn đề lịch sử và vấn đề đảo Senkaku, Nhật Bản hiện đã mở ra "chiến tuyến Biển Đông" giữa hai nước, làm cho "mối thù" giữa Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục sâu sắc thêm.

Đối với xã hội Trung Quốc, Nhật Bản không phải là Mỹ, mức độ khoan nhượng của người Trung Quốc đối với sự "khiêu khích" của Nhật Bản "rất thấp". Thời báo Hoàn Cầu yêu cầu chính phủ nước này áp dụng thái độ đáp trả cứng rắn, mạnh mẽ hơn.

Tàu chiến Nhật Bản đến Biển Đông rất có thể sẽ làm cho quan hệ Trung-Nhật tiếp tục xấu đi. Những ký ức lịch sử của xã hội Trung Quốc đối với Nhật Bản có thể sẽ bị kích hoạt trở lại, làm cho thái độ chống Nhật lên cao.

Trong tình hình này, xã hội Trung Quốc sẽ đối mặt với vấn đề cũ là làm tốt việc quản lý, kiểm soát dư luận trong nước. Thời báo Hoàn Cầu cho rằng Trung Quốc vừa phải kiên quyết chống lại Nhật Bản, vừa phải ra tay chắc chắn, không rơi vào trò chơi "kích động" của Nhật Bản.

Xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản không phải là vấn đề riêng biệt, Nhật Bản và Mỹ hỗ trợ lẫn nhau, hình thành bàn cờ chiến lược rất phức tạp.

Đối phó cụ thể thế nào đối với Nhật Bản phải có sự lãnh đạo của đội ngũ ngoại giao và quân sự có tính chuyên nghiệp cao, không thể để dư luận trong dân định đoạt - Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh.

Hạm đội liên hợp Mỹ-Nhật trong một cuộc tập trận chung (ảnh tư liệu)
Hạm đội liên hợp Mỹ-Nhật trong một cuộc tập trận chung (ảnh tư liệu)

Bài viết cho rằng đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản là một cuộc chiến lâu dài. Hành động của Trung Quốc càng rõ ràng, rành rọt thì càng có khả năng tác động về sau.

Tổng lượng kinh tế Trung Quốc đã gấp đôi Nhật Bản, Trung Quốc còn là nước lớn về hạt nhân. Nhật Bản hiện nay thực sự là "vai phụ" trong cuộc đối đầu chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, có thể quấy rối nhưng tuyệt đối không làm gì được Trung Quốc. Trung Quốc cần cho Nhật Bản "biết tay" – bài viết đe dọa.